Sáng 8-12, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM phối hợp với báo Giáo Dục TP.HCM tọa đàm về đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục THPT tại TP.HCM.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, chia sẻ: Áp lực thi cử vô tình biến học sinh thành “tật” chứ không phải “tài”. Ở Singapore, trong chương trình học phổ thông có hơn 50% kiến thức xã hội, kỹ năng sống. Trong khi đó ở ta học sinh học từ sáng đến tối vẫn chưa kịp chương trình.

Ngoài học giỏi các môn toán, lý, hóa để thi vào ĐH-CĐ, học sinh cần được học kỹ năng sống. Trong ảnh: Một giờ thực hành hóa học tại Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3. Ảnh: QUỐC VIỆT

Ông Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, góp thêm: Nâng cao chất lượng giáo dục thì các trường phải đặt ra cái chuẩn để hướng tới mục tiêu giáo dục. Cái chuẩn đó là mẫu con người do trường đào tạo nên. Ví dụ xã hội công nghiệp hiện đại là phải đào tạo học sinh có năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề. Rèn cho các em luôn phải tự học suốt đời. Thầy cô phải có khả năng nhìn ra những phẩm chất, năng khiếu của từng học sinh để tư vấn.

Ông Tín cho rằng chương trình phổ thông bị kêu là quá nặng là vì cùng một kiến thức nhưng nhiều môn cùng dạy, cùng học. Những nhà quản lý giáo dục, biên soạn sách chưa tách ra được chuyện này nên gây quá tải cho học sinh. Khi phân loại được học sinh, tư vấn học sinh trên nền tảng năng khiếu riêng biệt của từng em thì việc học rất nhẹ nhàng, không gây áp lực nặng nề.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phùng Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung Phú (Củ Chi), dẫn chứng: Những năm 1980, học sinh nào xin cũng nhận vào học, kết quả dạy tỉ lệ học sinh đậu tú tài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, sau đó phân loại học sinh, đề ra những biện pháp giáo dục riêng, đến nay trường Trung Phú đứng tốp năm trường đạt chất lượng của cả TP.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, thừa nhận: Chương trình thi cử hiện nay đang tạo áp lực buộc người thầy phải đưa học sinh vượt qua các kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Chúng ta phải xem lại mục tiêu giáo dục ở bậc phổ thông là gì, đổi mới quản lý, đổi mới giảng dạy tác động đến ai. Sau đó mới tính được kết quả mà học sinh gặt hái được.

QUỐC VIỆT


Video đang được xem nhiều