Chị Thuỳ không nên tiếp tục chịu đựng

Đôi khi bi kịch bắt đầu xuất phát từ sự chịu đựng, sự hy sinh mà mình cho là đúng. Đôi khi chính sự mạnh mẽ cần thiết đã không đưa đến hoàn cảnh này. Chị hãy bình tĩnh và cho anh ta cơ hội sửa đổi lần cuối cùng. Nếu anh ta không can đảm từ bỏ lối sống đó thì chị nên cứng rắn theo cách riêng của mình.

0

From: D.T.T.
To:
[email protected]
Sent: Friday, July 02, 2004 6:28 AM
Subject: chi Thuy men

Chị Thùy thân mến!

Tôi dùng 2 chữ “chịu đựng" để nói về hôn nhân của chị không biết có chính xác không nữa? 3 lần bị chồng phản bội mà chị vẫn có thể tha thứ được và quan niệm là sống như thế để giữ chồng cho mình, giữ cha cho con. Dù chị có thật sự tha thứ thì tôi nghĩ đã là đàn bà thì phải có một sự rạn nứt nằm ở đó. Nhưng tôi thấy chồng chị thật sự là quá ích kỷ, vũ phu và gia trưởng. Dường như sự ngoại tình của anh ấy là điều hiển nhiên chị phải chịu đựng.

Sau những lần lừa dối vợ như thế anh ta không hề có ý định phục thiện và quyết tâm sống tốt hơn như một sự chuộc lại lỗi lầm cho chính mình. Điều đó xuất phát từ quan niệm lệch lạc của anh ta trong hôn nhân. Người đàn ông thành đạt và họ tự cho họ cái quyền vui vẻ một tý, cho đó chỉ là bước “đệm", vui vẻ qua đường. Tôi thật sự khiếp sợ nếu phần lớn đàn ông đều quan niệm như thế thì hôn nhân trở thành gì? Có còn là điều quan trọng và thiêng liêng nữa không? Vậy thì người ta chỉ nên vui vẻ qua đường, không niềm tin, không trách nhiệm và ở đó cũng không còn sự tôn trọng.

Tôi nhận thấy anh ta đã mất đi sự tôn trọng đối với chị, một sự kính nể lẫn nhau để làm nền tảng giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tôi nghĩ vấn đề cũng nằm một phần ở chị, chính sự thiếu tự tin và mạnh mẽ của chị đã đưa gia đình chị tới nông nỗi này. Anh ta mặc nhiên xem thường chị và cho là “cô ta cũng sẽ tha thứ cho mình thôi" mà anh ta không hiểu được là sự tha thứ của chị chính là tấm lòng yêu thương vô bờ bến đối với chồng con mình. Vậy nghĩ sâu xa hơn, chị có vẻ như là một đồng phạm nhiều hơn, vừa là đồng phạm vừa là nạn nhân.

Tôi cũng xin mạn phép kể một chút về chuyện gia đình mình. Mẹ tôi cũng thế, cũng hy sinh vì chồng con như chị. Một tay mẹ tôi quán xuyến nhà cửa, dành dụm tiền bạc, chăn nuôi gần như một trang trại, 20 năm làm dâu với bao tủi nhục cũng có, hạnh phúc cũng có… Và bố tôi cũng như chồng chị Thùy, là một người đàn ông giỏi kiếm tiền, thương vợ con, nhưng lại phải vướng tính cộc cằn và thói trăng hoa. Mẹ tôi 20 năm có chồng, nhưng cũng không thể cảm nhận hết hạnh phúc của một người vợ thật sự, cũng chịu đựng như một sự đánh đổi hạnh phúc cho gia đình, cho con…

Và chuyện gì đến đã đến, mẹ tôi đã có người đàn ông khác. Có thể đó là cái giá đắt nhất cho cuộc đời của mẹ tôi. Mẹ tôi sẽ phải day dứt và ân hận suốt cả đời vì điều đó. Nhưng tôi thấy quả là không đáng tý nào vì tôi hiểu tại sao mẹ tôi lại làm thế? Dường như đàn ông họ tự cho họ rất là nhiều quyền còn đàn bà thì không, thậm chí một lần cũng không, không đủ để bù đắp lại những gì tốt đẹp từng có trong quá khứ.

Chuyện của gia đình tôi khá là dài dòng, nhưng tôi kể cho chị nghe cũng chỉ muốn khẳng định lại đôi khi bi kịch bắt đầu xuất phát từ những sự chịu đựng, sự hy sinh mà mình cho là đúng, có ý nghĩa và nên làm như thế. Đôi khi chính sự mạnh mẽ cần thiết đã không đưa đến hoàn cảnh này. Hơn ai hết tôi hiểu sự thiếu thốn tình cảm và sự tổn thương tình cảm của những đứa con trong gia đình là như thế nào. Tôi chỉ xin khuyên chị một điều hãy thật sự bình tĩnh mà giải quyết vấn đề, hãy nhấn mạnh vào tấm lòng yêu thương con của anh ấy và cho anh ta cơ hội sửa đổi lần cuối cùng, cho anh ta hiểu rõ vấn đề lần nữa là giá trị hạnh phúc như thế nào? Và nếu anh ta không sửa đổi, không can đảm từ bỏ lối sống đó thì chị nên cứng rắn theo cách riêng của mình. Đừng trở thành bi kịch như chính cuộc đời của mẹ tôi.

Thân,

Hoài Thu

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]