Bác sĩ  Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM đã đưa ra nhận định như thế tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch của Sở Y tế TP.HCM vào chiều nay (22.4).
 Người dân chưa hợp tác kiểm soát yếu tố nguy cơ
Theo ông Dũng,  sở dĩ dịch bệnh sốt xuất huyết  đến thời điểm này của năm 2015 tăng đến 42 % so với cùng kỳ là do đỉnh dịch sốt xuất huyết năm 2014 đến muộn. “Thường mỗi năm, đỉnh dịch lùi lại 1 tháng nên năm 2014, dịch sốt xuất huyết lên đỉnh đến tận tháng 1.2015, sau đó mới bắt đầu giảm dần. Do đó, đến thời điểm này, ngay vào giữa mùa khô dịch sốt xuất huyết ở TP vẫn còn ở mức cao”, ông Dũng giải thích.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP, từ đầu năm 2015 đến nay, toàn thành phố có đến 3895 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái chỉ có 2727 ca mắc sốt xuất huyết.
Mặc dù đến thời điểm này, dịch sốt xuất huyết đã giảm, không còn ở mức 500 ca mắc sốt xuất huyết mỗi tuần như trong tháng 1, nhưng vẫn còn duy trì ở mức cao. Liên tiếp trong 5 tuần gần đây, mỗi tuần đều có khoảng 140 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện.
Vào thời điểm mua khô nước đọng trong các ao tù, hay trong các khu dân cư gần như không còn, nhưng nước đọng trong các vật dụng của những gia đình vẫn còn tồn tại.
"Nhiều chậu hoa, bồn hoa, lọ hoa… trong các gia đình, nhất là những gia đình khá giả, sống trong những ngôi nhà cao tầng, những vật dụng chứa nước trên rất nhiều. Đây thực sự là yếu tố nguy cơ phát sinh lăng quăng- bọ gậy, tạo cơ hội bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết.”,ông Dũng nói.
Hiện nay những chậu hoa, lọ hoa được chưng trong các gia đình đang là yếu tố nguy cơ phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết.
Tuy nhiên điều đáng nói, theo phán ánh của các Trung tâm y tế dự phòng quận – huyện, những gia đình khá giả này, rất ít hợp tác, nếu không muốn nói là không chịu hợp tác với y tế dự phòng địa phương trong việc phun xịt xử lý những yếu tố nguy cơ trên.Trong khi đó, bản thân các hộ gia đình lại không kiểm soát được yếu tố nguy cơ. 
“Thực tế có nhiều gia đình, nhiều  đơn vị, khi lực lượng y tế dự phòng phát hiện có yếu tố nguy cơ phát sinh sốt xuất huyết được yêu cầu xử lý, nhưng khi kiểm tra lại vẫn chưa xử lý, nhưng chúng tôi không có biện pháp nào để chế tài . Vì thế những yếu tố nguy cơ phát sinh sốt xuất  huyết vẫn cứ tồn tại”, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh chia sẻ.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, không phải những nơi có môi trường xanh sạch đẹp là không có sốt xuất huyết. Ngay như Singapore, một đất nước xanh, sạch ,đẹp, nhưng tình trạng sốt xuất huyết ở đây cũng rất cao.
Điều này cho thấy, yếu tố nguy cơ của dịch bệnh sốt xuất huyết chính là trong những ngôi nhà được cho là xanh, sạch đẹp này. Vì thế, người dân phải biết kiểm soát lăng quăng – bọ gậy  trong các vật dụng ở gia đình. Nếu không thì việc phòng chống dịch sốt xuất huyết sẽ rất khó có hiệu quả.
Cũng theo ông Lân, chu kỳ của dịch sốt xuất huyết là từ 3 đến 5 năm. Trong năm 2014 vừa qua là năm thấp nhất của chu kỳ dịch sốt xuất huyết. Do đó năm 2015 này sẽ rất khó để có thể không chế dịch sốt xuất huyết xuống thấp hoặc bằng với năm 2014.
Nếu không thực hiện sẽ có biên pháp chế tài 
Đứng trước thực trạng trên, Trung tâm Y tế Dự phòng TP đã đưa ra các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết ngay trong mùa khô này. Trong đó, ngành y tế dự phòng TP sẽ tập trung vào 2 vấn đề, đó là chiến dịch truyền thông và kiểm soát các điểm nguy cơ.
Theo ông Dũng, việc truyền thông không chỉ truyền thông cho người dân mà còn truyền thông cho cả cán bộ, đảng viên, viên chức và các Hội ban ngành đoàn thể. Đồng thời, nghành y tế sẽ có tờ trình đề xuất UBND TP phát động chiến dịch truyền thông về sốt xuất huyết; tham mưu bằng văn bản để UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể cùng tham gia chiến dịch truyền thông vận động người dân kiểm soát các yếu tố nguy cơ nơi mình đang sống.
Nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM  
Về vấn đề kiểm soát các điểm nguy cơ, ông Dũng cho biết, thay vì trước đây việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ chỉ là do các cán bộ y thì nay nay sẽ phát phiếu điều tra đến từng hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp…Từ đó, những đơn vị này tự đánh các yếu tố nguy cơ nơi mình đang cư ngụ và cam kết xử lý triệt để các yếu tố nguy cơ. Sau đó, ngành y tế địa phương sẽ kiểm tra, nếu không thực hiện đúng như cam kết sẽ có biện pháp chế tài.
“Chúng ta phải làm sao có hiệu quả, chứ không như các năm trước, cứ làm theo phong trào, không mang lại hiệu quả gì trong việc phòng chống dịch bệnh”, ông Dũng nói.
Để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết có hiệu quả, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề nghị, Trung tâm Y tế Dự phòng TP phải nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết một cách vững chắc, tạo cho người dân ý thức được việc phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết ngay trong gia đình mình.
Trong đó, ngành y tế dự phòng TP cần tập trung vào  8 quận- huyện ( quận 8, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Tân Bình, quận Thủ Đức và huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh)- nơi có số ca mắc các bệnh truyền nhiễm chiếm đến 50% của TP.
“Mỗi tháng Trung tâm Y tế Dự phòng các quận – huyện phải tự kiểm tra, đánh giá về tình hình dịch bệnh và báo cáo lên Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Từ kết quả đó, mỗi tháng Trung tâm Y tế Dự phòng TP phải báo cáo về Sở Y tế TP để sở Y tế có kế hoạch kiểm tra”, ông Hưng đề nghị.
Hồ Quang