Chưa có nghiên cứu kiểm định công dụng của cây lọc không khí

GiadinhNet - Gần đây, nhiều người bị thu hút bởi sự xuất hiện cây không khí với tác dụng lọc không khí, cải thiện môi trường sống. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Văn Thụy – Chủ nhiệm bộ môn Sinh thái môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) ở nước ta hiện chưa có nghiên cứu kiểm định công dụng của loại cây này.

0

 

Hiện chưa có nghiên cứu kiểm định công dụng của loại cây lọc không khí như tin đồn. Ảnh minh họa

 

Cây sống không cần đất

Chị Huỳnh Thị Kim Vy – Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn hoa cho biết, cây không khí hiện được rất nhiều người mua trang trí tiểu cảnh trong gia đình. Ở nước ta hiện có trên 10 loại cây không khí được nhập và bày bán. Cây có tên khoa học là Tillandsia (lấy tên của nhà thực vật học phát hiện ra cây - TS Elias Erici Tillandz, người Phần Lan), tên tiếng Anh là Airplant - một giống cây khí sinh sống bằng không khí và nước.

Theo chị Kim Vy, gọi là cây không khí vì loại cây này không cần đất, chỉ treo lơ lửng trên không mà vẫn sống được. Người trồng cũng chỉ cần phun nước mà cây vẫn phát triển tốt như trồng dưới đất và có bộ rễ xanh um. Điều mà loại cây này thu hút khách hàng chính là đặc điểm rất dễ chăm sóc, cây có thể được trồng ở bất kỳ đâu và bất kỳ chất liệu nào như cây mục, cành khô, trên đá, trong bình thủy tinh… cũng đều sinh trưởng tốt.

Không chỉ ở TP HCM, loại cây không khí này cũng được người dân Hà Nội chú ý. Chị Phương - chủ một cửa hàng cây cảnh ở Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Cây không khí được biết đến chủ yếu ở miền Nam nhưng hiện ngày càng nhiều người ngoài Bắc tìm mua. Ban đầu tôi chỉ mua theo yêu cầu của khách hàng, số lượng mỗi tháng chỉ vài chục cây. Song hiện có rất nhiều người ưa chuộng, có lúc cây nhập về không kịp để bán”. Bình quân mỗi ngày chị Phương bán lẻ vài chục cây, thậm chí có nhiều đơn hàng đến vài chục triệu đồng. Trung bình một cây cỡ ngón tay út có giá khoảng 50.000 – 300.000 đồng tùy vào cây được trang trí.

“Loại cây này sinh trưởng nhờ hấp thụ nước và các chất dinh dưỡng từ không khí bằng cách tổng hợp thông qua lá nên không cần phải chăm sóc nhiều, thích hợp với người ít có thời gian mà yêu cây xanh. Mỗi tuần chỉ cần tưới nước một lần. Nếu muốn cây phát triển mạnh hơn thì thêm một ít phân bón lá vào nước trước khi tưới. Thậm chí nếu treo cây trong phòng tắm có độ ẩm cao thì không cần tưới cây vẫn xanh tươi”, chị Phương giới thiệu.

Giá bán cây không khí trên thị trường khá rẻ, giao động ở mức vài chục đến hàng trăm nghìn đồng. Hình dáng cây cũng phong phú tùy từng loại. Đa phần cây không khí ở nước ta được nhập ở Thái Lan với các loại như cây không khí tóc tiên, hồng hạnh, thiên thần, sao mai… Để thu hút khách hàng, nhiều chủ hàng còn trang trí cây trong những bình treo thủy tinh xinh xắn, trong vỏ ốc, lon bia hay trên các giá thể thân cây gỗ… Khi đó, giá có thể giao động từ 100.000 đồng đến trên dưới triệu đồng tùy loại.

Theo chị Kim Vy, dù cây không khí rất dễ trồng nhưng cũng cần lưu ý. Cây phát triển tốt ở nhiệt độ từ 10 - 35oC . Mỗi năm cây có thể ra hoa 1 – 2 lần. Để cây ra hoa đòi hỏi cường độ chiếu sáng liên tục nhưng không phải ánh mặt trời trực tiếp hoặc nơi quá nóng. Cây không khí được tưới dưới dạng phun sương như lan khoảng tuần/lần vì thế không nên tưới quá nhiều khiến chúng bị úng không thoát được hơi nước gây thối. Những cây đặt gần hồ nước thì không cần phải tưới hay phun vì lá của chúng đã hấp thụ đủ nước. Nên tưới cây vào buổi sáng thay vì ban đêm vì đêm là thời điểm cây hấp thụ khí carbonic để sinh trưởng. Nếu tưới cây ban đêm sẽ làm cây khó hấp thu khí và sinh trưởng kém. Khoảng 15 - 20 ngày có thể hòa phân bón lá ở dạng loãng và phun lên cho cây, các cây có hoa thì không nên phun nước và phân bón lên hoa để đảm bảo cho màu sắc hoa, giữ cho hoa lâu tàn.

Chưa có nghiên cứu kiểm định

Theo các chuyên gia sinh vật cảnh, cây không khí thuộc họ khóm Bromeliaceae. Cây có hình dáng bên ngoài gần giống cây dứa. Trên thế giới, cây không khí có tới gần 600 loài cùng họ với nhau. Loại cây này cũng đã được nghiên cứu có tác dụng thanh lọc không khí. Ở nhiều nước trên thế giới, loài cây này được trồng rất nhiều trong nhà và trong văn phòng làm việc.

Tại Trường Đại học Florence (Italia), các nhà thực vật học đã ươm và gieo trồng thử nghiệm cây Tillandsia trong nửa năm trên đường vành đai rất ô nhiễm vì khói bụi và khí thải của Florence. Kết quả, sự ô nhiễm, khói bụi của con đường này đã được kiểm soát. Một trong số các chất độc hại gây ô nhiễm trong không khí mà cây Tillandsia có tác dụng hấp thụ là benzopyrenes (chất khuyến cáo gây ung thư) được sinh ra từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn của xăng và dầu diesel trong các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy… Ngoài ra, chúng có thể lọc nguồn chất độc hữu cơ, khử mùi khét, mùi xăng, thịt nướng… Theo phân tích trong 1 kg cây Tillandsia có chứa khoảng 0.2 mg metabolizzandoli, chúng có tác dụng hấp thụ và chuyển hóa những chất độc hại trong không khí thành chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống của chính cây.

PGS.TS Trần Văn Thụy cho rằng, những cây cảnh có khả năng thanh lọc không khí trên thế giới đề cập không nhiều. Việc trồng một hay vài cây chưa thể đạt được mục đích cải thiện môi trường, thanh lọc không khí. Muốn biết loài cây này có khả năng thanh lọc không khí và thanh lọc đến đâu cần phải được nghiên cứu nhưng ở nước ta hiện chưa có nghiên cứu kiểm định. Những loài thực vật sống trong nước chỉ thị cho môi trường sạch thì đã có công trình nghiên cứu đưa ra như cây rong đuôi chồn, rong mái chèo…

 

“Trước khi trồng cây kiểng nào, người dân nên tìm hiểu kỹ tài liệu về chúng. Bởi thực tế có nhiều cây gây độc. Chẳng hạn như cây vạn tuế có thời gian người tiêu dùng ưa chuộng thường đưa cây vào nhà nhưng lông của lá bào tử nếu hít phải lại dễ gây bệnh nhũn não”.

PGS .TS Trần Văn Thụy

Hà My

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]