Chọn ô mai, mứt Tết: Không nên chọn loại có màu sặc sỡ

GiadinhNet - Ô mai, mứt là những món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết. Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng không nên chọn mứt, ô mai có màu sắc sặc sỡ, vì càng lòe loẹt, sặc sỡ thì càng độc hại.

15.6117

Người tiêu dùng nên chọn các loại mứt được sản xuất tại các cơ sở uy tín. Ảnh minh họa.

Ăn đồ kém chất lượng, ảnh hưởng nội tạng

Ô mai là món ăn vặt được nhiều phụ nữ, trẻ em ưa thích, cũng là một hương vị ngày Tết, với đủ các vị mặn, ngọt, chua, cay. Phổ biến là các loại ô mai mơ gừng xào, khế khía, me chua cay, xí muội chanh, mận cơm dẻo, sấu cay, mận cơm, trám ngọt, chanh cốm chua cay…

Loại mứt Tết giảm ngọt, có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng năm nay tiếp tục được ưa chuộng như: Mứt khổ qua, dứa, me, dâu, dừa, cóc, bắp bao tử, xoài, mít… Đặc biệt là mứt kiwi vị chua thanh nhẹ, dẻo, chua ngọt hài hòa và mứt bưởi có vị the nhẹ thật sự hấp dẫn người ăn.

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, mua mứt, ô mai nên tránh các loại mứt, ô mai có màu sắc rực rỡ, vì dễ bị dùng màu công nghiệp, chứa nhiều kim loại nặng. Tuyệt đối không chọn mứt có màu sắc không nguyên gốc (như mứt bí nên chọn màu trắng, còn mứt bí các màu thì không nên mua).

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, ngày Tết không nên chọn các loại ô mai, xí muội nhuộm phẩm màu là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhất là các sản phẩm càng có màu sắc sặc sỡ, lạ mắt vì một số sản phẩm màu sắc lòe loẹt do người sản xuất dùng phụ gia (chất bảo quản, chất tạo ngọt, chất tạo hương, chất tẩy nấm mốc, chất tẩy trắng, sát trùng... để phòng thối rữa, chống chảy nước, mốc) rất độc hại cho người ăn. Chỉ nên mua ô mai tại những cửa hàng, cơ sở sản xuất uy tín, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, thành phần... rõ ràng.

PGS Nguyễn Duy Thịnh cũng cảnh báo, nếu ăn phải ô mai kém chất lượng sẽ có thể bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới cơ quan nội tạng (gan, mật, thận).

Cách chọn mứt

Mứt gừng cay và thơm. Chọn mua loại mứt có lát gừng đẹp, không thẳng đều mà hơi cong, có màu hơi vàng (nếu trắng là gừng đã “tẩy”).

Mứt sen trần nên chọn loại mứt sen không vỡ hạt, không dính vào nhau, thơm hoa bưởi, màu trong và trắng ngà ngà.

Các loại mứt hoa quả khô, nên ngửi, sờ, nếm để phát hiện có ẩm mốc, chảy nước, mùi chua hay không. Khi mua về cần bảo quản ở nhiệt độ bình thường nên để trên bàn hay kệ tủ thoáng mát, tránh ánh nắng, không để gần bếp hoặc nơi có nguồn nhiệt, không để dưới đất, tránh bị ẩm ướt, tránh côn trùng xâm nhập.

Nếu có thời gian bạn nên tự làm mứt, bởi vừa đảm bảo sạch sẽ, vừa hợp khẩu vị với những người trong gia đình.

Vài món mứt ngon dễ làm

Mứt đu đủ

Nguyên liệu:

Đu đủ, đường, nước vôi trong, phèn chua, vani.

Cách làm:

Đu đủ chọn quả ương, gọt bỏ vỏ, bỏ hạt, thái miếng.

Hòa 50g vôi với nước, để lắng cặn, gạn nước trong rồi ngâm đu đủ vào khoảng 3 giờ. Vớt ra xả sạch. Cho 1 thìa cà phê phèn chua vào nồi nước đun sôi rồi đổ đu đủ vào chần 1 phút. Vớt ra xả lần nữa, rồi để ráo nước.

Ướp 1kg đu đủ/500g đường khoảng 5 giờ (tới khi đường tan, hoặc làm luôn), thì cho lên bếp sên lửa nhỏ, thi thoảng đảo lên. Đường bắt đầu cạn thì đảo liên tục, tới khi đường bám trắng vào miếng đu đủ thì bắc xuống, nhỏ vào vài giọt vani và đảo đều một lúc để đường khô hơn.

Mứt dừa xanh

Nguyên liệu:

Cùi dừa 200g, đường 100g, lá dứa (lá nếp, lá thơm) 50g.

Cách làm:

Cùi dừa trắng bào sợi nhỏ, cho vào chậu nước bóp rửa nhẹ 2-3 nước. Lá dứa rửa sạch, cắt nhỏ, xay nhuyễn với 300 ml nước rồi lọc bỏ bã. Cho dừa vào ngâm trong nước cốt lá dứa 4-5 giờ, đảo đều cho màu lá dứa ngấm vào dừa. Gạn nước, cho đường vào xóc đều, đường tan thì sên nhỏ lửa. Thêm chút nước đun nhỏ lửa tiếp tới khi đường bắt đầu khô, hơi keo lại thì dùng đũa đảo liên tục. Khi đường bám hết vào dừa, những sợi dừa khô ráo thì bắc xuống, chờ nguội hẳn thì cất vào lọ thủy tinh để ăn dần.

Không nên ăn mứt nhiều

- Những người tiểu đường, béo phì không nên ăn mứt quá nhiều bởi các loại mứt chứa nhiều đường. Với những loại mứt hoa quả, tuy giàu khoáng chất nhưng trong quá trình làm khô, rửa sạch, xào… đã bị phân hủy dễ sinh nấm mốc.

- Một số loại rau củ quả thanh nhiệt, làm mát nhưng chế biến thành mứt sẽ có tác dụng ngược, gây nội nhiệt hoặc phát sinh mụn nhọt do chất ngọt cao.

- Người bình thường ăn nhiều mứt dễ sình bụng, mất cảm giác đói.

- Đối với người già, trẻ em, phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều mứt vì trong mứt thường có nhiều đường.

(Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh)

Trà Giang

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]