Chữa bệnh kiểu... “điếc không sợ súng”

Đấm con bệnh rũ rượi, lể bệnh nhân bằng mảnh chai cho chảy máu, chích một lúc bảy ống thuốc... Đó là cách chữa bệnh “quái gở” của một số thầy lang ở tỉnh Quảng Ngãi. Các thầy lang này không có tên trong hội đông y, không có giấy phép hành nghề nhưng vẫn ung dung chữa bệnh kiếm tiền.

14.7644

Chữa bệnh bằng… nắm đấm

 

Chúng tôi tìm đến nhà thầy lang Bảy Khôi tại xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa. Mới đầu buổi sáng mà đã có sáu bệnh nhân đang chầu chực chữa bệnh.

 

Trên chiếc giường tre, thầy Tư Ngọc - con trai thứ tư của thầy Bảy Khôi - đang dùng hai bàn tay rắn chắc của mình đấm liên hồi vào cơ thể tong teo của lão nông S. (67 tuổi, quê xã Nghĩa Hiệp, Tư Nghĩa). Ông S. gầy nhom nằm bẹp rúm trên chiếc giường tre cố nghiến răng chịu đựng những cú đấm.

 

Ông S. bị trặc cột sống, chạy chữa nhiều nơi không bớt, nghe lời đồn đại, gò lưng đạp xe hơn 20km tới thầy Bảy Khôi để chữa bệnh. Sau hơn 30 phút, ông S. gượng dậy không nổi phải nương theo tay thầy Tư Ngọc rời khỏi giường, rồi ngồi bệt xuống đất thở khó nhọc. Thầy Bảy Khôi trấn an: “Khoảng 10 ngày bệnh mới có dấu hiệu bớt”.

 

Thầy Bảy Khôi nói với chúng tôi rằng đã học nghề thầy thuốc của một vị danh y có tiếng ở Kiên Giang, trung bình mỗi ngày ông chữa cho 20 bệnh nhân, toàn là các vị quan chức trong và ngoài tỉnh, Việt kiều Mỹ, Singapore... Thầy Bảy khoe chữa được đủ thứ bệnh: gai cột sống, rối loạn tiền đình, rối loạn tim, cao huyết áp, thấp khớp. Ngay cả mấy ông chồng vô sinh, chỉ cần được thầy điểm huyệt cột sống vài bữa là có con liền.

 

Thầy Bảy Khôi nói thầy chữa bệnh từ thiện không lấy tiền, nhưng sau khi đấm bóp xong thầy nhắc khéo bệnh nhân nếu có lòng hảo tâm thì cúng Phật 20.000-100.000 đồng, đặt lên đĩa trên bàn thờ, mới mau hết bệnh.

 

Chúng tôi hỏi thăm người dân trong xóm mới biết thầy Bảy Khôi vốn là một thợ cắt tóc, rồi hành nghề bói quẻ chân gà, sau đó dùng thuốc võ sửa khớp tay, chân, không hiểu tự xưng “danh y” tự bao giờ.

 

Mảnh chai chữa bách bệnh

 

Đó là cách chữa bệnh của thầy Hai Tiến với biệt danh Tiến “lể” ở xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức. Từ quốc lộ 1A, hỏi đường đến nhà thầy Hai Tiến ai cũng lắc đầu nguầy nguậy, nhưng khi nói đến biệt danh Tiến “lể” dùng mảnh chai chữa bách bệnh thì ai cũng biết.

 

Nhà thầy Tiến “lể” ở sâu tận cuối thôn Phước Hiệp. Khi chúng tôi đến, ông vừa mới lể xong cho năm người và đã ra đồng... thăm lúa. Nghe chúng tôi nói đến chữa bệnh, vợ thầy liền sai đứa cháu chạy đi gọi ông về. Chưa đầy 10 phút, thầy Tiến “lể” về tới nhà. Mồ hôi nhễ nhại, chẳng thèm lau mặt, rửa tay, cũng không thèm hỏi han chúng tôi đau ốm ra sao, thầy gằn giọng: “Đứa nào lể thì ra đây tao lể cho”. Tôi bất ngờ: “Ủa, chứ thầy chưa biết chúng tôi đau thế nào, làm sao mà lể?”. “Nhìn mày sơ qua là tao biết bị bệnh gì rồi”. “Vậy thầy nhìn thấy tôi bị bệnh gì?”. Thầy bực dọc: “Có lể thì lể nhanh rồi nghỉ, hỏi chi mà lắm vậy?”.

