Chữa bệnh vảy nến - Thuốc gì?

Bệnh vảy nến là một bệnh mạn tính, biểu hiện đỏ da và bong vảy trắng bạc như sáp nến. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới, được chia làm 6 thể chính: vảy nến thể mảng, thể giọt, thể mủ, thể đỏ da toàn thân, thể đảo ngược và thể khớp.

15.6037

Bệnh vảy nến là một bệnh mạn tính, biểu hiện đỏ da và bong vảy trắng bạc như sáp nến. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới, được chia làm 6 thể chính: vảy nến thể mảng, thể giọt, thể mủ, thể đỏ da toàn thân, thể đảo ngược và thể khớp. Vì vậy việc điều trị phụ thuộc vào các thể bệnh, mức độ nặng nhẹ và diện tích thương tổn. Có 3 bước tiếp cận là: thuốc bôi tại chỗ, dùng thuốc đường uống (toàn thân) và quang hoá trị liệu. Thông thường các thầy thuốc dùng phối hợp các phương pháp trên. 

Thuốc điều trị tại chỗ gồm các loại

Tổn thương da trong bệnh vảy nến.

Corticosteroids (diproson, diprosalic, betnovate, dermovate...): Thuốc có tác dụng giảm viêm, giảm quá trình chuyển hoá của tế bào da và ức chế hệ miễn dịch nhưng không được dùng kéo dài vì dễ gây biến chứng như teo da, rạn da...

Calcipotrience (daivonex): Thuốc dạng tổng hợp của vitamin D3 có tác dụng khống chế tốc độ sừng hoá của da trong bệnh vảy nến. Không bôi thuốc lên mặt và bộ phận sinh dục, thuốc có thể gây kích ứng da.

Retinoid (tazorax) dạng gel hoặc cream là dạng tổng hợp của vitamin A, bôi tại chỗ tác dụng không nhanh như  corticosteroids nhưng không có biến chứng như corticosteroids. Tuy nhiên thuốc có thể gây kích  ứng da. Dùng phối hợp với corticosteroids hiệu quả sẽ tốt hơn. Lưu ý thuốc có nguy cơ gây quái thai  nên phụ nữ trong tuổi sinh đẻ nhất thiết phải tránh thai khi dùng thuốc này.

Coaltar (dầu than đá): một số xà phòng, dầu gội đầu có chứa coaltar (polytar liquid). Sử dụng dầu gội đầu, tắm có tác dụng bong vảy, sạch da nhưng kém hiệu quả hơn corticosteroids. Thuốc có mùi hôi, làm bẩn da và quần áo nên không phổ biến với các bệnh nhân.

Salisylic acid dạng mỡ, kem, gel 2%, 5% có tác dụng bạt sừng mạnh thường được dùng phối hợp với corticosteroids, coaltar hiệu quả điều trị sẽ cao hơn.

Thuốc điều trị toàn thân

Được chỉ định cho những trường hợp vảy nến thể nặng (đỏ da toàn thân, thể khớp, thể mủ) và phải có sự theo dõi  chặt chẽ của thầy thuốc tại bệnh viện như:

Methotrexate: ức chế hệ miễn dịch làm chậm quá trình phân bào. Thuốc có 2 dạng uống và tiêm, không dùng cho người bị bệnh gan, phụ nữ có thai vì thuốc có hại cho tế bào gan và máu, có thể gây quái thai.

Retinoid (soriantane, tigason) là một dạng của  vitamin A acid được chỉ định cho các trường hợp vảy nến nặng.

Cyclosporine là thuốc ức chế miễn dịch làm chậm quá trình phân bào của tế bào da do vậy nhanh chóng làm sạch vảy, được chỉ định cho các trường hợp nặng, kháng lại các phương pháp điều trị khác. Thuốc gây độc cho thận và gây tăng huyết áp, do vậy bệnh nhân phải được theo dõi điều trị tại bệnh viện.

Alefacept (amevie) và etanercept (enbrel) là chế phẩm sinh học cũng có tác dụng rất tốt với bệnh vảy nến.

Quang hoá trị liệu gồm các liệu pháp:

Tắm nắng: Trong ánh nắng có tia cực tím (UV), khi hấp thụ vào da có tác dụng ngăn chặn tiến triển của bệnh, làm giảm viêm, chậm quá trình sừng hoá.

UVB (tia cực tím nhóm B): Liệu pháp này có hiệu quả tốt cho vảy nến  thể nhẹ và thể trung bình và những thương tổn kháng lại liệu pháp tại chỗ. Hiện nay ứng dụng UVB với bước sóng hẹp hiệu quả điều trị sẽ cao hơn.

PUVA (phối hợp thuốc uống proralen và tia cực tím nhóm A): UVA (tia cực tím nhóm A) có bước sóng dài được hấp thu sâu hơn UVB còn proralen làm cho da tăng nhạy cảm với ánh nắng.

Hiệu quả của  PUVA cao hơn UVB, tuy nhiên liệu pháp này có một số tác dụng phụ như đau đầu, mệt mỏi, nóng rát và ngứa. Bệnh nhân sau khi uống proralen nên đeo kính râm và tránh ánh nắng trong 2 ngày. Tuy nhiên nếu điều trị PUVA kéo dài sẽ có nguy cơ ung thư tế bào gai và u hắc sắc tố da. Phối hợp PUVA với uống retinoid hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn.

BS. Đỗ Xuân Khoát

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]