Chế ngự 'bệnh run'

Khá nhiều thí sinh tâm tư: Có cách nào để chế ngự được tâm trạng hồi hộp, âu lo, thậm chí là... run rẩy khi bước vào phòng thi?

15.6084
Nhiều thí sinh cảm thấy lo lắng, hồi hộp khi vào phòng thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Không nên tưởng tượng theo cách tiêu cực
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu tư vấn: “Kỳ thi năm nay khác so với các kỳ thi năm trước nên chúng ta hình dung có cái gì mình chưa biết hay không? Ôn bài ra sao? Không biết mình làm sai rồi sao?...
Chúng ta cứ tưởng tượng ra và tự hù dọa chính mình. Nên nhớ kỳ thi năm nay mới không phải chỉ với riêng mình mà với tất cả các thí sinh, chính vì vậy chúng ta có sự đồng cảm với nhau. Mặt khác, tôi nghĩ đề thi năm nay có thể sẽ không quá khó bằng đề thi đại học năm ngoái, đó là điểm để các bạn cảm thấy an ủi”.
Theo thạc sĩ Hiếu, ngoài những điểm mới về kỳ thi như nói trên, thí sinh còn lo lắng nhiều về bài vở. Ông nhìn nhận: Trong kỳ thi, lượng kiến thức ôn tập rất lớn. Thường học sinh hay dồn bài vở đến cận kỳ thi mới học và như vậy rất dễ lâm vào tình trạng quá tải. Mà khi quá tải, thì hay tưởng tượng những điều không hay: Lỡ mình thi rớt thì sao ta? Lỡ mình không thi đậu đại học thì bố mẹ sẽ nhìn mình ra sao? Rồi bạn bè có khinh thường mình hay không?... Thạc sĩ Hiếu khuyên: “Chúng ta không nên tưởng tượng theo hướng tiêu cực như thế mà hãy suy nghĩ, tìm tòi cách học như thế nào cho hiệu quả và thông minh. Quan trọng nhất là phương pháp học”.
Từ kinh nghiệm bản thân, thạc sĩ Hiếu kể: “Tôi thường sử dụng một số phương pháp riêng để học và nhớ. Chẳng hạn, về giá trị của Truyện Kiều, tôi học từ năm lớp 11 đến giờ vẫn còn nhớ tổng cộng có 8 giá trị (4 giá trị nội dung, 4 giá trị nghệ thuật). Bởi vì, tôi sử dụng phương pháp từ khóa và xâu chuỗi các từ khóa lại thành câu chuyện. Hoặc tôi sử dụng biểu đồ hình xương cá. Với môn văn chẳng hạn, cái đầu con cá là thông tin chung, cái xương sống của con cá là thông điệp chính, nhóm xương phía trên là giá trị nội dung, nhóm xương phía dưới là giá trị nghệ thuật và cái đuôi cuối cùng là cái tổng kết, tổng hợp tác phẩm văn học đó…”.
Thạc sĩ Hiếu cho biết thêm: “Học sinh có thể tìm trên internet những kinh nghiệm về phương pháp học tập, những chia sẻ của các thầy cô, thủ khoa những năm trước để học hỏi kinh nghiệm của họ, từ đó chúng ta có cách học khỏe hơn, bớt lo hơn thay vì lên mạng chụp hình tự sướng”.
Cách đánh bại sự run sợ
Thí sinh Hương Tuyền (lớp 12, ngụ TP.Cần Thơ) thổ lộ: “Khi mới bước vào mỗi kỳ thi, trống ngực em thường đánh dồn dập, ngay cả khi em đã ôn bài khá kỹ. Có cách nào giúp em trị được bệnh run này?”.
Thạc sĩ Hiếu nói: “Bước vào phòng thi, chúng ta thấy không khí xung quanh rất căng thẳng, giám thị đi tới đi lui mà thường trong lòng thí sinh cứ nghĩ giám thị là người xấu vì họ là người luôn răn đe mình, canh me để bắt mình. Nhưng chúng ta nên nhớ giám thị không phải là người hại chúng ta mà là người bảo vệ chúng ta và bảo vệ công bằng trong phòng thi.
Thêm nữa, trong phòng thi, chúng ta hay tưởng tượng, hình dung đề thi sẽ khó, chúng ta sẽ thi điểm thấp kém. Thường chúng ta ít khi nào tưởng tượng những điều tốt, chính vì thế sẽ cảm thấy hồi hộp. Giống như trước khi bạn đứng trên sân khấu, bạn thường tưởng tượng mình sẽ bị nói vấp, nói sai, quên bài… Nên bỏ những thứ ấy qua một bên, hình dung đến một tương lai tươi sáng. Nên hình dung đến những điểm tựa tinh thần của bạn”.
Điểm tựa mà thạc sĩ Hiếu đưa ra chẳng hạn những người làm cho bạn yên tâm như bố mẹ, “gấu” (người yêu), hoặc những phần kiến thức mà bạn cảm thấy nắm vững và tự tin sẽ làm được kiến thức đó. Bên cạnh đó, thí sinh cũng phải chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật tốt, nạp đủ năng lượng để cơ thể tràn đầy sinh lực. Và trong thời gian ổn định trước khi phát đề thi, thí sinh có thể tranh thủ làm quen, nở nụ cười với những người bạn bên cạnh để tạo tâm lý thoải mái, thân thiện với bạn bè”.
Ý KIẾN
Để lấy được điểm 7 sẽ khó hơn nhiều so với năm ngoái nên em đang tăng tốc và cố gắng lấp đầy kiến thức trước khi bước vào kỳ thi. Em đã ôn rất kỹ, nhưng vẫn thấy chưa yên tâm.
Đỗ Thị Thắm
(Trường THPT Kim Sơn B, H.Kim Sơn, Ninh Bình)
Em thấy hơi run vì kỳ thi này có nhiều đổi mới. Đối với phần nội dung cơ bản, em nghĩ là nếu mình nắm vững kiến thức trong lớp 12 thì sẽ ổn. Nhưng với những câu hỏi nâng cao, em phải đi học thêm. Bản thân em hay áp dụng cách học chậm mà chắc, tức là ôn tập rải ra, chứ còn tăng tốc quá sẽ kiệt sức.
Nguyễn Tú Trinh
(Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
L.Ngọc - N.Lịch
(ghi)

Như Lịch - Lê Thanh
(ghi)






0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]