Tâm lý trị liệu còn được gọi tên khác là điều trị bệnh bằng tiếng nói. Đây là liệu pháp dùng để điều trị một số bệnh về tâm lý và kết hợp hữu hiệu với các phương pháp trị liệu khác để chữa bệnh.

Hữu dụng với trẻ nhỏ

Em TNP, 12 tuổi, đang học tại một trường ở TP.HCM, cứ đến kỳ thi lại ôm bụng đau quằn quại. Khi đi khám, các bác sĩ chẩn đoán bị đau dạ dày. Điều trị vài ngày tình trạng đau bụng giảm dần nhưng cứ đến kỳ thi, P. lại kêu đau và tiếp tục nhập viện.

Khi P. được đưa đến BV Nhi đồng 2, các bác sĩ kết luận em bị nhiễm rối loạn co thắt, đau bụng tái đi tái lại không rõ nguyên nhân và được chuyển sang khoa Tâm lý để điều trị. Các chuyên viên tư vấn đã dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng P. và gia đình, được biết em thường bị áp lực trước các kỳ thi. Ba mẹ P. hay la mắng, có khi đánh đập, buộc em phải học bài trước khi đi thi. Tâm lý bị đàn áp khiến em bị đau dạ dày. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần nên thành thói quen thường trực trước mỗi kỳ thi.

Xác định được nguyên nhân, chuyên viên tư vấn đã khuyên ba mẹ P. không nên tạo áp lực thi cử và dành nhiều thời gian để trò chuyện với em hơn. Hằng tuần P. được đưa đến bệnh viện để các chuyên viên tâm lý trò chuyện. P. được tập hít thở khi bị đau bụng, tập thói quen viết nhật ký và được khơi gợi để em trò chuyện với mọi người nhiều hơn… Sau ba tháng điều trị, những cơn đau bụng của P. đã biến mất.

Cảm thông, trấn an một đứa trẻ thì cũng có thể xem như đang thực hành tâm lý trị liệu. Ảnh minh họa: HTD

Một trường hợp khác là em NVL, bảy tuổi. Từ khi ba đi công tác nước ngoài, ông nội em về sống chung với gia đình thì em bị rối loạn giấc ngủ. L. thường bị mất ngủ, giận dữ, cào cấu, la hét và thể hiện sự phản kháng trong giấc ngủ. Tình trạng này kéo dài hơn một năm khiến L. ốm yếu và trở nên nhút nhát hơn.

Đến khám tại khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2, các chuyên viên cho L. vẽ tranh và thuyết trình về bức tranh đã vẽ. Qua câu chuyện kể, chuyên viên tâm lý phát hiện em rất sợ ông nội vì thường ngày, mỗi khi nổi nóng ông thường la hét, đập phá đồ dùng trong nhà. Từ đó trong giấc ngủ của L. luôn có ý định phán kháng lại tất cả. Khi đã tìm ra được nguyên nhân các chuyên viên đã từng bước kết hợp với người thân trong gia đình L. để tháo gỡ những vấn đề mà em gặp phải. Sau vài tháng điều trị, L. đã trở lại bình thường.

Trị được bệnh, ngăn chặn tái phát

Chuyên viên tâm lý Trương Quốc Cường, khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2, cho rằng tâm lý trị liệu là hệ thống các phương pháp, kỹ thuật được nhà tâm lý trị liệu sử dụng nhằm cải thiện sức khỏe, tinh thần, tháo gỡ các trở ngại trong cảm xúc và hành vi của người bệnh. “Hay nói cách khác tâm lý trị liệu là phương pháp chữa bệnh bằng tiếng nói. Bất kỳ ai đang cố gắng cảm thông với một người bạn đang đau khổ hoặc cố trấn an một đứa trẻ đang hoảng sợ thì cũng có thể xem người ấy đang thực hành tâm lý trị liệu” - anh Quốc Cường chia sẻ.

Theo Chuyên viên tâm lý Quốc Cường, đối với những căn bệnh thường hay gặp ở trẻ em như: chậm nói, rối loạn cơ thể không rõ nguyên nhân, tiểu dầm không thực thể,…, các bác sĩ điều trị bằng phương pháp xâm lấn hoặc bằng thuốc nhưng bệnh tình vẫn chưa khỏi thì tâm lý trị liệu được các bác sĩ lựa chọn đầu tiên.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, đơn vị tâm lý BV Nhi đồng 1, cho rằng tâm lý trị liệu có thể giải quyết tốt một số bệnh thường hay gặp ở trẻ vị thành niên. Thời điểm này trẻ thường có những thay đổi mạnh về tâm sinh lý nên dễ dẫn đến các rối loạn tâm lý và dễ bị các bệnh về tâm bệnh như lo âu, trầm cảm và các rối loạn như hành vi, giấc ngủ, học tập,…

“Ưu điểm của tâm lý trị liệu là điều trị bệnh không cần dùng thuốc, mà thông qua cách trò chuyện có thể giải quyết được những rối loạn về tâm lý mà bệnh nhân đang gặp phải. Thời gian điều trị cho các bệnh nhân mới khởi phát ở giai đoạn đầu, trung bình khoảng bốn tháng người bệnh có thể tự khỏi bệnh. Ngoài ra, với phương pháp điều trị này có thể ngăn chặn được bệnh tái phát (vì đã tìm ra được căn nguyên của bệnh) và giải quyết triệt để nó. Trong khi đó, việc điều trị bằng thuốc chỉ có thể khống chế tức thời hoặc chuyển từ biểu hiện bệnh này sang một biểu hiện của bệnh khác mà bệnh vẫn có thể tái phát” - Chuyên viên tâm lý Diệu Anh cho biết.

Tâm lý trị liệu trong chữa trị bệnh tâm thần

Đối với những bệnh nhân bị rối loạn stress, rối loạn trầm cảm, bị tâm thần ở dạng nhẹ (bệnh nhân còn nhận thức được)… các bác sĩ sẽ dùng liệu pháp tâm lý trị liệu kết hợp với thuốc an thần để điều trị. Người thầy thuốc sẽ dùng lời nói, cử chỉ để tìm ra căn nguyên gây rối loạn tâm lý ở bệnh nhân. Giúp người bệnh nhận diện và sửa đổi những cách suy nghĩ bị méo mó, lệch lạc. “Đánh trống lảng” để người bệnh không chú ý hoặc làm giảm giá trị vấn đề khiến bệnh nhân bị rối loạn. Thông thường cách điều trị này thời gian kéo dài khoảng vài tháng bệnh nhân sẽ tự hết bệnh. Điểm đáng lưu ý của liệu pháp tâm lý trị liệu là nó giống như một cái áo cần được “may cắt” cho vừa với bệnh nhân. Không thể áp dụng cùng một phương pháp cho tất cả mọi người.

Bác sĩ LƯƠNG HỮU THÔNG,
nguyên Phó Giám đốc BV Tâm thần trung ương 2

NAM TRÂN


Video đang được xem nhiều