Chữa bách bệnh bằng… hoa hồng và rượu trắng?

Dân trí Vài tháng nay, tin đồn “cô Chín” ăn lộc nhà trời, có khả năng chữa bách bệnh bằng cánh hoa hồng và rượu trắng lan truyền rất nhanh quanh khu vực quận Long Biên (Hà Nội). Hàng ngày, “tín đồ” tứ xứ lũ lượt kéo về chầu chực, mong được “cô” cứu mạng.

31.2013

Con đường hoá “thánh” của cô hàng tạp hoá

 

Con đường chị Phương Loan ở tổ 12 phường Long Biên, quận Long Biên, trở thành “cô Chín” diễn ra khá đơn giản. Theo thông tin của chính quyền địa phương và người dân hàng xóm, cách đây vài tháng, chị Loan bị lên những cơn đau đầu dai dẳng. Sau trận ốm đó, chị Loan luôn mồm ăn nói lảm nhảm giống như triệu chứng của người mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên chẳng hiểu xuất phát từ đâu, tin chị Phương Loan được “ăn lộc” của “ông Bảy” bắt đầu lan truyền từ làng ra tới phố.

 

Kể từ ngày khoẻ lại, chị Phương Loan vốn chỉ có nghề buôn bán tạp hoá tại nhà đã trở thanh “cô Chín”. Chẳng hiểu thần linh “phù phép” linh thiêng thế nào, chỉ thấy gia đình chị không ngớt đi loan báo với hàng xóm về việc chị đã “hoá thánh”, có khả năng chữa bách bệnh. 

 

Tin đồn “cô Chín được phái xuống cứu độ trần gian” với khả năng gọi “âm binh” lên chữa trị cho những người bị “âm hành”, hỏi chuyện “thổ địa”, chữa bách bệnh từ ung thư, xương khớp, tiêu hoá cho tới bệnh phụ khoa… khiến người bệnh gần xa tìm đến đông như trẩy hội. Từ khi có “lộc” về, chồng “cô Chín” trước vốn chỉ làm nghề phụ hồ giờ cũng được đổi đời, chỉ ở nhà lo tiếp khách và trông xe giúp vợ. 

 

Lo ngại “chữa bệnh” nhiều sẽ tổn hại tới “tinh lực”, “cô Chín” đã chuyển sang làm theo giờ hành chính, sáng từ 8 - 11h, chiều 14 -18h, mặc hàng trăm người bệnh từ già đến trẻ nhỏ chầu trực trước sân khẩn cầu cô cho tới lượt.

 

Để giúp khách đỡ phải ngồi vạ vật dưới đất, “cô Chín” còn cho bắc rạp, sắm mấy bộ bàn ghế nhựa để người bệnh ngồi chờ “cô” ra tay.

 

Chẳng hiểu “cô Chín” đã chữa được lành bệnh cho ai chưa, nhưng cứ hễ có khách tới hỏi là chồng và “cô Chín” lại ra sức quảng bá đã chữa trị cho “người liệt biết đi”, “người không ăn được thành ăn được nhiều”, “người đau gan suy giảm”, “vô sinh có con ngay”…

 

Tiếng đồn bay xa, giờ không chỉ có người dân quanh vùng mà bệnh nhân từ các tỉnh xa như Hà Tây, Thanh Hóa, Hải Dương… cũng đổ về chầu tại “điện cô Chín”, mang theo hàng trăm thứ bệnh, từ hen, phổi, gan, xương, tinh thần suy giảm,… đến người tàn tật, người ung thư giai đoạn cuối…

 

Không chỉ chăm lo chữa bệnh, “cô Chín” còn tranh thủ lúc nghỉ giữa các lượt khám bệnh để kể tâm tư của mình: “Tôi được ăn lộc ông “Hoàng Bảy” xuống trần gian cứu rỗi vì dạo này có nhiều người chết oan vì bệnh tật quá, chứ chẳng phải vì ham lợi…”. Thậm chí, “cô Chín” còn nung nấu ý định lập một bảng hiệu thật to, đề “Cô Chín cứu người”, treo đầu ngõ.

 

Chu trình chữa bệnh của “cô Chín” kéo dài nhiều ngày nên những người bệnh đã theo cô đều phải kiên trì qua lại. Mỗi lần tới mọi người đều phải đặt lộc từ 10 - 50.000đ, kèm hoa quả. Một đợt chữa bệnh thường kéo dài 7 - 10 ngày. Chưa cần biết có khỏi hay không, nhưng đem nhân số tiền và số lượt phải tới “hầu cô”, những người bệnh cũng tốn một khoản tiền không nhỏ.

