Chứng sốt – Nguyên nhân và cách chữa trị

15.599
Sốt hay cơ thể phát nhiệt là triệu chứng thường gặp ở cả bốn mùa. Sốt chỉ là một triệu chứng của rất nhiều bệnh. Khi sốt kèm theo các triệu chứng khác nhau thì sử dụng các bài thuốc khác nhau mới có hiệu quả. Người không học y xin đừng hành nghề, nhưng nên đọc để biết nguyên nhân bị bệnh mà phòng tránh, biết bệnh để khi có thuốc sử dụng thế nào cho đúng, tránh sa đà vào các quảng cáo, các kiểu chữa bệnh giật gân, ly kỳ hoặc lấy thương hiệu nước ngoài để lừa người Việt, làm ô danh các thày thuốc của chính nước họ.

Sốt có thể gặp ở bệnh ngoại cảm: Do tác động của thời tiết (tà khí) trái thường. Sốt cũng xuất hiện do tổn thương các cơ quan bên trong (nội thương). Sốt nhẹ, sốt cao, sốt cơn, sốt vào thời gian nhất định là khác nhau.
Nếu phát sốt sợ rét, mạch nổi (sờ tay là thấy), rêu lưỡi trắng, người bệnh không ra mồ hôi. Đó là cảm phong hàn. Có thể dùng bài thuốc:
Hành củ trắng: 3 củ;        Gừng tươi:       4 lát.
Đường đỏ vừa đủ;            Đun uống nóng.
Nếu sốt lại chán ăn, bụng trướng, rêu lưỡi nhớt đấy là do phong, hàn, thấp. Có thể dùng bài:
Tô diệp: 12g; Cát cánh: 8g; Tiền hồ:10g; La bạc tử: 8g; Hương phụ chế: 12g; Trần bì: 10g; Hành:  3 củ; Cam thảo: 6g
(Sắc uống)
Nếu sốt, bụng đầy, chán ăn, đau mỏi toàn thân, buồn nôn, rêu lưỡi trắng dày nhớt. Đó là phong hàn ở ngoài mà thấp ở trong. Có thể dùng bài:
Ma hoàng: 12g;  Quế chi: 12g; Hạnh nhân:10g; Bạch thược:12g
Trần bì:12g; Thương truật: 8g; Đại phúc bì:12g; Hoắc hương:  10g
Sinh khương: 3 lát ; Cam thảo: 6g
(Sắc uống)
Nếu sốt có ho, rét run. Có thể dùng bài thuốc sau:
Khương hoạt: 10g ; Tang diệp:  12g; Độc hoạt: 12g; Cúc hoa: 8g
Tiền hồ:10g ; Quất hồng: 8g; Bán hạ chế:10g ;Hạnh nhân:  8g
Ngân sài hồ:   12g ; Cam thảo:    4g
Sắc uống.
Nếu sốt, miệng đắng, đau đầu, họng khô, đau lưng, mỏi gối, ho, buồn nôn, hắt hơi chảy nước mũi trong. Đó là do phong hàn tà ở ngoài, ở trong có uất nhiệt. Có thể dùng bài:
Bạch chỉ:        12g              Bản lam căn:     12g
Xuyên khung: 10g             Hoàng cầm:       12g
Hoa kinh giới:   8g             Thạch cao sống: 30g
Khương hoạt:  10g             Đạm đậu xị:       25g
Tiền hồ:          10g             Hạnh nhân:        10g
Còn rất nhiều kiểu sốt và các triệu chứng khác. Có sốt thông thường ta dùng nồi lá xông như: lá tre, lá bưởi, bạc hà, tía tô, lá gừng,…Nhưng có sốt lại cấm xông vì người bệnh quá gầy yếu, ra mồ hôi nhiều, hoặc đang nôn, đang ỉa chảy. Người già gầy yếu, ăn kém mà sốt có khi do rối loạn điện giải, truyền nước điện giải hay uống các loại nước khoáng là hết. Vì vậy cần hiểu sốt là một phản ứng tự vệ tốt của cơ thể. Khi sốt cao gây biến loạn thể dịch hay gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể mới cần dùng kháng sinh. Việc ăn lỏng, ăn chất dễ tiêu để nâng cao sức đề kháng là cần thiết trong chữa bệnh, chữa sốt. Vì “nhân cường, tật nhược” mà.

GS.TS. Dương Trọng Hiếu (suckhoenct.com)




Theo SuckhoeNCT

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]