Chóng mặt - Dùng thuốc gì?

Chóng mặt là triệu chứng của nhiều bệnh. Mức độ chóng mặt có thể nhẹ hoặc nặng buộc phải dùng đến thuốc. Vậy những thuốc nào được dùng để xử trí trong những trường hợp này.

15.6056

Nếu chóng mặt ở mức độ nặng, bạn thấy mọi thứ như quay cuồng và không thể ngồi dậy được, có thể buồn nôn hoặc nôn... Trong lúc này, chiến lược điều trị là cắt cơn, sau đó điều trị triệu chứng đi kèm và cuối cùng phải tìm ra nguyên nhân để điều trị.

Chóng mặt là triệu chứng của nhiều bệnh

Các thuốc có thể dùng

Các thuốc điều trị cắt cơn chóng mặt là những thuốc có tác dụng xóa bỏ nhanh cơn chóng mặt bất kể do nguyên nhân gì. Các thuốc này gồm có: dẫn xuất của leucin, thuốc kháng histamin và thuốc kháng cholinergic.

Dẫn xuất của leucin là một trong các thuốc làm cắt cơn chóng mặt mạnh nhất hiện nay. Thuốc có tên là acetyl-D, L-leucin. Loại thuốc này được biết đến với nhiều tên thông dụng như tanganil, acetylleucin, stadluecin, alucine...

Cơ chế tác dụng của thuốc là làm tái cực hóa màng, thậm chí là làm tăng phân cực màng của tế bào lông chuyển trong tiền đình và các tế bào thần kinh của cơ quan tiền đình. Do đó, tiền đình sẽ không bị kích thích bởi tác nhân bên ngoài. Tiền đình ổn định sẽ khống chế được cơn chóng mặt. Thuốc được dùng dưới cả dạng viên và dạng tiêm. Khi chóng mặt mức độ nhẹ và vừa thì dùng dạng viên. Khi chóng mặt mức độ nặng, có thể dùng dạng viên (nếu còn uống được) hoặc có thể dùng dạng tiêm (nếu quá nặng, hoặc bị nôn không uống được).

Thuốc kháng histamin là những thuốc làm ức chế sự tác động của histamin vào các điểm đặc hiệu tương ứng. Có rất nhiều loại thuốc kháng histamin khác nhau. Trong trường hợp này, bạn cần sử dụng loại thuốc kháng histamin thế hệ thứ nhất, tác động lên thần kinh trung ương. Không sử dụng các thuốc kháng histamin tác động lên các thụ cảm thể dạ dày và thụ cảm thể ngoài da.

Khi tác động lên thần kinh trung ương, thuốc làm phong bế hoạt động của histamin lên các tận cùng thần kinh cảm giác, các vùng mạch máu và não bộ. Do đó làm ổn định tiền đình và các mạch máu cung cấp cho tiền đình. Khi dùng thuốc này có tác dụng cắt cơn chóng mặt. Có thể lấy ví dụ một số thuốc như cyclizine, meclizine, dimenhydrinate với một số tên thông dụng như phataumin, nautamin, vomina.

Ngoài tác dụng cắt cơn, thuốc còn có tác dụng chống nôn. Những thuốc này thường được sử dụng để chống chóng mặt do say tàu xe, say sóng, bệnh chóng mặt có bản chất co thắt mạch máu hoặc các cơn chóng mặt có nôn. Các thuốc này được bào chế dưới dạng viên, viên nang, dung dịch uống và dung dịch tiêm. Nếu quá nặng bạn có thể dùng dạng tiêm để khống chế bệnh.

Thuốc kháng cholinergic là thuốc có tác dụng đối kháng với hệ thần kinh phó giao cảm. Hệ thần kinh phó giao cảm có tác dụng làm tăng co bóp cơ trơn, tăng tiết đờm dãi và tăng kích thích tiền đình (ít). Do đó, dùng thuốc kháng cholinergic có tác dụng làm giảm co thắt cơ trơn, làm giảm nôn, giảm tiết đờm dãi và giảm chóng mặt tiền đình. Tùy vào từng loại thuốc mà có tác dụng nào chiếm ưu thế. Thuốc thường được sử dụng để khống chế chóng mặt là scopolamine (ozimetal, kimite). Ứng dụng thuốc này dùng để điều trị bệnh say sóng, say tàu xe, say máy bay và các cơn chóng mặt có nôn nhiều.

Trên thực tế, một số thuốc vẫn được gán ghép cho cái tên “thuốc cắt cơn chóng mặt”, “thuốc tiền đình” song chúng thực sự không có tác dụng cắt cơn chóng mặt. Ví dụ như vitamin nhóm B, thuốc tăng cường tuần hoàn não, thuốc bổ máu, thuốc bổ sung sắt, thuốc bổ não. Những thuốc này chỉ có tác dụng “ngoại vi” mà không tác dụng trực tiếp vào cơ quan gây ra chóng mặt là “tiền đình”, dẫn tới sai lạc trong chiến thuật điều trị.

Lưu ý trong điều trị

Vì các thuốc trên chỉ có tác dụng cắt cơn chóng mặt (chữa triệu chứng) mà không có tác dụng kéo dài, cũng không có tác dụng cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Do đó, để đạt được mục tiêu điều trị hiệu quả, bạn cần phối hợp thuốc cắt cơn với thuốc điều trị triệu chứng đi kèm như chống nôn, chống lo âu. Để có tác dụng điều trị kéo dài cần xác định căn nguyên của bệnh là gì để từ có đó thuốc điều trị nguyên nhân thích hợp. Thuốc điều trị nguyên nhân sẽ có tác dụng chống tái phát.

Thuốc cắt cơn chỉ có tác dụng trong vòng từ 12-16 giờ. Cho nên, để đảm bảo hiệu năng điều trị, bạn cần dùng thuốc làm hai lần trong ngày.

Cần chú ý là thuốc cắt cơn phải dùng liều mạnh trong ngày đầu tiên. Sau đó giảm xuống liều thấp hơn vào những ngày sau. Nếu chỉ dùng liều thấp ở ngày đầu tiên thì kết quả điều trị sẽ không đạt. Cơn chóng mặt sẽ không hết. Nhưng bạn cũng không thể kéo dài liều tấn công quá lâu vì nếu kéo dài, bạn sẽ mắc nhiều tác dụng phụ chán ăn, khô miệng, giảm tiết dịch tiêu hóa, mệt mỏi, buồn ngủ, ù tai...

Cơn chóng mặt chỉ là cơn kịch phát nếu không phải là nguyên nhân cố định bên trong. Trong các trường hợp này, chúng ta cần dừng thuốc sau khi đã điều trị thành công. Không cần dùng thuốc điều trị kéo dài hàng tháng.

AloBacsi.vn
Theo BS. Đào Hồng Đăng - Sức khỏe và Đời sống
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]