Chữa bệnh bằng nấm linh chi

Việc dùng nấm như một “món ăn, bài thuốc” để phòng chống bệnh tật, giữ gìn sức khỏe ngày càng trở nên phổ biến. Các loại nấm như linh chi, đông trùng hạ thảo, vân chi, hầu thủ… ngày càng có nhiều người biết đến và sử dụng

15.5953

ThS Cổ Đức Trọng, Trung tâm Nghiên cứu Linh chi và Nấm dược liệu TPHCM, cho biết ngoài những loại nấm vừa kể, mới đây còn có thêm nấm thượng hoàng (Phellinus linteus). Nhiều nghiên cứu cho thấy nấm thượng hoàng có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống ung thư nên đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà sinh dược học.

Khách hàng lựa chọn mua nấm linh chi

“Việt hóa” nấm thượng hoàng

Nấm thượng hoàng hay còn gọi hoàng sơn (SangHwang) là tên chỉ các loài gần nhau trong chi Phellinus, họ Hymenochaetaceae, bao gồm các loài phellinus linteus,  P. igniarius, P. baumii, P.robustus, P. pinii, P. hartigii… được sử dụng từ rất lâu trong y học cổ truyền Trung Quốc. Dạng dùng là nấu nước uống. Các loại nấm trong chi Phellinus này đang được các nhà nấm học thế giới quan tâm vì đặc tính chống khối u rất mạnh.

Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư quốc gia Tokyo (Nhật Bản), thử nghiệm trên chuột cho thấy tác dụng chống khối u của dịch chiết nước nóng của một  số loài nấm như sau: nấm cổ linh chi (Ganoderma applanatum),  tỉ lệ ức chế khối u là 64,9%; nấm vân chi (Coriolus versicolor), tỉ lệ ức chế 77,5%; nấm thượng hoàng (loại Phellinus igniarius), tỉ lệ ức chế 87,4%; nấm thượng hoàng (loại Phellinus linteus), tỉ lệ ức chế 96,7%; nấm bào ngư xám (Pleurotus ostreatus), tỉ lệ ức chế 75,3%; nấm hương (đông cô, Lentinus edodes), tỉ lệ ức chế 80,7%; nấm mỡ (Agaricus bisporus), tỉ lệ ức chế 2,7%;  nấm mèo mỏng (Auricularia auricula-judae ), tỉ lệ ức chế 42,6%...  Kết quả này cho thấy tác dụng chống khối u của P. linteus là rất tốt so với các loài nấm mèo, nấm mỡ, nấm cổ linh chi…

Việc sử dụng các loài nấm trong chi Phellinus cho đến nay chủ yếu vẫn là thu hái hoang dại. Việt Nam có khá nhiều loài Phellinus mọc hoang. Để có thể trồng đại trà loài nấm có giá trị này, sau một thời gian nghiên cứu thử nghiệm, nhóm nghiên cứu của ThS Cổ Đức Trọng đã thành công việc trồng nấm thượng hoàng trên cơ sở sưu tầm nguồn giống mọc hoang tại TPHCM. Hiện chỉ có 4 nước trồng được loài nấm này là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và nay có thêm Việt Nam.

“Bí quyết” chọn nấm linh chi 

Nhóm nghiên cứu của PGS-TS Trương Thị Đẹp, Trung tâm Khoa học và Công nghệ dược Sapharcen (Trường ĐH Y Dược TPHCM), cũng vừa hoàn tất một nghiên cứu khác rất đáng chú ý về nấm linh chi. Đề tài nghiên cứu này sẽ giúp người sử dụng có cơ sở nhận biết, phân biệt được các chủng loại nấm linh chi (tránh nhầm lẫn khi sử dụng). PGS-TS Trương Thị Đẹp cho biết tại thị trường dược ở TPHCM hiện có bán nhiều chủng loại nấm với tên “nấm linh chi”. Sự nhầm lẫn giữa các chủng loại nấm này có nhiều nguyên nhân như do hình dạng của các nấm rất giống nhau, chưa xác định được tên khoa học và nguồn gốc của nấm.

Theo PGS-TS Trương Thị Đẹp, có thể dựa vào một số đặc điểm sau để xác định nguồn gốc nấm linh chi: Nấm linh chi của Hàn Quốc thường có hình dạng tròn méo, ít khi có hình quả thận, màu mặt dưới mũ là vàng chanh, có vết trầy trắng, đường kính khoảng 17 cm, nặng khoảng 200 g; nấm cứng chắc, ấn mạnh vào mặt trên thấy cứng như gỗ. Nấm linh chi của Trung Quốc thường là hình quả thận, màu mặt dưới mũ là vàng nâu hay vàng xám, có vết trầy màu nâu đất, đường kính nhỏ hơn một chút (khoảng 16 cm) và nhẹ hơn nhiều (chỉ khoảng 50 g), nấm xốp, ấn mạnh vào mặt trên thấy mềm và lõm xuống. Nấm linh chi chủng của Việt Nam có một số đặc điểm giống nấm của Trung Quốc như có hình dạng quả thận, mặt dưới mũ là vàng xám, vết trầy màu nâu đất, nấm xốp, khi ấn mạnh vào mặt trên thấy mềm và lõm xuống; chi tiết khác biệt so với nấm Trung Quốc là đường kính chỉ khoảng 15 cm, khá nhẹ cân (chỉ khoảng 29 g). Riêng linh chi chủng của Nhật trồng tại Việt Nam cũng có hình quả thận, màu mặt dưới mũ là vàng chanh, vết trầy trắng, nấm cứng chắc như nấm của Hàn Quốc (ấn mạnh vào mặt trên thấy cứng như gỗ), chi tiết phân biệt là nấm này có đường kính khá nhỏ (11 cm) và nhẹ (khoảng 28 g).

Ngoài ra, để  phân biệt các loài nấm linh chi một cách chính xác nhất phải nhờ đến phòng thí nghiệm thực hiện thêm sắc ký đồ HPLC.

Giá bán 

Cũng có thể dựa vào giá bán để phân biệt nhiều loại nấm linh chi khác nhau. Nấm linh chi nhập từ Hàn Quốc thường có giá rất cao (2-4 triệu đồng/kg), linh chi nhập từ Trung Quốc giá rẻ hơn 300.000-400.000 đồng/kg, linh chi chủng của Nhật trồng tại Việt Nam cũng có mức giá tương đương của Trung Quốc, rẻ hơn cả là giống linh chi của Việt Nam (khoảng 150.000-220.000 đồng/kg). Tuy nhiên giá chỉ là một yếu tố tham khảo, vì thực tế cho thấy nhiều trường hợp linh chi của Việt Nam đã được người bán “lên đời” gọi là linh chi chủng của Nhật trồng ở trong nước để bán được với mức giá cao hơn.

Bài và ảnh: ĐỨC HUY
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]