Chủ động ngăn ngừa tranh chấp

Tư vấn pháp luật, trang bị kỹ năng thương thảo cho cán bộ Công đoàn cơ sở là biện pháp để Công đoàn cấp trên bình ổn quan hệ lao động tại doanh nghiệp

0

Kỹ năng thương lượng tốt của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở giúp công nhân Công ty Kim Đô được hưởng chế độ chăm sóc cao hơn luật định
Đầu tháng 7-2012, trụ sở LĐLĐ quận Bình Tân - TPHCM hết sức nhộn nhịp khi tiếp hàng trăm lượt công nhân (CN) Công ty TNHH K.S (100% vốn nước ngoài) liên tục đến cảm ơn. Trước đó 2 tháng, khi doanh nghiệp (DN) cắt giảm lao động, xen lẫn nỗi lo tìm việc mới là tâm trạng hoang mang về quyền lợi của hàng trăm CN. Từ hỗ trợ của LĐLĐ quận Bình Tân, không chỉ được giải quyết chế độ chính sách, CN mất việc còn được DN hỗ trợ thêm chi phí tìm việc làm mới.

Giám sát chặt chẽ

“DN giải thể nhưng ậm ừ trong việc công bố thông tin giải quyết chế độ chính sách, điều ấy khiến hàng trăm CN mất việc bất bình. Thêm vào đó, tin đồn DN “xù” quyền lợi liên tục xuất hiện khiến tâm lý CN thêm bất an. Trong tình thế ấy, anh em CN buộc lòng nhờ LĐLĐ quận tư vấn, can thiệp bảo vệ quyền lợi”- nữ CN Nguyễn Thị Hoàng Oanh cho biết.

Nắm thông tin phản ánh từ tập thể CN cũng là lúc LĐLĐ quận chủ động liên hệ làm việc với Công đoàn (CĐ) cơ sở và ban giám đốc bàn biện pháp ổn định tình hình. Bà Trần Thị Thiếu Liên, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, nhớ lại: “Thời điểm ấy, DN có cái khó khi cùng lúc vừa tìm kiếm nguồn hàng để duy trì hoạt động vừa phải tìm nguồn kinh phí giải quyết quyền lợi cho hàng trăm CN mất việc. Từ thực tế ấy, ngoài việc động viên anh em CN, chúng tôi ưu tiên hỗ trợ DN lên phương án giải quyết chế độ chính sách, có như vậy, tình hình DN mới sớm ổn định”.

Sự nhạy bén, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách LĐLĐ quận được ban giám đốc DN đánh giá khá cao. Thực tế, khi DN công bố công khai lịch trình giải quyết quyền lợi, nhất là chế độ hỗ trợ thêm, mọi bức xúc của tập thể CN được giải tỏa.

Tiếp sức cho cơ sở

Để kéo giảm tranh chấp, nhiều CĐ cấp trên cơ sở còn tập trung trang bị kỹ năng thương thảo cho cán bộ CĐ. “Khi dồn sức hoạt động tập huấn kỹ năng cho cán bộ CĐ cơ sở, mục đích chính của chúng tôi là giúp cán bộ CĐ bổ sung kiến thức mới và có thêm kinh nghiệm thương thảo, hòa giải tranh chấp” - ông Giang Văn Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp - TPHCM, cho biết.

Thành công trong việc tổ chức hội nghị người lao động tại Công ty May Hà Giang mới đây là kết quả của chủ trương ấy. Nhờ được tập huấn thường xuyên về chính sách, lao động, nhất là kỹ năng thương thảo, đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở có thêm kinh nghiệm khi thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Bà Nguyễn Thị Mai Hương, chủ tịch CĐ công ty, cho biết kiến thức từ các lớp tập huấn được cán bộ CĐ vận dụng hết sức mềm dẻo, linh hoạt. nhờ vậy, chất lượng các buổi đối thoại,thương thảo, ký kết thỏa ước lao động tập thể được cải thiện rõ rệt. Quan trọng hơn là CN được thụ hưởng chính sách chăm lo căn cơ hơn từ phía DN. Công ty May Hà Giang là một trong những DN có quan hệ lao động ổn định nhất tại quận Gò Vấp, khi  269 CN được ký hợp đồng lao động, trích nộp BHXH, BHYT, chưa kể được các quyền lợi khác cao hơn luật.

Còn tại Công ty TNHH Match Knit Vina (100% vốn Hàn Quốc; huyện Bình Chánh - TPHCM), thỏa ước lao động tập thể vừa được ký kết, ngoài quy định việc nâng tiền thâm niên từ 3% đến 5%/năm, ban giám đốc còn cam kết duy trì các khoản phụ cấp nhà trọ, tiền cơm ngày chủ nhật… nhằm chia sẻ khó khăn với CN. “Với kiến thức, kỹ năng được trang bị, đội ngũ cán bộ CĐ rất tự tin khi hỗ trợ DN hoàn thiện chính sách tiền lương, đãi ngộ”- ông Nguyễn Huy Cường, chủ tịch CĐ công ty, nhìn nhận. Tại Công ty Kim Đô, cũng nhờ kỹ năng vận động khéo léo của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở, không chỉ an tâm với cơ chế tiền lương tiến bộ, CN còn được hưởng phúc lợi cao hơn luật định.

Ông Nguyễn Văn Khải,Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM:

Tìm tiếng nói chung

Tranh chấp xảy ra có nhiều nguyên nhân, trong đó có lỗi từ phía DN khi thiếu minh bạch trong chính sách tiền lương; giải quyết chế độ chính sách không rõ ràng; bản thân người lao động chưa được cung cấp thông tin về tình hình DN nên dễ bức xúc. Hoạt động tư vấn pháp luật, trang bị kỹ năng thương thảo không nằm ngoài mục tiêu giúp cán bộ CĐ cơ sở tự tin hơn khi đối thoại, tìm tiếng nói chung với ban giám đốc khi giải quyết bức xúc của người lao động.

Bài và ảnh: Khánh Chi
Bình luận
Đăng nhập để ý kiến của bạn xuất bản nhanh hơn
 
 
Hoặc nhập thông tin của bạn

Mới nhất Hay nhất
Media
  • Lịch phát sóng
Văn nghệ
Giáo dục
Sức khỏe
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]