Chuẩn bị nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi

Thực hiện chủ trương đào tạo kỹ thuật viên điều dưỡng cung ứng theo đơn đặt hàng của nước ngoài, ngày 3/8/2012, trường Trung cấp Quang Trung TP.HCM phối hợp cùng Hiệp hội hỗ trợ chăm sóc và phúc lợi xã hội cho người già và người tàn tật châu Á của Nhật Bản đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế "Chăm sóc người cao tuổi và đào tạo nhân lực ngành chăm sóc" tại TP.HCM.

15.6051

GS Ryoutaro Katsura, ĐH Ritsumeikan - Nhật Bản (trái) phát biểu tại hội thảo

Tham dự hội thảo có 20 nhà khoa học của Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua hội thảo, các bên chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc người già, người tàn tật tại nước mình và nhũng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 18% dân số là người cao tuổi, tỷ lệ dân số cao tuổi của Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn được gọi là “thời kỳ già hóa dân số” sau năm 2017 và trong 2 thập kỷ tiếp theo sẽ là giai đoạn “dân số già”.

Mặt khác, ở Việt Nam, hầu hết người cao tuổi đều sống ở nông thôn với tỷ lệ 81,2%, chỉ có 18,8% sống ở thành thị; 16-17% người cao tuổi có lương hưu và số được hưởng trợ cấp rất ít. Một cuộc điều tra sức khỏe người cao tuổi mới đây cho thấy có tới 95% người già có bệnh tật; trong đó có khoảng 55% người mắc bệnh kinh niên mãn tính, đau ốm thường xuyên.

Người già có sức khỏe khá và tốt chỉ chiếm 5,7%, số người có sức khỏe kém là 22,9%. Vì thế, công tác chăm sóc sức khỏe cho người già và xu hướng gia tăng dân số người già đang là những thách thức lớn trong việc chuẩn bị nguồn lực để đón nhận số lượng dân số cao tuổi ngày càng tăng.

Phát biểu tại hội thảo, GS Ryoutaro Katsura đến từ ĐH Ritsumeikan cho biết, hiện nay, tại Nhật, số lượng người cao tuổi đang ngày càng tăng nhanh, hay nói một cách khác là nước Nhật đang ngày một “già đi”. Công tác chăm sóc người già hiện đã thu hút đến hơn 1,3 triệu lao động tại Nhật, nhưng xem ra "cung" vẫn chưa đáp ứng đủ "cầu". Vì vậy, hiện tại Nhật vẫn đang  thiếu hụt khoảng 44 ngàn điều dưỡng viên cho người già, phải trông chờ vào nguồn lao động đến từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Thực tế trên cho thấy, việc hợp tác với Nhật Bản trong công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động đầy tiềm năng này là rất cần thiết đối với các cơ sở đào tạo nghề tại Việt Nam.

Hơn thế nữa, nguồn nhân lực được đào tạo chính quy, đã có kinh nghiệm làm việc thực tế tại Nhật Bản sẽ là một vốn quý cho công tác chăm sóc người già tại Việt Nam trong tương lai.

THU THỦY
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]