 

“Thần dược” được “cô Chín” sử dụng rất đơn giản. Ban đầu là cánh hoa hồng, đau ở đâu cô sẽ dùng tay day vào đó vài phút rồi cho bệnh nhân ăn cánh hoa. Bệnh nặng hơn sẽ được uống “rượu thánh” hoặc… hút thuốc lá “lộc”. Theo cách này, “cô Chín” khẳng định bệnh “âm” hay bệnh trần, nặng đến đâu cũng khỏi.

 

Mục sở thị “Cô Chín” chữa bệnh

 

Dưới đây là một đoạn đối thoại ghi lại cách bắt bệnh quái chiêu, mang màu sắc mê tín dị đoan của "cô Chín":

 

 

Theo lời chỉ dẫn của người địa phương, chúng tôi đến “điện cô Chín” và được chồng cô liên tục quảng cáo: “Yên tâm, anh tìm đúng chỗ rồi đấy, cứ vào đây bệnh gì cũng chữa được…”.

 

Đợi từ sáng, mãi đến chiều mới được “nhập điện” vì khách tứ xứ đến đợi quá đông. Đúng 2 giờ, cô “khai môn” điện thờ, tôi may mắn lọt được vào trong, chen vào ngồi cạnh cô. “Cô Chín” trạc 40 tuổi, mặc áo bó sát người, quần jeans, trông khá thời trang. Khi “lên điện”, cô đội lên đầu chiếc khăn len xù màu xanh lá mạ, loại khăn được bày bán nhan nhản ở khu phố cổ. 

 

“Điện thờ” là một căn phòng chừng 15m2, có một bàn thờ cao, trên có 8 bát hương to, bên trái là một bàn đặt lễ, bên phải là một lọ hoa cắm vài chục bông hoa hồng héo quắt. “Cô Chín” thắp hương, nhắm mắt lẩm bẩm, nói một câu như nói với người âm: “Xin phép cha, mẹ, con tới giờ làm việc”.

 

“Cô Chín” lờ đờ một lát, ngồi xếp chân chữ ngũ, 2 bàn tay để chồng lên nhau rồi bất ngờ chỉ mặt một “tín đồ” phán: “Nhà ngươi không về, còn ở đây làm gì?”. “Tín đồ” này là nữ, trạc 50 tuổi, khổ sở giải thích: “Dạ thưa cha thưa mẹ, thưa cô, cái lưng con vẫn đau ạ”. “Thế giờ ngồi đây có còn đau nữa không?”. “Dạ hơi hơi”.

 

“Hơi hơi! Đưa đây xem nào (vén áo lên xem - PV). Đau đâu mà đau, cứ vờ vờ vịt vịt”. Nói đoạn cô đốt 3 que hương, huơ huơ trước mặt “tín đồ” nọ rồi đứng lên, lẫm chẫm bước đến lọ hoa, huơ huơ 3 que hương mấy vòng rồi ngắt một cánh hoa hồng.

 

Cô giải thích cánh hoa này là lộc của “ông Hoàng Bảy”. Cô cho cánh hoa vào cốc nước trắng rồi dí ngay vào đầu, cổ, vai, lưng “tín đồ” trước khi nhét vào miệng, bảo “tín đồ” nhai lấy nhai để. Đoạn, cô lại phán: “Cái lưng này là đau mượn thôi nhé, không có vấn đề gì đâu”.

 

Cẩn thận hơn, trước khi phán về hương hoả, đất đai… cô thường “thòng” trước một câu: “Cô mà nói là chỉ có đúng. Nhưng cô vẫn phải nói trước là nếu cô nói sai cái gì các con phải bật lại để cô bảo cha mẹ nhìn lại”. Cứ như vậy, “tín đồ” nào cũng được cô cho ăn hoa hồng, bóp chân, tay, lưng, cổ,… bằng rượu trắng và dặn “không sao đâu, có gì quay lại cô chữa ít hôm là khỏi”.

 

Đầy tiếc rẻ, cô kêu ca: “Tốn rượu lắm, mỗi ngày cô phải hết mấy chai đấy. Mà rượu này là rượu lộc, chứ không phải rượu vớ rượu vẩn mà các con hay uống đâu”.

 

Cách chữa bệnh quái chiêu nhất của “cô Chín” mà chúng tôi được chứng kiến là cho một phụ nữ bị bệnh hen, cứ trở gió là trở bệnh. Sau khi “hỏi cha mẹ”, “cô” phán không phải bệnh hen mà là “co thắt cuống tim”. “Cô Chín” cho bệnh nhân uống một hớp “rượu lộc”, bắt hút một điếu thuốc lá Ngựa trắng, báo hại bà bệnh nhân cả tin vừa hút vừa nhăn nhúm mặt mày đến khổ sở.

