- Chuyện của cô nghe có vẻ chuyện truyền thông chứ ít có tính y học. Công nhận là dù sao cũng có những người thấy chuyển bệnh, đỡ triệu chứng nên các thầy/ cô cứ chữa thôi. 
- Em chỉ quan tâm họ có chữa khỏi bệnh không? Các bác là thầy thuốc có con mắt và kinh nghiệm chuyên môn cần bình luận hay đánh giá chuyện này giúp người dân chứ.
- Bệnh tật không chỉ là chuyện có vi trùng virus mà chính xác nó là phản ứng của cá thể với bất cứ một tác động bất lợi nào đó làm đảo lộn hoạt động thường nhật của chính người đó. Trong đó, yếu tố tinh thần, ý thức, ý chí của cá nhân người bệnh có vai trò chi phối tổng thể và toàn diện. Triết lý y học quan niệm không có một bệnh A chung cho loài người mà chỉ có cụ thể ông Nguyễn Văn B mang bệnh lý của bệnh A; có nghĩa bệnh B dù là điển hình đến đâu khi sinh bệnh ở ông B sẽ có những biến đổi, biểu hiện, diễn biến và đáp ứng việc chữa trị không giống với một ông C có cùng bệnh A đó.
- Nhưng vẫn phải có một cùng phương pháp chẩn đoán và điều trị chứ?
- Không cứng nhắc như vậy, ngay trong y học hiện đại cũng song song cùng tồn tại nhiều trường phái y học, nhiều quan niệm y lý, nghĩa là nhiều cách chẩn bệnh và trị bệnh khác nhau. Kết quả có thể hơn kém nhau nhiều ít nhưng đều có công dụng. Xã hội ta hiện nay càng cần có nhiều con đường để người bệnh có thể tiếp cận theo cách phù hợp và tiện lợi nhất.
- Em vẫn phân vân vì những cách chữa bệnh này có vẻ mơ hồ, mê tín dị đoan thế nào ấy. Không biết có “tác dụng phụ ngoài ý muốn” như khi uống thuốc Tây không?
- Cái gì mà chả có tác dụng phụ, khỏi phải bàn. Tuy nhiên, từ thời nguyên thủy cho đến giờ, các vị tu hành các tôn giáo đều có hiểu biết y học, nhiều chùa có các cơ sở y học cổ truyền chữa bệnh làm phúc cho mọi người. Các vị sư, linh mục, thầy cả… khi chăm sóc phần hồn cho người theo đạo có hiểu biết về tâm lý, giáo lý nên họ nhìn nhận người bệnh là một vũ trụ nhỏ trong một vũ trụ toàn thể nên không chỉ chữa phần xác (phần bệnh lý sinh học của người đó) mà còn chăm sóc yếu tố tinh thần, ý chí và đạo đức của người bệnh. Các bậc thầy chân chính đúng nghĩa trong y khoa hiện đại cũng là những thầy thuốc có hàm lượng nhân văn nhân đạo cao nhất khi hành nghề và đối xử với người bệnh. Chữa bệnh do vậy không chỉ chữa phần bệnh.
Y học hiện đại phát triển chuyên sâu, tận dụng nhiều công nghệ mới nên “chẻ sợi tóc (của người bệnh) làm tư” mà quên đi người bệnh cụ thể, người bệnh trong tổng thể quan hệ với người thân, xã hội và môi trường sống. 
Đấy chính là khoảng trống cho những cách chữa bệnh huyền bí, tâm linh, “ngoại cảm” chen chân vào. Ví như bệnh của cô, nếu muốn khám chữa bệnh “chất lượng cao” sẽ có thể phải chụp CT Scanner, cộng hưởng từ, làm hàng loạt xét nghiệm… ở các bệnh viện đông đúc, lại phải có thu nhập tương đối cao; trong khi cô đến gặp các thầy, các cô chỉ phải chi phí thấp, chỉ phải nghe hát, bắt tay mà lại thấy khỏe người ra, xương khớp đỡ đau(?). Tất nhiên sẽ có khá nhiều người chọn cách đơn giản.
- Đấy, em muốn bác giải đáp chính cái điều đó!
- Nếu người bệnh bị chấn thương, bị dị tật, bị nhiễm trùng viêm nhiễm, ngộ độc hay đơn giản nhất là có một vết thương chảy máu chắc chắn là phải đi bệnh viện. Còn lại những triệu chứng kín đáo, mơ hồ do người bệnh “cảm thấy” thì cần biết: Một là 80% bệnh tự khỏi, hai là niềm tin gần như vô thức là một động năng tinh thần rất mạnh đã phát động ý chí bản năng phục hồi sức khỏe, giúp cơ thể tự điều chỉnh và sửa chữa những chệch choạc sinh lý bệnh. Các thầy/cô chữa bệnh kiểu tâm linh đều có chung một nguyên lý, bằng nhiều hình thức biểu diễn khác nhau gây nên một tâm lý tự ám thị của người bệnh, tự mình khởi động cơ chế tự phục hồi sức khỏe cho mình.