Chung cư cũ - làm sao “hoán cốt”?

Chung cư cũ nát, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân và làm xấu cảnh quan đô thị luôn là vấn đề đau đầu đối với các cấp chính quyền thành phố lớn. Tweet

15.586

Ảnh minh họa.

Hiện tính riêng ở Hà Nội, đang có khoảng 1.155 nhà chung cư cũ với tổng diện tích 1,25 triệu mét vuông. Sau 40 - 50 năm sử dụng, có thể dễ dàng nhìn thấy tình trạng xuống cấp xập xệ của những toà nhà “lên lão” này.

Các “cụ” chung cư với hệ thống “chuồng cọp” dày đặc, treo chênh vênh phía ngoài các khu nhà. Không gian bên trong tối, luôn trong tình trạng ẩm thấp và mất vệ sinh. Hệ thống cầu thang bong tróc, chằng chịt tấm ván đỡ, trần nhà có những chỗ trơ cả lõi sắt, tất cả tạo nên một bộ mặt chung cư nhem nhuốc, nhếch nhác. Tình trạng này có thể thấy rõ ở các khu chung cư như P3 Phương Liệt; B6, C7 Giảng Võ; C1 Thành Công (nguy hiểm cấp D), khu E6 Thành Công, A7 Tân Mai (nguy hiểm cấp C)…

Với điều kiện sống kinh khủng như vậy, tuy nhiên, khi có quyết định phải di dời thì tình cảnh chung của các hộ dân lại dùng dằng nửa đi nửa ở, do các khu nhà này đều nằm ở vị trí trung tâm, chợ, bệnh viện, rất thuận tiện cho sinh hoạt, phần nữa nằm ở việc đền bù sau giải phóng chưa thoả đáng.

Xây dựng lại những khu chung cư cũ nát này không còn là câu chuyện nên hay không nên khi tính mạng của cải của người dân đang ngày ngày bị đe doạ, nhưng để thực hiện được cuộc “đại cách mạng” này, chính quyền của các đô thị cần một bước đi mạnh mẽ và dứt khoát hơn.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, thứ nhất, phải có một chính sách cải tạo chung cư cũ phù hợp. Cần quy hoạch các khu chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp theo hướng tổng thể, không làm theo từng dãy nhà riêng lẻ. Quá trình điều chỉnh phải linh hoạt, mềm mỏng phù hợp với từng hoàn cảnh.

Thứ hai, thực hiện chính sách cải tạo chung cư cũ theo phương châm “Cộng đồng dân cư làm chủ, chính quyền đô thị tạo điều kiện và giúp đỡ, doanh nghiệp bất động sản tham gia”. Chính quyền phải giải quyết được những lo ngại của người dân trong quá trình tái xây dựng nơi ở mới, khiến cho dân tin tưởng, từ đó mới tạo được sự đồng thuận, hỗ trợ từ phía người dân.

Thứ ba, cần xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về tuổi thọ công trình phù hợp với thực tế để nắm được các công trình hết niên hạn sử dụng, từ đó xây dựng kế hoạch cải tạo phù hợp.

Cuối cùng, phải xây dựng được một cơ chế,chính sách để thu hút được các nguồn lực tham gia.

Theo Báo Lao Động

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]