Chữa bệnh ở nước ngoài (2): "Đâu tới mức phải ra nước ngoài"

GiadinhNet - PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng C4, Viện Tim mạch, BV Bạch Mai tự tin: “Bệnh nhân cần đặt stent tim thì đâu tới mức phải ra nước ngoài để thực hiện. Chỉ cần 3 phút - không hơn - các bác sĩ tại Viện chúng tôi thực hiện được thành công một cách đơn giản”.

15.6009
>
>
>
 
Dễ biến chứng sau phẫu thuật

Cách đây vài tháng, một bệnh nhân đến nhờ PGS Tuấn khám và tư vấn đặt stent tim. PGS Tuấn cho biết, dù đã giải thích với bệnh nhân này là thủ thuật đặt stent tim hiện là phương pháp không phức tạp trong điều trị, tuy nhiên bệnh nhân vẫn ra nước ngoài để đặt stent.

Thủ thuật ở nước ngoài cũng chỉ mất 3 phút - thời gian tương đương với thời gian các bác sĩ Viện Tim mạch thực hiện. Sau đó, bệnh nhân được kê đơn thuốc và về nước. Tuy nhiên, theo PGS Tuấn, công tác chăm sóc sau thủ thuật cũng vô cùng quan trọng. Nếu điều trị xong về nước ngay có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.

Stent (khung đỡ) là một dụng cụ rất nhỏ bằng thép không gỉ, chịu được sức ép của lòng mạch. Các bác sĩ sẽ sử dụng một quả bóng gắn stent luồn vào trong ống can thiệp, đẩy trượt lên dây dẫn. Bóng gắn stent được đưa vào động mạch vành bị tổn thương, bóng được bơm căng để làm nở stent. Stent sẽ áp sát và đẩy mảng xơ vữa ra sát thành mạch làm nong mạch mở rộng ra. 
 

Một ca phẫu thuật tim hở tại Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: KT).

 
Sau thủ thuật, bệnh nhân được đưa về khu điều trị, được theo dõi nhịp tim, huyết áp liên tục. Có nhiều biến chứng dễ xảy ra như chảy máu, đau, tụ máu... với những bệnh nhân đặt stent. Vì vậy, điều trị tại nước ngoài nếu không được theo dõi sau phẫu thuật sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân.

Một trường hợp bệnh nhân khác đã đến tận BV lớn tại Thái Lan chữa bệnh nhưng cuối cùng cũng chọn giải pháp về nước điều trị. Đó là bệnh nhân V.T.Hòa, 60 tuổi, quê Bắc Ninh. Cách đây vài tháng, bệnh nhân thấy ngực đau nhói, khó thở. Gia đình quyết định đưa sang Thái Lan điều trị. Qua thăm khám, siêu âm, bác sĩ kết luận bị tổn thương cả 3 nhánh vành tim. Phía bệnh viện này đưa ra phương án mổ mở. Bệnh nhân Hòa không đồng ý vì mổ mở gây ra quá nhiều nguy cơ cho tính mạng. Bệnh nhân Hòa quyết định mang kết quả về nước gặp PGS Tuấn - người đã đặt stent 10 năm trước cho anh.

PGS Tuấn cho biết, hồ sơ bệnh án bên Thái Lan cho thấy trường hợp bệnh của bệnh nhân Hòa là rất phức tạp, nhưng không phải là đã hết cách. PGS Tuấn hội ý với các đồng nghiệp rồi thống nhất phẫu thuật bằng phương pháp nội soi can thiệp động mạch vành qua da. Sau 1 giờ phẫu thuật và điều trị tiếp 3 ngày, bệnh nhân Hòa xuất viện.

Thiếu trang thiết bị hiện đại

"Viện Tim mạch mới đưa vào sử dụng hai kỹ thuật mới trong can thiệp tim mạch. Đó là khoan cắt mảng xơ vữa trong lòng động mạch và siêu âm trong lòng động mạch. Phương pháp siêu âm trong lòng động mạch cho những kết quả mà biện pháp khác không thực hiện được. Đặc biệt là tìm ra những mảng xơ vữa thầm lặng do đầu dò được đưa vào kiểm tra trực tiếp trong lòng động mạch, giúp các chỉ định can thiệp chính xác và hiệu quả hơn. Còn với phương pháp khoan cắt mảng xơ vữa trong lòng động mạch với đầu khoan bằng kim cương và tốc độ quay siêu tốc, các mảng xơ vữa xơ cứng đều được xử lí".

