Chọn gì để gửi tới 1.000 năm sau?

Nhằm giúp các thế hệ con cháu biết được quá khứ của cha ông, một dự án dài hơi mang tên Gửi tới mai sau đang được Quỹ Văn hóa Hà Nội và Ban quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội thực hiện.

0

Nhằm giúp các thế hệ con cháu biết được quá khứ của cha ông, một dự án dài hơi mang tên Gửi tới mai sau đang được Quỹ Văn hóa Hà Nội và Ban quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội thực hiện. Theo đó, 1.000 vật phẩm tiêu biểu, đặc trưng cho cuộc sống văn hóa, khoa học và công nghệ của xã hội đương đại sẽ được lưu giữ trong một thiết bị đặc biệt, được hạ thổ vào ngày 10/10 tới. 1000 năm sau, các vật phẩm này sẽ được mang ra "giới thiệu" với cháu con. Vấn đề khó khăn hiện nay là chọn vật phẩm nào để gửi tới mai sau!

Một công trình giàu ý nghĩa nhưng khó thực hiện

Trong cuộc họp báo được tổ chức mới đây, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội - đơn vị tổ chức, đã giới thiệu chi tiết về khu lưu giữ và thiết bị lưu giữ 1.000 vật phẩm này. Khu lưu giữ được xây dựng trong khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội, rộng 1.000m2, được thiết kế theo hình dáng hoa sen - là loại hoa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Toàn bộ chất liệu xây dựng phần nổi là đá tự nhiên. Đài hoa tượng trưng cho Thủ đô Hà Nội. Phần đất nằm sâu dưới đài hoa là nơi chôn thiết bị lưu giữ. Trên mặt đài hoa là 999 lỗ nhụy hoa để hàng năm cứ đến ngày 10/10 sẽ làm lễ đặt một viên đá khắc số của năm đó vào một lỗ nhụy hoa. Hoạt động "đếm ngược" này sẽ giúp cho các thế hệ tiếp theo luôn ghi nhớ và nhắc nhở con cháu về thời khắc Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 tuổi. Xung quanh đài hoa là 62 cánh hoa, tượng trưng cho 62 tỉnh thành còn lại trong cả nước. Trên mỗi cánh hoa sẽ là những tác phẩm điêu khắc, những hình vẽ, thông tin hoặc biểu tượng đặc trưng của tỉnh thành đó.

Theo Ban tổ chức, mọi công việc đang được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo công trình sẽ hoàn thành trước ngày 9/10 năm nay. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc lựa chọn các vật phẩm để đưa vào thiết bị lưu trữ này.

Nhận thức được khó khăn đó, từ ngày 4/2/2010, Ban tổ chức đã phát động cuộc vận động quần chúng nhân dân tham gia đóng góp ý kiến đề xuất các hiện vật để lưu giữ. Sau khi thu thập ý kiến đóng góp, một hội đồng tuyển chọn gồm các nhà hoạt động văn hóa, khoa học hàng đầu của Việt Nam sẽ được thành lập để chọn ra 1.000 vật phẩm phù hợp nhất, đặc trưng tiêu biểu nhất. Mục đích, kế hoạch đã rõ ràng nhưng xem ra các tiêu chí và định hướng của Ban tổ chức trong việc lựa chọn vật phẩm còn khá mơ hồ.

 Toàn cảnh khu lưu trữ vật phẩm gửi tới mai sau.
Tiêu chí vật phẩm chưa cụ thể

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết, trong 1.000 vật phẩm này sẽ có 63 vật phẩm đại diện cho 63 tỉnh, thành phố và 937 hiện vật do nhân dân đề xuất. Những vật phẩm được chọn nếu đại diện cho các tỉnh thành thì phải mang được nét đặc trưng riêng của tỉnh thành đó; Nếu đại diện cho nhân dân thì phải thể hiện được tinh thần của cuộc sống, con người, phản ánh được sự phát triển của xã hội đương đại. "Đó có thể là những vật dụng đơn giản, gần gũi với mỗi chúng ta như đồ dùng hằng ngày được ưa thích, nhãn mác của các mặt hàng nổi tiếng, những tấm ảnh kỷ niệm... hoặc những vật phẩm thể hiện sự phát triển của khoa học công nghệ như đầu thu sóng truyền hình, điện thoại di động...". Tuy nhiên, khi được hỏi Hà Nội nên lựa chọn vật phẩm gì thì ngay cả những người làm quản lý văn hóa cũng ngập ngừng và... chưa có câu trả lời cuối cùng!

Ngẫm đi nghĩ lại, thấy định hướng mà Ban tổ chức đưa ra còn chung chung quá, chưa đề cập đến một thứ gì là đặc trưng, tiêu biểu cả; Chưa có các tiêu chí để lựa chọn như hình thức, chất liệu, độ bền, kích thước, sản xuất trong nước hay của nước ngoài... cũng chưa đưa ra một khung niên đại cụ thể nào cho các vật phẩm. Nó đại diện cho thời đại nào, chỉ thời hiện nay hay cả những đồ cổ từ 1000, 100 năm trước? Lịch sử nước ta trong 1000 năm qua đã trải qua nhiều thời kỳ và ở mỗi thời kỳ lại có những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu khác nhau. Nếu cứ theo những gợi ý và định hướng như trên thì có lẽ thiết bị lưu giữ đó sẽ quá tải bởi nó phải ôm đồm quá nhiều đầu mục. Điều mà chúng ta đòi hỏi là nội dung gửi gắm cho thế hệ mai sau phải thật sự độc đáo, giàu giá trị và ý nghĩa. Vì vậy, cần phải có một tầm nhìn xa trông rộng, một sự lựa chọn kỹ càng và thấu đáo. Nếu làm vội chọn ẩu thì e rằng 1000 năm sau những hiện vật đó sẽ trở thành vô nghĩa, vô giá trị.

Nên chăng, ngoài mục đích giúp cho con cháu hình dung được đời sống của cha ông trong quá khứ, các vật phẩm đó còn cần phải chứa đựng thông điệp hay kỳ vọng nào đó mà cha ông hôm nay nhắn nhủ thế hệ mai sau. Bởi nếu chỉ nhằm mục đích lưu truyền lịch sử thì chẳng phải hàng loạt các bảo tàng lịch sử - văn hóa đã và đang được xây dựng ở khắp mọi nơi trên toàn quốc vẫn đang thực thi đó sao! Hy vọng rằng, với các ý kiến đóng góp tâm huyết của nhân dân và sự sáng suốt thấu đáo của các chuyên gia, chúng ta sẽ chọn được những vật phẩm tiêu biểu nhất, hợp lòng người dân đương đại và xứng đáng với sự mong đợi của thế hệ con cháu 1000 năm sau. Có như vậy, công trình "Gửi tới mai sau" mới nói hết được mọi ý nghĩa về cuộc sống của ngày hôm nay.

Liên Nhi

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]