Chớ để bị viêm khớp mủ

SKĐS - Viêm khớp mủ là viêm khớp do vi khuẩn sinh mủ gây ra, tổn thương viêm một hay nhiều khớp.

31.1976

Viêm khớp mủ là viêm khớp do vi khuẩn sinh mủ gây ra, tổn thương viêm một hay nhiều khớp. Bệnh thường gặp ở những người đang bị nhiễm khuẩn, viêm màng trong tim nhiễm khuẩn, viêm khớp, do tiêm thuốc tại khớp...

Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn do vi khuẩn sinh mủ gây ra. Người nào trong tình trạng kém đề kháng với vi khuẩn gây bệnh thường dễ mắc bệnh.

Đối với vi khuẩn gây viêm khớp mủ, thường gặp các loại sau đây: tụ cầu, đặc biệt là tụ cầu vàng, chúng gây đến 50 - 70% các ca viêm khớp mủ. Các loại vi khuẩn khác gây bệnh gồm: liên cầu, phế cầu, lậu cầu, não mô cầu; E.coli, thương hàn, trực khuẩn mủ xanh, Haemophilus influenza. Trên thực tế có thể gặp chỉ một loại vi khuẩn gây viêm khớp, điển hình như tụ cầu, phế cầu, lậu cầu...; nhưng cũng có khoảng 10% số ca viêm khớp nhiễm khuẩn, bệnh nhân đồng thời nhiễm nhiều loại vi khuẩn, nhất là các bệnh nhân bị viêm khớp sau khi bị chấn thương.

Điều trị cho bệnh nhân viêm khớp mủ.

Vi khuẩn thường xâm nhập vào khớp qua các đường: lan truyền theo đường máu; theo đường kế cận từ nhiễm khuẩn xương hoặc phần mềm gần sát khớp; nhiễm khuẩn trực tiếp sau chấn thương rách vào tận khớp; sau khi tiêm thuốc vào khớp nhưng không đảm bảo vô khuẩn; sau phẫu thuật xương khớp.

Những người dễ bị viêm khớp nhiễm khuẩn là: người đang mắc bệnh nhiễm khuẩn như lậu, viêm phế quản, mụn nhọt..., người cao tuổi, người đang dùng thuốc giảm miễn dịch, người tiêm chích ma túy, bệnh nhân đã từng bị bệnh khớp, sau chấn thương, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân đái tháo đường, bệnh hồng cầu liềm, bệnh thấp khớp và các rối loạn suy giảm miễn dịch, người nghiện rượu... do các đối tượng này đang trong tình trạng bị suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng với vi khuẩn gây bệnh. Người khỏe mạnh rất ít bị viêm khớp mủ, trừ trường hợp bị chấn thương.

Dấu hiệu viêm khớp mủ

Những đối tượng dễ bị bệnh nói trên, nếu bị viêm khớp mủ sẽ xuất hiện các dấu hiệu sau đây: khởi phát đột ngột, sưng, nóng, đỏ, đau ở một khớp. Khoảng 90% bệnh nhân bị viêm một khớp, trong đó khớp gối hay gặp nhất, các khớp háng, vai, cổ tay, cổ chân, khuỷu tay... ít gặp hơn. Ở các khớp nhỏ của bàn tay, bàn chân chỉ gặp viêm trong trường hợp tiêm tại chỗ, hoặc do vết thương, hay bị chó mèo cắn. Viêm khớp mủ ở nhiều khớp thường gặp ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

Tại khớp viêm thấy sưng, nóng, đỏ, đau; có thể bị tràn dịch khớp, co cơ, hạn chế vận động khớp. Đối với khớp nằm ở sâu như khớp háng, khớp cùng chậu thì khó thấy sưng khớp.

Toàn thân, bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn với các triệu chứng sốt cao trên 40oC, có khi kèm rét run. Tuy nhiên ở những bệnh nhân già yếu, suy giảm miễn dịch hoặc đang mắc bệnh viêm khớp dạng thấp thường không có sốt cao rét run.

Khi bệnh nhân đến bệnh viện khám, làm xét nghiệm cấy máu, có thể tìm thấy vi khuẩn gây bệnh. Xét nghiệm dịch khớp thấy số lượng bạch cầu tăng, với trên 90% là bạch cầu đa nhân. Nhuộm soi dịch khớp phát hiện được vi khuẩn. Chụp phim Xquang thấy hình ảnh mất chất khoáng xương; mòn xương, hẹp khe khớp, cốt tủy viêm, viêm màng...

Bệnh viêm khớp mủ cần phân biệt với một số bệnh khớp khác như: viêm khớp do gút cấp: triệu chứng viêm rầm rộ, sưng nóng đỏ đau đột ngột, thường ở các khớp bàn, ngón chân. Thấp khớp cấp và viêm khớp dạng thấp thường viêm nhiều khớp...

Tổn thương khớp gối do viêm khớp nhiễm khuẩn.

Nguy cơ dính khớp và teo cơ

Điều trị viêm khớp mủ cần dùng kháng sinh sớm, mạnh dẫn lưu mủ khớp, bất động khớp tương đối để ngăn chặn hủy hoại khớp.

Khi chưa có kết quả cấy máu, cấy dịch khớp và kháng sinh đồ, cần dùng ngay kháng sinh có hoạt phổ rộng như: cephalosporin thế hệ 3. Nếu đã phát hiện được vi khuẩn gây bệnh là vi khuẩn gram dương thì dùng oxacillin hoặc nafcillin, clindamycin, vancomycin... Tốt nhất là dùng thuốc theo kháng sinh đồ.

Thời gian điều trị viêm khớp mủ tùy loại vi khuẩn, thông thường cần dùng kháng sinh trong khoảng từ 1 - 2 tuần truyền tĩnh mạch, sau đó chuyển sang uống với liệu trình dùng kháng sinh từ 2 - 4 tuần.

Ở giai đoạn cấp tính, viêm mủ khớp, bệnh nhân thường ở tư thế gấp nhẹ hay trung bình, có thể dẫn đến biến dạng khớp gấp sau này. Vì vậy, ở giai đoạn này bệnh nhân cần phải luyện tập căng cơ theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi khớp đã đỡ viêm thì cần vận động khớp thụ động và chủ động sớm để tránh dính khớp và teo cơ.

Dẫn lưu mủ có tác dụng giảm đau, giảm nguy cơ tạo vách ngăn, nguy cơ hoại tử do làm giảm áp lực trong khớp.

Lời khuyên của bác sĩ

Bệnh viêm khớp mủ là một bệnh nặng, điều trị khó khăn và mất nhiều thời gian. Vì vậy, việc phòng tránh có ý nghĩa rất quan trọng. Để phòng bệnh, mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau: vô khuẩn tuyệt đối khi làm các thủ thuật, phẫu thuật tại khớp. Điều trị triệt để các nhiễm khuẩn tại các cơ quan khác, nhất là mụn nhọt trên da.

ThS. Trần Ngọc Hương

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]