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn,
Trưởng phòng C4,
Viện Tim mạch, BV Bạch Mai.
 
V.K
PGS Tuấn nói vui, trước đây khi đi tập huấn hay đào tạo tại nước ngoài thì thấy mình thua kém. Nhưng hiện nay, nhiều chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành tim mạch bác sĩ mình đã có thể tự hào mà ngồi cùng bàn thảo về chuyên môn cũng như đưa ra phương án điều trị. Nhiều bệnh viện trong khu vực đã gửi bác sĩ sang tập huấn, học hỏi tại Viện Tim mạch thời gian gần đây.

Tuy nhiên, theo PGS Tuấn, dù chúng ta đã cập nhật trình độ ngang khu vực, nhưng về trang thiết bị hiện đại vẫn còn thiếu thốn. Đã từng có chuyên gia nước ngoài đến Viện Tim mạch phải kinh ngạc thốt lên rằng: Vì sao thiếu thốn như thế mà các bác sĩ ở đây vẫn điều trị thành công cho bao nhiêu ca khó!

Một vấn đề nữa là ở nhiều bệnh viện, sự quá tải, dịch vụ cho người bệnh không thể đáp ứng nhu cầu. Nhiều người khi được hỏi về lý do ra nước ngoài khám chữa bệnh, đều thừa nhận: Không phải vì e ngại năng lực của bác sĩ trong nước mà vì cơ sở vật chất không đảm bảo. Ngoài ra, cũng theo PGS Tuấn, các bác sĩ trong nước cũng chỉ được đào tạo tốt về chuyên môn nhưng kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân chưa cao. Mà điều này sẽ làm bệnh nhân phiền lòng nhất. Ví dụ, những bệnh nhân có bệnh lý về tim, họ rất cần được sự ân cần thăm hỏi thường xuyên của cán bộ y tế. Trong khi đó, ra nước ngoài họ được quan tâm hỏi thăm và đi kèm dịch vụ hoàn hảo.

TS Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, hiện các khoa đều có các phòng khám chữa bệnh dịch vụ cao nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. "Chỉ tính riêng ngày 11/3, tổng lượng bệnh nhân điều trị tại là 2.760 người, trong khi đó chỉ có 1.800 giường bệnh"- TS Lợi nói. Phía bệnh viện đang lên kế hoạch xây dựng Trung tâm y tế quốc tế với 21 tầng. Trung tâm này sẽ điều trị những kỹ thuật cao và đáp ứng nhu cầu của những người bệnh có điều kiện kinh tế. Mặt khác, Trung tâm này sẽ có những dịch vụ hoàn hảo để bệnh nhân không phải ra nước ngoài điều trị những bệnh mà trong nước thực hiện được. TS Lợi cũng cho rằng, theo mặt bằng điều trị chung của khu vực thì Việt Nam hoàn toàn chủ động trong những kỹ thuật cao và đáp ứng khả năng điều trị.        

Theo số liệu chưa chính thức, ước tính chi phí điều trị tại các bệnh viện trong nước chỉ bằng 1/5 chi phí điều trị tại Singapore và bằng 1/3 chi phí điều trị tại Thái Lan. Ví dụ, đặt stent tim tại Việt Nam giá 3.000 USD/cái. Còn tại nước ngoài thường có giá lên tới 12-15.000USD/cái. Đây chỉ là giá thành của vật liệu tiêu hao khi điều trị bệnh, chưa tính đến những dịch vụ đi theo như vé máy bay, khách sạn và chi phí ăn uống.
 
>
>
>
 
Vân Khánh - Bảo Hân
  • 0

Tin cùng mục

  • U Dung "HIV"

GỬI Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Xem thêm
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]