'Chưa có dấu hiệu bùng phát dịch viêm não mô cầu'

15.5823

Đây là nhận định của Phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước thực tế nhiều người lo ngại khi liên tục xuất hiện các ca bệnh viêm não mô cầu tại TP HCM và Hà Nội...
>

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh: sốt cao đột ngột, nôn, đau đầu, cổ cứng... Ảnh: BSCC.

Trong năm nay, bệnh viêm não mô cầu đã xuất hiện tại 5 địa phương, ngoài 2 thành phố lớn trên còn có thêm Bình Dương, Bình Phước, Long An. Đặc biệt, tại TP HCM đã ghi nhận 12 bệnh nhân.

Tuy nhiên, theo phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển thì đây cũng là diễn biến như thường xảy ra hàng năm chứ chưa có gì là "nóng" hơn. Các ca bệnh xảy ra rải rác tản phát, chưa phát hiện ổ dịch nào. Nghiên cứu giám sát vi khuẩnn học những người sống gần bệnh nhân viêm não mô cầu ở huyện Mê Linh (Hà Nội) trong tuần qua cũng không phát hiện trường hợp người lành mang vi trùng bệnh nào.

Tại Việt Nam, viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu là một bệnh tương đối phổ biến, đứng thứ ba trong các căn nguyên gây viêm màng não mủ do vi khuẩn. Bệnh thường xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ, đặc biệt 3-12 tháng tuổi và có thể gây bùng phát dịch ở thanh thiếu niên sống trong cộng đồng khép kín như trường nội trú, doanh trại quân đội.

Trong vòng 10 năm trở đây, trung bình hàng năm nước ta có khoảng 650 trường hợp viêm màng não mủ do vi khuẩn, trong đó vi khuẩn não mô cầu chiếm khoảng 14%, phó giáo sư Hiển cho biết.

Đặc biệt, theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ người lành mang vi khuẩn não mô cầu là khá cao, có thể lên tới 35%. Bình thường, ở những người khỏe mạnh, vi khuẩn gây não mô cầu có thể nằm sẵn trong họng nhưng không có hiểu hiện bệnh lý.

"Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao vào mùa xuân, do yếu tố thời tiết mưa, ẩm, lạnh dễ làm giảm sức đề kháng. Đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn đang nằm sẵn trong họng gây bệnh", phó giáo sư Hiển phân tích.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với các hạt nước bọt và dịch tiết mũi họng của bệnh nhân. Vi khuẩn dễ bị diệt bởi các thuốc khử khuẩn thông thường.

Vì thế, để phòng bệnh, theo phó giáo sư Hiển, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, xúc họng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuản mũi họng thông thường... Ngoài ra có thể tiêm vắcxin phòng bệnh. Trên thị trường Việt Nam có nhiều loại, có thể chứa từ 1 đến 4 nhóm kháng nguyên khác nhau của vi khuẩn não mô cầu. Tùy loại có thể tiêm cho trẻ từ 3 tháng tuổi hay lớn hơn, tiêm 1 hay 2 liều, tiêm bắp hay tiêm dưới da...

Điều cần lưu ý là, không được tiêm cho người quá mẫn với bất cứ thành phần nào của vắcxin, các trường hợp sốt, nhiễm khuẩn cấp tính và dị ứng đang tiến triển và các bệnh mãn tính cũng không được tiêm. Cần thận trọng khi tiêm cho phụ nữ mang thai trừ khi thật cần thiết và nguy cơ dịch tễ học cao.

Sau khi não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể, thời gian ủ bệnh thường là 3-4 ngày. Khi thấy sốt cao, đau họng, đau đầu, cổ cứng, nôn... thì người dân cần đi khám ngay để được chẩn đoán sớm và điều trị đúng, tránh dẫn biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong...

Phương Trang

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]