 

Khốn khổ không kém là một “tín đồ” bị ung thư tử cung giai đoạn cuối, đã được bệnh viện K trả về, nhưng lại được cô phán là “bị bệnh đường ruột”, chữa ít hôm sẽ khỏi. Chẳng biết cô chữa được hay không nhưng trong ánh mắt tuyệt vọng của người bệnh thấy ánh lên một niềm hy vọng mãnh liệt vào sự sống.

 

Suốt buổi chiều, cô phán liên mồm, đồng thời không ngớt đối thoại với “Cha”, “Mẹ” và “thổ địa” khiến các “tín đồ” há hốc mồm vì lo sợ và cảm phục. Chúng tôi ngồi đợi mấy tiếng đồng hồ liền mà chưa đến lượt, đành đứng dậy ra về. Ra đến cửa vẫn nghe văng vẳng tiếng “cô Chín” tru tréo vì bị một vong trẻ chết oan nhập vào.

 

Sau đây là một số đoạn đối thoại “độc đáo” giữa “cô Chín” và các bệnh nhân mà PV Dân trí ghi lại được:

 

- Con đau đầu tư tưởng chứ không phải đau đầu bệnh. Cho lộc nhà ngươi thôi, cứ không bệnh tật. Đất nhà con rất vuông vắn, đúng không? - Dạ không vuông. - Ừ, đấy ta hỏi thế thôi, để hỏi lại thổ địa xem cho kỹ.

 

- Nhà ngươi bệnh gì? - Dạ con bị đau đầu. - Đau đầu? Có bị giật giật lên không? - Có. - Nhà ngươi sắp bị chập cheng. Con bị từng cơn, chứ không bị liên khúc đúng không? Cô day thế này con có sướng không? Thôi không có vấn đề gì đâu.

 

- Dạ con bị hen, khi trở trời lại khó thở. - Cha mẹ nhìn xem phải hen không? - Dạ đúng con hen mà, cứ thời tiết thay đổi là khò khè. - Cô không hỏi ngươi, cô đang hỏi cha mẹ. Nhà người không bị hen, mà bị co thắt cuống tim. Khi nào cuống tim bị thắt là ngươi khó thở, chứ nếu bị hen con không bao giờ chịu được góc độ trên mặt con (?). Ngày trước cũng có một người bị co thắt toàn bộ tim, ta chữa 4 ngày là khỏi ngay.

 

- Thổ địa, xem bát nhang nhà này được chưa? (Quay sang “tín đồ”) Ngươi có thấy từ khi bốc bát nhang này, gia đình ngươi làm ăn cứ chật vật đi không? - Dạ chật vật lắm. - Bát nhang này hoàn toàn không được, bát nhang bốc mà thổ địa nhảy tưng tưng thế này thì làm ăn gì được.

 

- Dạ con đau chân. - Đau ở ngoài thôi, không đau trong xuơng đúng không? - Dạ không biết, con thấy đau lắm, đi khoảng 50m là đau, đau không ai tả nổi. - Xem nào (lấy rượu xoa bóp, cho uống cánh hoa hồng), chỉ vài ba lần là khỏi thôi. Đưa nốt chân kia ra, cô làm cho nhát nữa là thích ngay.

 

- Con bị đau lưng, cứ đứng lên là đau. - Thế ngồi đây có đau không? - Dạ chưa đứng lên nên không biết. - Thế khi đầy túi tiền thì có đau không? (Xoa, bóp) Thôi không có vấn đề gì, về nếu còn đau thì quay lại cô xem.

 

Trao đổi với Dân trí, ông Ngô Sinh Xuân - Phó Chủ tịch UBND phường Long Biên - khẳng định: “Sự việc của nhà chị Loan chúng tôi có nắm được. Sự việc bắt đầu khi gia đình báo cáo với chính quyền chị bị ốm và có dấu hiệu không bình thường, khiến gia đình hoang mang. Sau đó thì có nảy sinh một số sự việc như phản ánh.

 

Chúng tôi đã đến tìm hiểu. Thực tế cũng thấy có người chờ chực để xem, chữa bệnh. Chúng tôi đã lập biên bản, nhắc nhở gia đình. Chúng tôi đã yêu cầu 2 hướng xử lý: một là cho đi kiểm tra thần kinh, hai là các việc làm mang tính mê tín dị đoan thì cần dẹp bỏ.

 

Hiện nay, khi sự việc vẫn chưa dừng lại và có chiều hướng ảnh hưởng rộng hơn, chúng tôi sẽ lập một tổ công tác, mà đi đầu là phụ trách văn hoá, đến để có biện pháp xử lý mạnh hơn. Lần này chắc chắn sẽ không còn là nhắc nhở nữa. Quan điểm của chính quyền là không đồng tình với những hành động mê tín dị đoan này. Nếu không có gì thay đổi, ngay trong tuần tới chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm và có phản hồi trước dư luận”.

 

Ngọc Cương - Hồng Kỹ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]