Chữa kinh bế, u xơ tử cung bằng cánh kiến đỏ

SKĐS - Tử trùng giao, tên dân gian là cánh kiến đỏ, tên thuốc trong y học cổ truyền là tử giao, xích giao, tử khoáng, tử thảo nhung, tử ngạnh, hoa một dược, là nhựa của tổ con rệp (bọ rùa) cánh kiến đỏ.

15.5958

Tử trùng giao, tên dân gian là cánh kiến đỏ, tên thuốc trong y học cổ truyền là tử giao, xích giao, tử khoáng, tử thảo nhung, tử ngạnh, hoa một dược, là nhựa của tổ con rệp (bọ rùa) cánh kiến đỏ.

Cánh kiến đỏ (Laccifer lacca Kerr) thuộc họ cánh kiến đỏ (Lacciferidae), là một loài côn trùng có kích thước nhỏ, thân dài 1,5-2mm ở con đực, 4,5-5mm ở con cái, đầu có một đôi râu chẻ đôi, miệng có vòi để hút nhựa cây. Ngực chia 3 đốt, mỗi đốt có 2 chân phủ đầy lông, phần chót có 2 lông đuôi dài, mảnh và cứng. Cả con đực và con cái đều không có cánh, màu đỏ da cam. Ở dạng ấu trùng, chúng có màu đỏ, kích thước khoảng 0,25-0,5mm.

Rệp cánh kiến đỏ phân bố ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, nó xuất hiện phổ biến ở Tây Bắc (Lai Châu, Sơn La), Việt Bắc (Tuyên Quang, Hà Giang), Khu 4 cũ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk) và Tây Nam Bộ (Tây Ninh). Sống chủ yếu trên cây đậu chiều, cọ phèn, vải, táo ta, đề... Sau 3 lần lột xác, ấu trùng trở thành rệp trưởng thành, hút nhựa của cây chủ, rồi chính nó lại tiết nhựa để làm tổ. Nhựa được tiết ra từ các tuyến trên lớp kitin phủ kín thân rệp trừ vùng lỗ thở và hậu môn.

Rệp cánh kiến đỏ.

Vào tháng 4-5 và tháng 9-10 hằng năm, người ta thu hoạch nhựa cánh kiến đỏ bằng cách cắt những cành có nhựa bao quanh, đem về, gỡ lấy lớp nhựa, dùng bông hoặc vải thấm nước, lau sạch nhiều lần mặt trong, rồi phơi chỗ thoáng gió, râm mát cho khô (không được phơi nắng vì nhiệt độ cao sẽ làm nhựa chảy mềm, kết lại thành cục gây kém phẩm chất). Đó là những phiến dài, nửa hình trụ, dày mỏng không đều, mặt ngoài nhăn nheo, lấm tấm, có màu nâu cánh gián, bên trong màu đỏ tía, chứa 75% nhựa đặc nguyên chất, 4-6% sáp, 6,5% chất màu, 9,5% tạp chất. Thành phần hóa học gồm các chất cao phân tử của acid shellolic và acid aleuritic, tanin, chất sáp là ester của các alcol tachardiacrol và laccerol, chất màu là acid laccaic, một dẫn xuất của anthraquinon có màu đỏ.

Dược liệu tử trùng giao có vị đắng, hơi ngọt mặn, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, hoạt huyết, chữa bạch đới, phụ nữ sau khi sinh bị chóng mặt, chân tay rã rời, ban chẩn, tê liệt. Liều dùng hằng ngày: 4-8g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác để chữa kinh bế, tích huyết thành báng máu, hòn cục hay u xơ tử cung sinh rong huyết: Tử trùng giao 50g, hồi đầu thảo 30g, nga truật 30g; tất cả phơi hoặc sấy khô, tán bột, rây bột mịn; ngày uống 8-10g chia làm hai lần.

Dùng ngoài, tử trùng giao tán bột mịn, bôi xoa chữa mụn nhọt, hắc lào, ghẻ lở. Dung dịch cồn 5% tử trùng giao dùng chấm vào răng để phòng và trị đau nhức răng, sâu răng. Có thể dùng tử trùng giao làm tá dược để bao thuốc viên chống ẩm.

Chú ý: Tránh nhầm với cánh kiến trắng (Styrax tonkinensis Pierre) là một loài thực vật cho nhựa màu trắng trong với tên thuốc là an tức hương, cũng được dùng làm thuốc chữa bệnh.

TTƯT.DSCKII. Đỗ Huy Bích

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]