Chưa già, có nên viết di chúc?

GiadinhNet - Nguyên nhân chủ yếu khiến cha mẹ già bị đẩy ra khỏi nhà là do con cái tranh chấp tài sản thừa kế.

0
Theo luật sư Trần Chí Thanh, Văn phòng luật sư Tâm Đức (Hà Nội) cho hay. Định đoạt tài sản thừa kế bằng văn bản hoặc viết di chúc trước khi chưa quá già là việc mà các bậc cha mẹ cần làm để phòng tránh những bi kịch đáng tiếc.
 
Một người già đã phải nương tựa chùa Bồ Đề lúc cuối đời. Ảnh: PH

Anh em tranh chấp tài sản, cha mẹ bị đẩy ra đường

Luật sư Trần Chí Thanh cho biết, tình trạng người già bị đuổi ra khỏi nhà liên quan đến đất đai và chia thừa kế là không hiếm. Có trường hợp cha mẹ bị chính con cái đuổi ra khỏi nhà, có trường hợp cha mẹ già tự ý bỏ nhà ra đi mà nguyên nhân sâu xa đều bắt nguồn từ việc tranh chấp tài sản thừa kế giữa các con với nhau. Từ mâu thuẫn giữa các con dần chuyển sang mâu thuẫn giữa các con với bố mẹ khi con cái tạo áp lực để bố mẹ thể hiện quan điểm về việc chia đất đai.

Không ít người già do không đồng ý chia đất theo ý các con nên dẫn đến mâu thuẫn với con. Mâu thuẫn khiến cho cha mẹ già phải suy nghĩ, phải sống trong mệt mỏi. Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, các cụ không thể chịu đựng được nên đã bỏ nhà ra đi. Có người đến ở nhà con gái, có người tìm đến ở nhờ nhà anh em bà con, chỉ một số ít các cụ tìm đến các tổ chức xã hội, các trung tâm bảo trợ xã hội, thậm chí đến nương nhờ cửa chùa (như trường hợp 20 cụ già nương nhờ chùa bồ đề mà Báo GĐ&XH số 26 đã phản ánh). Khi người già đã phải tìm đến nương nhờ nhà chùa thì lúc đó họ đã không còn tài sản, không còn nơi chốn nào để bấu víu nữa.

Để xảy ra những chuyện đau lòng này, theo LS Trần Chí Thanh  là do bối cảnh văn hóa tạo nên. Tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con” vẫn ăn sâu trong quan niệm của xã hội nên nhiều bậc bố mẹ cả đời làm lụng, cả đời tích lũy tài sản chỉ với mục đích để lại cho con và sau này nương nhờ chúng. Cũng từ quan niệm đó nên những người làm con khi lập gia đình đều có tâm lý chung là nhìn vào tài sản của bố mẹ, xem đó đương nhiên là của mình, hoặc mình có phần trong đó. Những tranh chấp tài sản thừa kế khi bố mẹ còn sống khiến cho bố mẹ già phải bỏ nhà ra đi bắt nguồn từ những suy nghĩ như vậy.
Trên thực tế khi giải quyết các vụ tranh chấp tài sản, các luật sư nhận thấy chủ yếu các vụ tranh chấp tài sản xảy ra giữa anh em trong gia đình, chiếm khoảng trên 50 % các vụ án dân sự. Điều đáng nói là việc tranh chấp xảy ra ngay cả khi bố mẹ đang còn sống. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những bi kịch tuổi già hiện nay.
 
Chuyện tế nhị nhưng lại cần rõ ràng

“Hiện tại người dân muốn được tư vấn về pháp lý rất khó, không ai tư vấn hướng dẫn cho họ một cách cụ thể, rõ ràng. Ai muốn được tư vấn chỉ còn biết tìm đến các văn phòng luật sư, mà đến văn phòng luật sư thì không phải ai cũng có điều kiện về kinh tế. Các phường, xã đều có phòng tư pháp trợ giúp pháp lý nhưng họ lại không đủ kiến thức để giải đáp, hướng dẫn cho dân. Vì vậy, muốn giáo dục  phổ biến pháp luật cho người dân thì rất cần có cả một hệ thống tư vấn giáo dục phổ biến pháp luật xuyên suốt, để khi cơ sở không tư vấn được thì sẽ biết hướng dẫn cho người dân đến địa chỉ cần tìm”.
 
LS Trần Chí Thanh
Để tránh được những việc đau lòng như trên, theo LS Trần Chí Thanh, bất cứ ai làm bố, làm mẹ phải có ý thức sớm về vấn đề này. Phải nên nhớ câu “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/ Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Khi tạo lập được tài sản lớn như nhà cửa, đất đai thì phải định đoạt trước để không bị dồn vào bước đường cùng phải ra khỏi nhà. Nếu có chia tài sản cho các con thì nên chia đều và giữ một phần cho mình. 

Đối với các bậc cha mẹ, khi có ý định để lại tài sản cho con thì nên làm theo hai cách sau: Thứ nhất nếu con cái hòa thuận đồng lòng thì nhân một dịp thuận lợi nào đó, khi anh em đang vui vẻ thì bố mẹ sẽ nêu vấn đề ra. Rằng, bố mẹ có tài sản này, chia cho con gái thế nọ, con trai thế kia. Nếu con cái đồng thuận vui vẻ thì viết luôn một văn bản gọi là “văn bản thỏa thuận về việc phân chia tài sản”, văn bản đó có sự làm chứng của tổ trưởng tổ dân phố (hoặc trưởng thôn), rồi ra phường (hoặc xã) để đóng dấu xác nhận.

Cách thứ hai là khi bố mẹ nhận thấy con cái có mâu thuẫn thì nên viết di chúc để định đoạt tài sản thừa kế của mình. Cha mẹ nên làm việc này ngay cả khi chưa quá già. Bởi  tuổi già như ngọn đèn trước gió, lúc sáng lúc tối, không biết sống chết lúc nào nên phải chuẩn bị trước. Tài sản là một việc tế nhị nhưng lại cần rõ ràng để tránh những phiền lụy, hệ lụy cho con cái và cho chính bản thân mình. Nếu việc chia tài sản thừa kế được chuẩn bị cẩn thận từ sớm thì cha mẹ sẽ tránh được những bi kịch đau lòng do con cái gây nên.
An Khê
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]