Chưa mắc bệnh, chưa sợ

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về việc phát hiện virut Hanta trên chuột cống ở thành phố Hồ Chí Minh có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.

31.1753

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về việc phát hiện virut Hanta trên chuột cống ở thành phố Hồ Chí Minh có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Và thực tế, đã có một trường hợp nhập viện điều trị với những triệu chứng nguy kịch. Tại đồng bằng sông Cửu Long, dù chưa phát hiện bệnh nhân nhiễm virut Hanta từ chuột nhưng thói quen sử dụng thịt chuột làm thức ăn cũng như bày bán chuột sống trong nội ô thành phố là những nguy cơ tiềm ẩn có thể lây lan nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm.

Nằm cạnh đường Quang Trung, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, điểm bán chuột sống này đã tồn tại nhiều năm qua. Khi có yêu cầu, người chủ sẽ đáp ứng bằng cách làm thịt tại chỗ. Phụ phẩm như đầu, da được cho vào bọc, còn nước rửa thì được đổ thẳng xuống miệng cống. Trước thông tin chuột bị nhiễm virut Hanta gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chủ của những điểm bán chuột này vẫn bình thản như không. Ông Nguyễn Thanh P. - Người bán chuột ven đường ở TP. Cần Thơ cho biết: “Tôi bán chuột từ khoảng 3 năm nay rồi, tui bị cắn hàng ngày, có khi một ngày bị cắn 2 - 3 lần cũng không sao. Chuột cắn chỉ bị ra máu chút đỉnh thôi, tui bị cắn hàng chục lần mà có bị sốt, bị sao đâu?. Ông Lê Thành Dũng, một người bán chuột khác cho biết, chuột cắn mà bị bệnh thì đã không còn đứng đây mà bán hàng...

Một thương lái đang vận chuyển chuột về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tiêu thụ.
Tại các vùng quê hay dọc theo một số tuyến đường ở nội ô thành phố Cần Thơ, không khó để bắt gặp những điểm bán chuột như thế này. Hầu hết họ đều sử dụng tay không, tiếp xúc với chuột mỗi ngày. Trong khi đó, công tác cảnh báo virut Hanta lây qua người ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo và người dân vẫn coi như chuyện ở đâu đâu.

Sự chủ quan của người dân là thế, nhưng theo khuyến cáo của ngành y tế, bệnh do virut Hanta gây ra có thể gây sốt cao, suy thận dẫn đến tử vong. Giữa tháng 10 vừa qua, ở thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan y tế cũng đã phát hiện trường hợp nhiễm bệnh. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, dù chưa phát hiện bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng theo ThS. Lê Công Hành, Phó Trưởng Bộ môn Truyền nhiễm - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, nguy cơ lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra, theo BS. Lê Công Hành, người tiếp xúc trực tiếp với chuột bệnh, chẳng hạn như có thể tiếp xúc với nước bọt của chuột, hay bị chuột cắn, hoặc là người ta tiếp xúc với môi trường nhiễm phải phân chuột, nước tiểu chuột thì sẽ khởi phát thành bệnh. BSCKI. Trần Văn Tuấn - Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh và vắc-xin sinh phẩm Trung tâm Y tế dự phòng TP. Cần Thơ cho biết, trước tình trạng này, chúng tôi đã tuyên truyền đến người dân, khi tiếp xúc với chuột cần phải đeo găng tay, đeo khẩu trang hoặc mang ủng để tránh chuột cắn, tránh lây bệnh.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, có hàng trăm loại virut nguy hiểm sống ký sinh trên mình chuột. Tuy nhiên, do tập quán sử dụng chuột làm thức ăn nên chuột vẫn được bày bán công khai tại các khu dân cư. Nguy hiểm hơn là cả người bán, người mua đều vô tư tiếp xúc mà không đeo găng tay hay khẩu trang bảo hộ. Nguy cơ lây nhiễm những loại dịch bệnh trong đó có virut Hanta hoàn toàn có thể xảy ra từ những điểm bán chuột như thế này.

Mạnh Hà


 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]