Chỉ 30% người dân có thói quen rửa tay với xà phòng

GiadinhNet - Rửa tay là một việc làm nhỏ, được mọi người biết đến và thực hiện trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, rửa tay với xà phòng, rửa đúng cách theo khuyến cáo của ngành Y tế để phòng bệnh thì chưa được nhiều người dân quan tâm.

0

Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết: Tỷ lệ rửa tay bằng xà phòng trong cộng đồng nước ta trước đây chỉ đạt từ 10 - 15%; đến nay, tỷ lệ này tăng lên 30% nhưng vẫn thấp so với thế giới. Kết quả điều tra cho thấy, đại bộ phận người dân chưa ý thức thực hiện rửa tay. Các cuộc điều tra, khảo sát của ngành Y tế ghi nhận, khi rửa tay, nhiều người chỉ sử dụng một lượng nhỏ xà phòng, xát qua lòng bàn tay và rửa nhanh lại với nước. Nhiều người chưa quan tâm đến các bước rửa tay theo khuyến cáo của y tế. Vì vậy, họ không rửa sạch mu bàn tay, các kẽ tay và kẽ móng tay, là nơi tập trung chủ yếu các yếu tố gây bệnh (vi khuẩn, virus, trứng giun sán...). Qua các kênh thông tin đại chúng và tuyên truyền của ngành Y tế, phần lớn người dân đã biết các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (tay chân miệng, sởi, cúm A...) đều có thể phòng bằng cách vệ sinh cá nhân, trong đó có rửa tay; Vệ sinh ăn uống... nhưng vẫn chưa được quan tâm thực hiện đúng. Do đó, hiện nay tỷ lệ người dân mắc các bệnh tật liên quan đến vấn đề vệ sinh còn rất cao.

Nhân ngày Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân (2/7),Cục Quản lý môi trường Y tế khuyến cáo: Có tới 80% bệnh tật liên quan việc người dân thiếu nước sạch, thiếu ý thức vệ sinh cá nhân cũng như không có thói quen rửa tay bằng xà phòng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, rửa tay với xà phòng giúp giảm 47% khả năng nhiễm bệnh tiêu chảy, 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp. Ngoài ra, việc làm đơn giản này cũng có thể giúp ngăn chặn được các bệnh nguy hiểm đang lây lan trong cộng đồng như: Tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, tay chân miệng, sởi...

Minh Thắng/Báo Gia đình & Xã hội

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]