Chủ quan với nắng dễ bị ung thư da

Nhiều người bị lở loét vùng mặt, thậm chí bị u ăn gần hết mũi, làm thủng má... mới biết mình bị ung thư da, hậu quả của việc phơi mình nhiều dưới nắng.

15.5039
>
>

Cần chú ý bảo vệ da, đặc biệt là khi ra đường vào khoảng thời gian từ 12h trưa đến 3h chiều. (Ảnh minh họa)

Việc tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời dẫnđến nguy cơ mắc ung thư da, nhất là vùng đầu cổ. Biến chứng để lại có thể là tắc nghẽn đường thở, mù mắt, tử vong… Nhưng đây là những hậu quả mà bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Bác sĩ Trần Văn Thiệp, Phó bộ môn Ung bướu, Đại học Y dược TP HCM, cho biết, khoảng thời gian 12-14h trời nắng gắt, có quá nhiều tia cực tím, dễ làm da tổn thương và thay đổi tính chất.
 
Trong khi đó, nam giới hay chủ quan không chịu bảo vệ da nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Bệnh nhân nhập viện do ung thư da thường là những người lao động chân tay như nông dân, ngư dân hay người làm công việc thường xuyên chạy ngoài đường ở các thành phố lớn.
 
Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ

Cách đây hai năm, vùng má bên phải ông Phan Châu Th. 56 tuổi, ngụ ở Long Xuyên, An Giang, xuất hiện một vết lở không lành. Sau khiông tự dùng thuốc nam đắp vào vết thương, vết lở ngày càng rộng hơn, đau nhức. Bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư da vùng má, khối u ăn sâu vào trong, gần thủng má bên phải. Theo lời kể của bệnh nhân, vì làm việc vác lúa thuê ngoài đồng, ông chỉ mặc quần áo thoáng mát chứ không biết tác hại của nắng gắt. 

Mỗi năm, chỉ có 30% nam giới trong số 150 bệnh nhân ung thư da vùng đầu mặt cổ nhập viện tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Thị Anh Tường thuộc cơ sở này, thực tế số nam giới mắc bệnh chưa thể tầm soát được, vì có những người không đến bệnh viện khi có triệu chứng.
 
Ung thư da thường xảy ra ở lứa tuổi 50 - 60, nhưng dấu hiệu của khối u có thể xuất hiện trước đó khoảng 20 năm. Ung thư da xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng đầu cổ, chiếm 70%, và 72% bệnh nhân thuộc nhóm này từng tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời.

Tự chữa dễ gây biến chứng

Theo bác sĩ Thiệp, có rất nhiều nguyên nhân gây ra ung thư da như vết loét trên sẹo bỏng nặng, sẹo xấu không lành, nốt ruồi, đồi mồi… lâu ngày thay đổi tính chất.

Biến chứng của ung thư da là bệnh sẽ tàn phá tại chỗ và làm mất chức năng vị trí mà nó xâm nhập. Chẳng hạn như ở vùng đầu cổ, khối u thường xâm lấn vào hốc mũi, miệng, mắt…, gây cản trở cho  đường thở, gây mù lòa, tử vong. Cũng có những bệnh nhân bị khối u "ăn" mất mũi, hay ăn thủng vào niêm mạc bên trong của vùng má.

Bác sĩ Thiệp khuyến cáo, diện tích vết lở loét của khối u thường rất nhỏ, lại không đau nên nhiều người thường nghĩ do da độc và tự điều trị bằng cách đắp thuốc bắc, thuốc nam, thuốc dán. Lâu ngày, bệnh diễn tiến nặng và rất khó điều trị hiệu quả. Như trường hợp bệnh nhân M., 62 tuổi, ngụ ở Đồng Tháp, bị mất gần hết mũi do tự đắp thuốc bắc một thời gian dài. Việc làm này đã thúc đẩy khối u xâm lấn nhanh, di căn xa hơn. 

Theo bác sĩ Thiệp, nếu điều trị sớm, 90% - 95% bệnh nhân sống trên 5 năm, thậm chí có nhiều ca phẫu thuật sớm đem lại kết quả rất tốt và bảo đảm tính thẩm mỹ cho khuôn mặt người bệnh.

Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, nguyên giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, khuyến cáo, ung thư da  thường không có triệu chứng, ngoài vết lở loét hoặc nốt ruồi thay đổi tính chất. Do đó, cần khám bệnh sớm nếu thấy các vết lở nhỏ, không đau, có bờ không đều, mặt lồi lên hoặc lõm xuống, một vết lở loét xuất hiện trên sẹo cũ đã lành, vùng da thay đổi sắc tố…  Nếu để lâu, khối u sẽ di căn hạch xa và lan rộng. Khi lao động ngoài trời, nên mặc áo quần che nắng, tránh để phần da trần tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
 
Theo Báo Đất Việt
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]