Chích nhể điều trị viêm xoang

Phương pháp chích nhể để điều trị một số bệnh mạn tính như đau đầu, liệt dây thần kinh VII... đặc biệt điều trị viêm xoang...

15.5799
Đây là đề tài nghiên cứu và được ứng dụng thành công hơn 10 năm nay của đại tá Hoàng Văn Sỹ, nguyên Phó Giám đốc Viện Y học Cổ truyền Quân đội. Phương pháp chích nhể để điều trị một số bệnh mạn tính như đau đầu, liệt dây thần kinh VII... đặc biệt điều trị viêm xoang đã trở thành bí quyết độc đáo trong điều trị bệnh của vị đại tá ở tuổi 87 này.

Tập thư cảm ơn thầy

Tháng 7/2009, biên bản họp hội đồng khoa học Viện Y học Cổ truyền Quân đội đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học (Chủ tịch Hội đồng là Thiếu tướng Nguyễn Minh Hà, Viện trưởng Viện Y học Cổ truyền Quân đội - PV) có nêu: Đề tài điều trị viêm xoang mũi bằng phương pháp chích nhể của đại tá Hoàng Văn Sỹ có ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần bổ sung một phương pháp điều trị đơn giản, an toàn mà khá hiệu quả...
Đã 87 tuổi, nhưng sự nhanh nhẹn của đại tá Hoàng Văn Sỹ và sự tận tình khám, chữa bệnh của ông đã làm cho nhiều người cảm động và trân trọng. Ông Sỹ rút tập thư còn lưu giữ từ những năm 1995 ra cho tôi xem, đó là một tập thư của các bệnh nhân, đề rõ địa chỉ, số điện thoại, nguyên nhân mắc bệnh và được ông chữa trị hiệu quả như thế nào. Trong những lá thư đó chứa đựng vô vàn lòng biết ơn của người bệnh dành cho thầy thuốc. Từ những cháu bé 12 tuổi, đến những ông, bà già đều hạnh phúc khi thoát khỏi bệnh mạn tính.

Một trong những lá thư cảm ơn đó là của bệnh nhân Nguyễn Văn Vinh, ngõ Văn Hương, Đống Đa, Hà Nội. Trong lá thư anh ghi: "Tôi bị chứng bệnh viêm xoang trán, má từ khi còn học cấp II. Cứ mỗi lần thay đổi thời tiết, tôi lại đau nhức vùng mặt, tắc mũi, có mủ mũi. Ngày nào tôi cũng phải nhỏ thuốc từ 10 - 15 lần, tôi đã nhiều lần đi điều trị từ viện tư đến viện công, từ Đông y sang Tây y nhưng bệnh tình không khỏi. May mắn, năm tôi 34 tuổi đã được gặp đại tá Hoàng Văn Sỹ điều trị. Bác điều trị một liệu trình là 3 ngày chích nhể, nghỉ 3 ngày. Tới ngày đầu của lần thứ hai tôi đã thấy đỡ hẳn, đến hết lần thứ ba tôi đã khỏi hẳn, và cho đến nay tôi chưa bị tái phát... Tôi vô cùng cảm ơn bác Hoàng Văn Sỹ...".

Ông Sĩ dùng kim tam lăng chích nhể cho bệnh nhân.

Hiệu quả nhất lúc sáng sớm

PV Kienthuc.net.vn có mặt tại căn nhà số 7, Trần Hữu Tước, Đống Đa, Hà Nội lúc 6h15 phút sáng nhưng bệnh nhân từ già đến trẻ đã ngồi đợi sẵn bác sĩ. 6h30 phút, ông Sỹ đeo găng tay và cầm dụng cụ rất đơn giản gồm chiếc kim, chiếc kéo, lọ đựng bông cồn, hộp đựng bông khô. Vừa chích cho bệnh nhân, ông vừa giải thích: Đây là phương pháp điều trị không dùng thuốc mà dùng kim tam lăng chích trên da, nặn một ít máu gây đau nhức, tê mỏi và viêm nhiễm trên da. Kim tam lăng được làm bằng inox, có độ dài 5 - 7cm, đường kính 1mm. Đầu kim nhọn được mài vát thành 3 cạnh để dễ xuyên qua da nên bệnh nhân không đau...

