Chữa bệnh tâm thần bằng âm nhạc

Giadinh.net - Trong căn phòng nhỏ thoáng mát, bản Symphony No 3 cất lên dìu dặt, tiếng TS Nguyễn Văn Thọ chầm chậm hướng dẫn bệnh nhân tâm thần Lê Viết Tuấn (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế): "Anh hãy ngồi thật yên tĩnh, để cơ bắp hoàn toàn thả lỏng... Hãy tin rằng anh đang cảm thấy thoải mái, dễ chịu và xung quanh không có gì khiến anh bị xáo trộn. Hãy xua đuổi mọi ý nghĩ ra khỏi đầu óc của anh... Và bây giờ những âm thanh của bản nhạc sẽ đến với anh...".

0

Bệnh nhân Lê Viết Tuấn đang được điều trị bằng phương pháp âm nhạc có hướng dẫn. (Ảnh: TG)

 
“Bác sĩ âm nhạc”

Đó là một buổi trị liệu cho bệnh nhân tâm thần bằng phương pháp âm nhạc của TS Nguyễn Văn Thọ - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tại TP Biên Hoà (Đồng Nai). Ông là người đầu tiên ứng dụng phương pháp hình tượng có hướng dẫn và âm nhạc để trị liệu cho các bệnh nhân tâm thần.

TS Nguyễn Văn Thọ là người trực tiếp tìm hiểu phương pháp của Helen Bonny: Hình tượng hướng dẫn và âm nhạc (Guided Image and Music - GIM). GIM là sự tiếp cận sâu sắc tới liệu pháp tâm lý âm nhạc trong đó âm nhạc cổ điển được chương trình hoá một cách chuyên biệt, sử dụng để tạo ra sự bộc lộ động lực những trải nghiệm bên trong, cho phép hiện ra tất cả các khía cạnh trải nghiệm của con người: Về tâm lý học, cảm xúc, cơ thể, xã hội, tinh thần và tập hợp vô thức.

“Nhạc để trị liệu cho bệnh nhân tâm thần phải là nhạc cổ điển, được biên soạn và lựa chọn. Có khoảng 30 chương trình âm nhạc được sử dụng trong GIM. Mỗi chương trình dài khoảng 40 phút, bao gồm từ 2-5 các đoạn hoặc bản nhạc cổ điển được tuyển chọn. Diễn biến âm nhạc được thiết kế sao cho nó bắt đầu bằng một bản nhạc khởi đầu kích thích hình tượng. Tiếp đến là bản nhạc làm sâu hơn trải nghiệm cảm xúc và bản kết thúc sẽ đưa thân chủ quay lại trạng thái bình thường”, Tiến sĩ Thọ cho biết.

Theo phân tích của TS Thọ, khi lựa chọn chương trình âm nhạc cho một thân chủ (cách gọi bệnh nhân tâm thần khi trị liệu bằng GIM) cần có ý thức về sự sâu sắc của âm nhạc. Một số bản nhạc của những tác giả theo trường phái ấn tượng như Debussy, Ravel và Delius có tính chất khêu gợi một cách nhẹ nhàng những hình ảnh tự nhiên. Có những chương trình âm nhạc lại được thiết kế để khêu gợi cảm xúc nhiều hơn, có một khoảng rộng về động lực, cường độ. Nhạc có thể đưa lại những tình trạng cảm xúc đặc biệt, nhằm làm giảm sự cáu giận và đau buồn.
 

Bệnh nhân Tuấn bày tỏ cảm nhận sau khi nghe nhạc. (Ảnh: TG)

Tốt cho bệnh nhân trầm cảm

Điều đặc biệt của phương pháp này là bệnh nhân được hướng dẫn thư giãn, nghe nhạc; trong thời gian đó các bác sĩ chữa trị ngồi phía sau quan sát mọi phản ứng, cử chỉ của bệnh nhân. Bệnh nhân Lê Viết Tuấn (47 tuổi) mắc bệnh tâm thần phân liệt đã 10 năm nay, lần đầu tiên được áp dụng phương pháp này đã nhảy dựng ra khỏi ghế; sau 4 lần trị liệu anh đã “tỉnh”, nhớ được nhiều chuyện về gia đình trong quá khứ và bắt đầu muốn nói chuyện với mọi người xung quanh. Mỗi lần nghe nhạc xong là Tuấn muốn vẽ trở lại (Lê Viết Tuấn trước đây là họa sĩ - PV).

Khi kết thúc mỗi giai đoạn, bác sĩ lại hỏi bệnh nhân về những biểu hiện, phản ứng và cảm xúc. TS Nguyễn Văn Thọ giải thích: “Phản ứng của bệnh nhân giúp chúng tôi hiểu đời sống tiềm thức, những mâu thuẫn tâm lý của họ. Bệnh nhân tâm thần có cái siêu tôi, phát bệnh do dồn nén xung đột, tâm lý bị ức chế. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm, rối loạn tâm lý đơn thuần thì sẽ có hiệu quả rõ rệt. Thông qua những tiềm thức mà bệnh nhân tự bày tỏ khi nghe nhạc, người trị liệu có thể tìm ra nguyên nhân về tâm lý để từ đó có hướng điều trị đúng cách”.

Theo TS Nguyễn Văn Thọ, tất cả các bệnh nhân tâm thần đều có thể áp dụng phương pháp chữa trị bằng âm nhạc này, nhưng hiệu quả nhất vẫn là những người phát bệnh do căn nguyên tâm lý (do ám ảnh, lo âu, trầm cảm...). 

Từ tháng 3/2008 đến nay, bệnh viện đã điều trị cho 57 bệnh nhân, trong đó có 3 bệnh nhân đã khỏi hẳn và trở lại cuộc sống bình thường. 

Huyền Trang

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]