“Chồng em là kỹ sư tâm hồn”

Dân trí Em vẫn tự hào trả lời như thế mỗi khi có người hỏi em về nghề nghiệp của anh.

15.6014
 


Lúc ngỏ lời cưới em, anh e ngại và hình dung về một cuộc sống khó khăn, chật vật. Thời ấy, lương giáo viên ba cọc ba đồng, anh đạp chiếc xe cọc cạch ngày hai buổi đến lớp để giảng bài cho đám học trò nghèo trên thị xã. Mỗi khi con ốm, em nghỉ làm, lại thấy anh lo toan, day dứt trăn trở việc chuyển nghề họa may nhà mình mới trụ nổi.

 

Thật may, ông trời còn thương, bao khốn khó cũng qua khi mình cố gắng chắt chiu dành dụm. Hạnh phúc nhất là anh vẫn không phải từ bỏ đam mê của đời mình.

 

Mỗi khi Tết đến, anh bạn qua khoe tiền thưởng Tết gấp mấy lần lương vợ chồng mình cộng lại. Anh thì khệ nệ bưng túi quà thưởng Tết của nhà trường gửi về, nào là dầu ăn, mì chính, đường… Hai vợ chồng nhìn nhau cười, chẳng cần nói cũng đủ hiểu, thôi thì Tết này nhà mình khỏi sắm đồ gia vị.

 

Mỗi sáng, em soạn sửa áo quần tinh tươm để anh đến lớp, thể nào lúc về nhà, áo quần anh cũng lấm lem bụi phấn. Anh bị xoang, trở trời lại ho hen và khản giọng. Anh bảo, nghề nghiệp lấy đi của anh sức khỏe nhưng cũng cho anh nhiều thứ quý giá vô cùng.

 

Bao lứa học trò đến và đi, cứ đến ngày lễ tri ân Nhà giáo, học trò lại tới thăm anh nườm nượp. Đám học trò nhỏ bi bô, vô tư với bao chuyện trường lớp. Những học trò cũ, có người thành đạt, có người vô danh, thầy trò lại suy tư, thầm thì bao chuyện trưởng thành.

 

Anh đã thắp sáng ước mơ và dìu dắt cho đám học trò nhỏ. Nhìn những ánh mắt biết ơn sâu lắng của họ dành cho anh, em biết anh đã làm được nhiều lắm cho cuộc đời của họ.

 

Lấy chồng giáo viên, em chẳng mơ ước giàu có. Thế mà, em lại giàu nhiều thứ khác. Ví như, chưa bao giờ đứng trên bục giảng mà em vẫn được gọi là cô. Bỗng nhiên, em cũng có học trò, khi mỗi lần ra đường, gặp học sinh của anh, chúng vòng tay chào em lễ phép.

 

Anh mang cả nhiệt huyết và tình yêu quê hương, tình yêu chúng mình vào bài giảng. Để có dịp  đám học trò ghé nhà chơi, chúng lại cười tủm tỉm với em, “em biết chuyện ngày xưa thầy cô yêu nhau rồi đấy”. Anh gần gũi thế, chả trách học trò quấn quít lấy anh.

 

Những đêm anh soạn bài, cái kính trễ  xuống, mồ hôi nhễ nhại. Anh chụp bóng đèn nhỏ lại để mẹ con em đỡ khó ngủ vì điện sáng. Em nhớ, nhiều tiếng thở dài khi anh chấm bài của một cậu học sinh nào đó vẫn còn sai chính tả và không thuộc bài. Hay đôi khi, em được nghe anh đọc một bài văn hay của học trò, để được vui lây niềm vui của anh.

 

Có bận, em thấy anh bần thần về nhà, hỏi ra mới biết, lúc nãy đi đường, có cô học trò cũ nào đó chào nhưng anh chẳng nhớ tên nên thấy day dứt, cố nhớ nhưng không thể nhớ nổi. Em bật cười, cả ngàn học sinh như thế, anh không nhớ tên cũng chẳng sao, nhớ những học trò đặc biệt đã là quá giỏi. Thế mà anh vẫn cảm thấy có lỗi với cô học trò nọ.

 

Có lần chủ nhiệm, tiền quỹ bị mất, thấy cô bé thủ quỹ khóc sướt mướt, anh chẳng ngại trích tiền lương để bù cho lớp. Dẫu tháng đó, nhà mình lại chật vật đôi chút. Anh buồn bã cứ hi vọng là tiền bị rơi mất chứ không muốn tin học trò mình ăn cắp.

 

Bao năm dạy học, nhiều bận anh mất ngủ vì những cậu học sinh ngỗ ngược. Anh mềm mỏng, uốn nắn, dạy dỗ chúng như tỉ mẩn uốn những cây non. Mỗi lần nghe tin học sinh cũ của mình thành đạt, hay đơn giản là có đứa kết hôn, anh đều vui mừng. Em từng đùa, có lẽ anh là thầy giáo đặc biệt nhất, vì thấy học sinh nào chủ nhiệm cũng mời thầy dự đám cưới.

 

Anh khiến con gái mình tự hào và con đã nuôi dưỡng ước mơ lớn lên thành cô giáo. Em biết, sự chọn lựa nghề nghiệp này không mang lại cho anh nhiều tiền bạc và danh vọng nhưng nó mang lại nhiều thứ có ý nghĩa hơn thế rất nhiều. Cũng như sự chọn lựa của em có anh trong cuộc đời này vậy.

 

Tưởng tượng cái tuổi già của mình nhiều năm sau nữa, khi thi thoảng có đám học trò nào đó của anh ghé thăm. Chúng nhắc lại cho anh những chuyện ngày xưa, nghe anh nhấp ngụm trà, khề khà bao chuyện buồn vui năm cũ. Thật ý nghĩa và đáng để chờ đợi biết bao!

 

Diệu Ái

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]