 

Tôi thấy ớn lạnh nhưng vẫn đánh liều bước ra chiếc ghế gỗ dài hơn 1m đặt cạnh cửa sổ ngoài hiên nhà để chờ thầy lể. Đồ nghề chữa bệnh của thầy là một đĩa thủy tinh màu xanh tím, hàng chục chiếc mẻ chai sắc nhọn, một gói bông y tế, chai cồn. Bên cạnh là một chiếc bô đựng toàn bông thấm máu còn đỏ tươi, có lẽ là của mấy bệnh nhân vừa chữa bệnh xong.

 

Thầy bảo tôi vạch áo lên và đưa tay ghì chặt vào những thanh cửa sổ: “Nắm thật chặt, để thầy lể nghe con”. Trán của tôi bắt đầu nóng ran, mồ hôi túa ra. Tôi liền kiếm cớ trì hoãn: “Thầy bảo đau chỗ nào lể chỗ đó, tôi bị đau tim thì thầy lể chỗ nào?”. Thầy liền nổi khùng: “Mày không tin tay nghề tao thì thôi, sao cứ vặn vẹo vậy hả?”. Nói xong thầy đứng dậy bước ra vườn, bỏ mặc “bệnh nhân” với đám mảnh chai lởm chởm.

 

Chúng tôi tỏ vẻ ân hận và rút lui vào góc nhà ngồi chờ. Một lát sau, có hai vợ chồng nói là ở thành phố Quảng Ngãi tới chữa bệnh. Cũng như ban nãy, thầy chẳng hỏi bệnh nhân bị bệnh gì, lệnh ngay cho nữ bệnh nhân ra ngồi lên ghế. Không thuốc sát trùng, không bao tay vệ sinh, thầy cầm miếng mảnh chai sắc lẻm chích vào bắp chân bệnh nhân rồi vạch một vạch dài, máu tươi vọt ra. Người phụ nữ giật nảy lên, hai tay ghì lên mấy thanh sắt cửa sổ, nghiến chặt răng. Sau đó, thầy thấm bông, đổ cồn trực tiếp vào vết lể và bít kín vết thương. Lể xong, nữ bệnh nhân mặt tím tái, dựa lưng vào tường, mắt nhắm nghiền. Chị nói với chúng tôi: “Mình bị đau ở thắt lưng mà không hiểu sao thầy lại lể ở bắp chân?”.

 

Phương pháp “bảy ống thuốc tây

 

Ở TP Quảng Ngãi còn có thầy Bùi Văn Khâm, biệt danh là Hai Khâm, hành nghề “chích thuốc dạo”, nhà số 27 Ngô Quyền. Thầy Hai nổi tiếng với phương pháp chích vào người bệnh nhân bảy ống thuốc tây trong năm phút để chữa tất cả các bệnh khớp, hen suyễn. Bệnh nhẹ, “thầy” chích một lần bảy ống thuốc gồm các loại: vitamin B12, Stricnin, Trianrcinolone, Gentamycin, Lincomycin... Còn bệnh nặng thì phải gồng mình “chịu trận” hàng chục mũi thuốc tây tiêm vào cơ thể đến sưng tấy cả lưng, mông, bắp đùi...

 

Trong nhiều năm qua, mặc dù không có giấy phép hành nghề, thầy Hai đến khắp các ngõ xóm vùng quê tự giới thiệu là thầy thuốc, cho cả số điện thoại di động để liên lạc.

 

Gặp chúng tôi, chị H. ở thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa bức xúc cho biết: “Ông Hai chích cho nhiều cụ già ở khu vực xung quanh tôi ở, hễ ai bị khớp kiểu gì ổng cũng chích bảy ống thuốc tây gì đó. Giá chích một lượt là 150.000 đồng”. Chị H. cho hay mẹ của chị bị bệnh thần kinh tọa, thầy Hai chích hai bên cột sống mỗi lượt sáu mũi thuốc, hết 450.000 đồng, nhưng đến nay bệnh vẫn hoàn bệnh.

 

Theo Minh Thu
Tuổi Trẻ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]