Khi chúng tôi băn khoăn là tại sao ông tuổi cao rồi mà chữa bệnh sớm vậy, không để khoảng 8 - 9 giờ hãy chữa, ông Sỹ cười: Phương pháp này thực hiện lúc sáng sớm là tốt nhất. Bởi lẽ, khi người ta ngủ dậy, hiện tượng ứ huyết, đọng huyết còn nguyên trên người, lúc này sẽ xác định đúng vị trí cần chích nhể. Còn khi đã vận động, các máu độc tản đi nơi khác trong cơ thể sẽ khó tìm điểm chích nhể và chích không hiệu quả. Vì vậy, bệnh nhân điều trị viêm xoang thì cần thực hiện trước 7h30 sáng.

Xác định vị trí chích nhể là quan trọng

Nói về việc chích nhể, ông Hoàng Văn Sỹ cho hay: Khi chích nhể tốt, cần xác định vị trí chích. Người thầy thuốc cần tìm các dấu hiệu đặc trưng của vùng chích nhể gồm: Điểm tụ huyết, thường là một điểm, một chấm hay một nốt, có thể hai, ba hoặc một đám nhỏ, thường màu đỏ tím, giống như điểm muỗi đốt, màu chân nhang, hoặc bầm đen màu gỉ sắt. Điểm ứ huyết là đoạn tắc nghẽn của một tĩnh mạch ngoại vi nhỏ, có màu tím đỏ, tím đen, xanh, hình con giun kim, một vòng tròn hoặc bán vòng tròn. Ngoài ra, còn có điểm đau nhức, điểm xuất huyết, điểm đọng huyết...  Khi chích nhể, thầy thuốc sẽ sát trùng tay rồi xác định vùng định chích nhể. Tay trái dùng ngón trỏ và ngón cái căng da hoặc véo da lên, tay phải cầm kim đưa nhanh qua da khoảng 1mm rồi rút kim nhanh, sau đó dùng ngón trỏ và ngón cái bàn tay phải, bàn tay trái nặn máu điểm vừa chích. Mỗi lần chích không quá 12 điểm. Mỗi bệnh nhân viêm xoang, viêm mũi liệu trình chích nhể là 16 lần chia ra 4 đợt, trong đó đợt 1 và 2, mỗi ngày chích 1 lần, trong 5 ngày, nghỉ 1 ngày, đợt 3 và 4 cũng mỗi ngày chích 1 lần, nhưng làm 3 ngày.

Ông Sỹ nhấn mạnh, đối với những người như phụ nữ có thai, đang kinh nguyệt, hoặc người bệnh đang đói, người thiếu máu, bệnh tim... chống chỉ định với phương pháp này.

Viêm xoang, viêm mũi là bệnh mạn tính, đa phần là viêm mũi, viêm xoang dị ứng. Đông y cũng có nhiều cách điều trị, tuy nhiên, châm, chích chỉ chữa được triệu chứng đau nhức, còn viêm nhiễm, có mủ thì khó khăn hơn. Người bệnh cần phải dùng thuốc, thường xuyên xịt rửa mũi. Người bệnh nặng có thể phải xịt rửa mũi hằng năm, nhẹ thì ba tháng, trung bình là sáu tháng. Trên thị trường có nhiều loại thuốc xịt nhưng tốt nhất chỉ nên xịt rửa mũi hằng ngày bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%).
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh (nguyên Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng T.Ư)
 
Phạm Hằng
 
BÀI ĐỌC NHIỀU

[links()]
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]