Chữa bệnh cho máy tính xách tay

15.6341

Chữa bệnh cho máy tính xách tay

Không giống với máy tính để bàn, máy tính xách tay (laptop) có những nguyên nhân hỏng hóc khác nhau, và đương nhiên “bệnh” cũng khác nhau.

Ba thủ phạm “gây bệnh” chính

Tại “Bệnh viện laptop” (số 39 Lý Nam Đế), mỗi ngày có khoảng 30 khách hàng nhờ bắt bệnh và sửa chữa, bên cạnh đó vẫn còn hàng trăm máy tính nằm kho…

Nguyễn Đắc Chính, nhân viên quản lý kinh doanh “Bệnh viện laptop”, số 39 Lý Nam Đế, Hà Nội cho biết, mỗi ngày bình quân bệnh viện tiếp nhận 30 máy tính xách tay của khách hàng ra vào kiểm tra. Trong số đó có 15 – 20 máy phải sửa chữa hỏng hóc. Nguyên nhân hỏng rất nhiều và đa dạng. Tuy nhiên, có ba nguyên nhân chính đó là do nguồn điện, thời tiết, và tác động chủ quan từ người sử dụng. Về nguồn điện, khi sử dụng máy tính xách tay mà nguồn điện chập chờn, không ổn định gây ra những hư hỏng nguồn vào, hỏng pin, chập mainboard, nổ IC, hoặc các linh, phụ kiện khác. Nguyên nhân này chiếm đến 60% số máy tính xách tay bị hỏng hóc ở khi vào kiểm tra ở “Bệnh viện laptop”. Khắc phục nguyên nhân này mất nhiều thời gian nhất và tốn kém nhất.

Nguyên nhân thứ hai là do thời tiết: Khí hậu nhiệt đới ẩm ở Việt Nam là nguyên nhân khiến nhiều máy tính xách tay được nhập ở nước ngoài về không thích ứng được, đặc biệt là những loại máy tính đã qua sử dụng. Nguyên nhân này chiếm từ 20-30% số máy tính xách tay bị hỏng. Một nguyên nhân nữa mà các máy tính xách tay cũng thường gặp phải là do chủ quan của người sử dụng như vì tò mò mới mua về, muốn tháo ra xem, nhưng khi lắp vào máy không chạy nữa, hay bị rơi, bị nước dây vào máy... 

Chi phí và dịch vụ khắc phục hỏng hóc

Thường khi máy tính xách tay bị hỏng, khách hàng mang đến, nhân viên kỹ thuật sơ kiểm, xác định nguyên nhân gây hỏng, báo lại khách hàng, và nếu khách hàng đồng ý chi trả khoản kinh phí thay linh kiện, thì nhân viên kỹ thuật sẽ tiến hành sửa chữa, thay thế. Chi phí mà khách hàng phải chi trả tại “Bệnh viện laptop” bao gồm chi phí tiền công và chi phí thay thế linh, phụ kiện. Khi máy tính mang đến “Bệnh viện laptop” phải mất một ngày, nhân viên mới sửa chữa, khắc phục xong. Chi phí tùy vào linh, phụ kiện bị hỏng, nhưng phải lên đến từ 70 USD đến 100 USD. Máy có đời thấp, linh kiện đơn giản hơn, thì giá có thể thấp hơn, nhưng cũng không dưới 50 USD cho một lần bị hỏng nếu vì nguồn điện chập chờn. Lời khuyên của các kỹ thuật viên để hạn chế máy hỏng do nguồn điện chập chờn là phải tìm được nguồn điện ổn định, hoặc tạo ra nguồn điện ổn định như cắm máy qua ổn áp. Nếu nguồn điện chập chờn, tuyệt đối không nên sử dụng; Vệ sinh máy thường xuyên, và không để nước dây vào máy. Với nguyên nhân do thời tiết, thời gian khắc phục máy hỏng có thể ngắn hơn, nhưng cũng không thể dưới 12 giờ. Để hạn chế máy hỏng do ẩm mốc, người dùng cần phải để máy ở những nơi khô ráo, thường xuyên lau chùi, tránh bị bụi bẩn bám vào máy.

Giám đốc “Bệnh viện laptop” Đoàn Tuấn Đạt cho chúng tôi biết: “Khi máy tính xách tay bị hỏng, khách hàng nên mang đến các cửa hàng, trung tâm để sửa chữa, tránh tình trạng tự tháo, lắp không đúng kỹ thuật sẽ làm máy hỏng nặng thêm. Với “Bệnh viện laptop”, hơn 10 kỹ thuật viên sẽ nỗ lực khắc phục với chi phí thấp nhất, thời gian nhanh nhất. Khách hàng sẽ được thông báo lại trong vòng 24h kể từ khi nhận máy. Thời gian khắc phục sự cố không quá 3 ngày. Ngoài ra, chúng tôi cung cấp các dịch vụ bảo trì, bão dưỡng miễn phí máy tính xách tay cho khách hàng khi mua hàng của chúng tôi…”.

Được thành lập và đi vào hoạt động gần 1 năm, “Bệnh viện laptop” với dịch vụ chủ yếu là “bắt bệnh”, kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, nhưng đã trở thành nơi khắc phục hỏng hóc máy tính xách tay lớn của Hà Nội. Máy tính xách tay ngày càng được sử dụng rộng rãi cũng là cơ hội để dịch vụ “bắt bệnh” phát triển.

Trọng Hoàng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]