Cho bé ăn cơm chan canh là phản khoa học

(SKGĐ) Canh có thể “nịnh” bé bằng cảm giác dễ nuốt nhưng lại gây áp lực cho hệ tiêu hóa và hình thành thói quen phản khoa học.

15.5706

 

Dùng canh “đưa” cơm

Cu Minh, 3 tuổi, con chị Hoa ở Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội rất lười ăn cơm hạt. Mỗi lần ăn cơm, bé luôn đòi mẹ chan nước canh hoặc nước xào rồi nuốt. Con đã 3 tuổi mà cho ăn cơm xay thì chị Hoa sợ con hình thành thói quen xấu. Nhưng mẹ chồng chị thì tỏ ra không hài lòng về cách chăm sóc của con dâu: “Trẻ con phải tập ăn cơm khô để cứng cáp, chỉ người già yếu, mệt mới hay chan canh cho nhanh qua bữa. Phải bắt nó nhai chứ”. Nhưng chị ép được hai miếng là con lại khóc, đòi nước chan.

Chị bảo: “Dù sao nó ăn được cơm còn hơn không ăn gì hoặc ăn cháo cả đời. Người lớn còn dùng canh đưa cơm thì trách chi trẻ con, nếu không thì sinh ra món canh để làm gì”. Nhưng từ khi chị cho con ăn cơm hạt thì bé rất hay “đi” phân sống và chỉ thích cơm trắng với nước canh, cho thêm thịt, cá hay rau vào là bé nhằn ra. Bé cũng chậm tăng cân hơn bạn bè cùng lứa (dù trước đây 1 năm bé tăng cân rất đều). Cho con đi khám dinh dưỡng, bác sĩ khuyên chị nên tập cho bé ăn cơm khô hơn, uống nước canh sau, nếu con chị đã quen thì chỉ nên chan ít nước cho ướt cơm.

Vì sao canh hại cơm?

Những trẻ lười ăn hoặc được cho ăn cơm với canh ngay từ khi tập ăn cơm hạt thường có thói quen ăn cơm chan canh, vì chúng tạo cho bé cảm giác dễ nuốt. Nhưng cách ăn này sẽ giảm hiệu quả dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa.

ThS.BS. Nguyễn Bạch Đằng, Bộ môn Tiêu hóa, Học viện Quân y cho rằng: Về lý thuyết thì ăn cơm chan canh là không khoa học, trẻ sẽ nuốt nhanh nên thức ăn chưa được nghiền kỹ khiến dạ dày phải co bóp hoạt động nhiều hơn. Quá trình nhai ít nên giảm tiết nước bọt làm thiếu enzyme tiêu hóa. Chính vì nuốt nhanh khiến vị giác chưa kịp cảm nhận “cái ngon” của thức ăn nên tăng nguy cơ chán ăn và trẻ ngại nhai những thức ăn rắn khác như thịt, rau...

Đồng thời thói quen chan nhiều nước canh khiến dạ dày nhanh căng giãn, cảm giác nhanh no nhưng thực chất thức ăn lại ít; dịch tiêu hóa bị nước canh pha loãng khiến cho quá trình hấp thu dinh dưỡng giảm, dễ khiến bé đi phân sống và thiếu dinh dưỡng. Ăn cơm chan canh cũng khiến bé lười nhai, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của cơ hàm.

Vì vậy ngay khi tập cho con ăn cơm hạt, bạn nên cho ăn cơm khô (có thể nấu ướt hơn bình thường) và một bát nước canh riêng, bé nhai xong một vài miếng thì cho uống 1 thìa canh hoặc cho ăn riêng canh vào cuối bữa. Nếu trẻ đã hình thành thói quen ăn cơm có nước chan, bạn hãy từ từ giảm lượng nước canh xuống, dần dần chỉ còn chan ướt cơm.

Tiến Minh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]