Chữa chai chân: Nên khoét bỏ hay chữa mẹo?

GiadinhNet - Trời nửa nóng nửa lạnh làm người bị chai chân đau đớn từng bước đi. Đến bệnh viện khoét bỏ thì sợ, nên phần lớn muốn tìm cách chữa mẹo dân gian.

0

Vì sao

Những nốt chai chân như những hạt cát, hạt sỏi nhỏ cộm lòng bàn chân khiến mỗi bước đi thấy đau nhức, càng phát đau khi thời tiết mưa nắng, ẩm ướt thất thường.

Anh Đặng Văn Hoan (phố Đội Nhân, Hà Nội) nổi tới 13 cục, đau không thể chịu nổi nữa anh mới đi bệnh viện để chữa chai chân và được bác sĩ khoét bỏ (mổ) luôn mấy cục chai đó. Trong tổ chức chai đó đều có nhân cứng – vốn là những dị vật bàn chân giẵm phải nhiều năm nay giờ phát ra khiến đau buốt mỗi khi giày dép ma sát với vết chai.

Anh bảo lòng bàn chân có nhiều dây thần kinh chạy qua, nên dù là tiểu phẫu cũng làm anh phải băng chân và tập tễnh cả tuần mới đi lại được.

Ảnh minh họa.

Chị Phạm Thị Châm (Thanh Miện, Hải Dương) thì dùng đầu quả mướp chà vào các vết chai, rồi dùng cả kìm cắt da, bôi thuốc tây... vẫn không khỏi, mà nốt chai còn cứng và to hơn với nhiều vết mới, đi lại rất khó khăn.

Chị Đỗ Thị Thanh (Đồng Hỉ, Thái Nguyên), có 2 nốt chai mọc ngay kẽ ngón út, không thể đi giày nhọn mũi được.

Triệu chứng chai chân

Nốt chai chân được tạo thành do một lớp da ở chân bị chai cứng, da dày, màu vàng lợt, sờ cộm, bóp không đau, nhưng bị đau mỗi khi bị tì, đè, hoặc đi giầy dép. Hay gặp ở vị trí đầu xương bàn chân.

Theo các bác sĩ da liễu, chai chân, mắt cá, còn gọi là mắt cá, kê nhãn... ở lòng bàn chân là được một số lương y gọi là chân sinh kén già dễ chìm sâu vào trong thịt, bên ngoài thì lại nổi lên rất đau gây khó khăn khi đi lại.

Nguyên nhân chai chân

Chai chân dễ nhận thấy. Khi có vùng da ở chân dày cứng khác thường, có khi biểu bì sưng tấy – là đã bị chai chân. Hoặc do sự đè ép mạnh và kéo dài, lặp đi lặp lại. Hoặc do dị vật chìm trong da thịt gây nên; Phần nhiều nữa là do đi giầy chật, đế giày dép quá cứng đã gây tì đè, ma sát bàn chân. Chỗ chân cọ xát hàng ngày bị cứng lại và dày lên.

Chai chân bắt đầu hình thành là các vết nhỏ ở các ngón chân, gan bàn chân… nếu không chữa trị có thể lan rộng và gây đau đớn.

Ảnh minh họa.

Mẹo chữa chai chân

Trong dân gian có nhiều mẹo trị nốt chai chân lâu ngày, ít tốn kém và không để lại nỗi “sợ” cho người bị chai chân.

Vết chai ở bàn chân, chị Châm cho biết, sau khi dùng nhiều cách vẫn không khỏi, chị đã được một y sĩ đông y hướng dẫn cách ngâm bàn chân vào nước muối ấm để tế bào chai cứng mềm hơn, dễ bóc ra. Chị đã làm đều đặn liên tục nửa tháng, mỗi lần nốt chai chân mềm và trợt dần, chỉ cần cào nhẹ cũng bong. Sau 2 tuần thì không thấy đau nữa.

Chị Thanh chia sẻ, đồng bào dân tộc có cách chữa chai chân rất hiệu quả bằng cách lấy củ hành tím giã nhuyễn, rịt vào vết chai, băng lại (làm trước khi đi ngủ). Sau 3 ngày là nốt chai bớt buốt, sau đó rụng và lên da non. 10 ngày sẽ hết đau.

Ngoài ra tùy vùng miền còn có mẹo trị các nốt chai chân khác như:

- Trộn 4 thìa đường đỏ, 4 thìa dầu hạnh nhân (hoặc dầu ô liu), thêm vài giọt dầu bạc hà (hoặc bạc hà tươi) trộnđều, bôi lên vùng da chân bị chai vài lần sẽ đỡ đau.

- Nước ép của cùi, hoặc đu đủ bôi lên vùng da sần khoảng 15 phút, rồi mát xa và rửa sạch với với nước ấm cũng giúp da mềm nhiều.

- Với vết chai phồng rộp quanh gót chân làm mềm bằng cách ngâm chân vào chậu nước nóng sau khi tắm, hoặc dùng nước đá chườm rồi bôi kem dưỡng da làm mềm da.

- Hoặc thoa dầu của cây thầu dầu, dầu dừa, dầu oliu lên vết sần 3-4 lần/ngày để làm mềm lớp da chai.

- Lấy cùi hay nước ép của trái đu đủ bôi lên vùng da sần.

- Dùng một chiếc khăn mềm hay bông gòn thấm nước cốt chanh rồi sau đó thấm lên chỗ sần.

- Dùng bột nghệ trộn lẫn với mật ong đắp lên chỗ chai.

Ngăn ngừa chai chân

Theo lương y Dương Xuân Mến (Phòng khám đông y 195 Láng Hạ, Hà Nội) trên đây chỉ là những mẹo dân gian chữa chai chân, người hợp có thể khỏi, người không hợp thì không khỏi. Nhưng nếu chỗ chai chân tiếp tục gây đau, cần tới bệnh viện khám để được tiểu phẫu, diệt trừ tận gốc mới hết đau đớn.

Để ngăn chặn chai chân cần giữ da chân luôn được mềm mại, bằng cách dùng kem bôi dạng gel có chứa vitamin A, giúp tăng độ đàn hồi cho da, bôi sau khi tắm.

Nên đi giày, dép vừa chân để bàn chân, ngón chân không bị gò bó, ngăn chặn hình thành chai. Hoặc nếu phải đi giày dép cứng, đi đường dài nên dùng vật đệm vào chỗ dễ bị chai chân.

Bị chai chân không nên:

- Không nên dùng kìm cắt những lớp da sần, hoặc dùng vật nhọn chọc, nạy nốt chai chân vì rất dễ chảy máu, kích thích da tái chai và bị chai cứng nhanh hơn.

- Dùng vải bông, đế lót giày mềm để dịu bớt đau đớn của chai chân. Đế giày dép mềm còn giảm thiểu mọc chai.

- Để tránh chai mọc lại, hạn chế để da tiếp xúc nhiều đến những vật dụng dễ gây ra chai da, bổ sung vitamin E, dưỡng ẩm, nước để cần thiết da luôn mềm mại.

- Tránh đi chân đất, giữ sạch và dưỡng ẩm cho chân để chấm dứt bệnh chai chân.

Uyển Hương/Báo Gia đình & Xã hội

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]