Chích keo sinh học ngừa bệnh trào ngược bàng quang - niệu quản

Con tôi bị trào ngược bàng quang - niệu quản tái phát nhiều lần, điều trị kháng sinh lâu ngày nhưng không khỏi. Xin cho biết có thể mổ hoặc cách nào khác.

15.5976

DIỆU HOA (Gia Lai)



Bệnh này có thể phẫu thuật cắm lại niệu quản vào bàng quang. Nhưng thay vì mổ mở, có thể nội soi qua đường tiểu dưới và bơm một chất keo sinh học đặc biệt chống trào ngược gọi là Deflux vào bàng quang để điều trị. Có thể nói đây là một bước chuyển mới ngoạn mục trong điều trị bệnh trào ngược bàng quang - niệu quản ở trẻ em lần đầu tiên được áp dụng tại miền Nam.

Bệnh trào ngược bàng quang - niệu quản là gì?

Bình thường, nước tiểu sẽ đi từ thận xuống niệu quản, sau đó là bàng quang và thoát ra ngoài qua niệu đạọo (hay còn gọi là đường tiểu). Bệnh trào ngược bàng quang - niệu quản là sự di chuyển ngược chiều của nước tiểu từ bàng quang lên đường tiết niệu trên do các nguyên nhân sau: cơ chế chống trào ngược của bàng quang hoạt động không hiệu quả (nguyên phát); hoặc xảy ra sau các bệnh lý như van niệu đạo sau, bàng quang thần kinh, hội chứng Prune Belly… (thứ phát).

Tỉ lệ trẻ nữ mắc phải bệnh này gấp 4 lần trẻ nam và thường gặp ở lứa tuổi 3-5, nhất là ở các bé gái thường xuyên bị nhiễm trùng tiểu. Trào ngược bàng quang - niệu quản có tỉ lệ tự cải thiện cao, khoảng 20%/năm. Tuy nhiên mức độ cải thiện này tỉ lệ nghịch với độ trào ngược. Độ trào ngược càng nặng thì tỉ lệ tự cải thiện càng thấp. Độ I, II có khả năng tự lành cao hơn độ III, IV, V (xem box).

Can thiệp cách nào?

Nếu tình trạng này kéo dài với áp lực lớn kèm theo vi trùng sẽ gây dãn niệu quản và tổn thương thận, sẹo thận, từ đó dẫn đến suy thận giai đoạn cuối là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi trẻ có trào ngược độ IV, V.

Trước đây, khi trẻ bị trào ngược có chỉ định mổ thì chỉ có phương pháp mổ mở mới giải quyết được bệnhh. Các bác sĩ phải mổ mở ổ bụng, tìm niệu quản và cắm lại niệu quản ở vị trí mới trên bàng quang để nước tiểu không trào ngược lên thận nữa. Phương pháp này để lại sẹo mổ khá to, thời gian nằm viện từ 5-7 ngày và có thể gặp các biến chứng sau mổ như chảy máu, nhiễm trùng, cắm thất bại...

Deflux là một chất keo sinh học đặc biệt, cấu trúc phân tử là kết hợp của hai chất dạng đường là dextranomer và axit hyaluronic, được dùng trong nội soi để điều trị bệnh trào ngược bàng quang - niệu quản từ độ II đến độ IV. Tác dụng của Deflux là làm chít hẹp lại lỗ đổ của niệu quản vào bàng quang, tạo được van chống trào ngược, từ đó hạn chế sự trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản.

Ưu điểm của Deflux

Phẫu thuật được thực hiện qua nội soi đường tiểu dưới với ống soi nhỏ, ít đau và xâm lấn tối thiểu vào thân thể bệnh nhi, bé có thể xuất viện ngày hôm sau hoặc nếu hồi phục nhanh thì bé có thể về trong ngày. Hạn chế được tình trạng nhiễm trùng tiểu ngược dòng gấp 4 lần so với trẻ chỉ dùng thuốc kháng sinh dự phòng nhiễm trùng tiểu. Tỉ lệ điều trị thành công bệnh cao (trên 86%). Tuy nhiên, nhược điểm là giá thành khá mắc (khoảng 1.000 đôla/ca).

Chất này có độ tương hợp sinh học và kết dính cao, được chính thức sử dụng ở châu Âu vào năm 1998 và được Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm của Mỹ (FDA) công nhận năm 2001 trong điều trị bệnh lý trào ngược bàng quang - niệu quản. Hơn 50.000 trường hợp bệnh đã được điều trị bằng Deflux và theo y văn thì trong vòng 10 năm sử dụng Deflux, chưa thấy có báo cáo trường hợp dị ứng nào với chất này. Không hẳn chích một lần là hết bệnh, mà là phương pháp thay thế cho phương pháp mổ mở với lợi điểm là ít biến chứng hơn. Do đó, đôi khi phải sử dụng hơn một lần chích. Hầu như không có biến chứng, nếu có thì không đáng kể.

Hiện nay các bệnh viện có khoa phẫu thuật nhi và có đủ các điều kiện về gây mê cũng như trang thiết bị nội soi nhi đều có thể tiến hành phương pháp này. Bệnh viện đầu tiên tiến hành triển khai là Nhi Đồng 2. Khoa thận niệu BV Nhi Đồng 2 có buổi khám chuyên khoa vào thứ năm hằng tuần lúc 13g tại phòng số 11.

Triệu chứng

Các lý do gợi ý đến bệnh thường gặp ở trẻ là sốt, tiểu đục, tiểu máu, són tiểu, đau bụng không rõ nguyên nhân, đặc biệt là các trẻ có tiền căn nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại nhiều lần. Khi bé bị bệnh lý này sẽ được chụp bàng quang ngược dòng có rặn tiểu và người ta phân thành năm mức độ dựa trên hình ảnh chụp này.

Độ I: trào ngược chỉ ở niệu quản.

Độ II: trào ngược lên đến bể thận và đài thận nhưng không giãn.

Độ III: trào ngược có giãn nhẹ hoặc vừa bể thận và niệu quản. Các góc nhọn ở đài thận bé còn.

Độ IV: niệu quản, bể thận, đài thận giãn, các góc nhọn ở đài thận bé mất.

Độ V: nhu mô thận mỏng, niệu quản ngoằn ngoèo.

AloBacsi.vn
Theo BS Trương Mậu Anh- BS Phạm Ngọc Thạch
Tuổi trẻ/ BV Nhi Đồng 2
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]