Chuyên gia bào chế thành công thuốc trị ung bướu từ cây trinh nữ hoàng cung

GiadinhNet - Từ những nhân chứng sống trị bệnh bằng trinh nữ hoàng cung cho thấy, thảo dược này có tác dụng với các bệnh như u xơ tử cung, u xơ tiền liệt tuyến, u vú, u nang buồng trứng…

15.6041

Tiến sĩ - Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã có 15 năm nghiên cứu về cây trinh nữ hoàng cung.

Cha ông ta cũng đã sử dụng trinh nữ hoàng cung để điều trị các chứng bệnh về ung bướu từ lâu. Tuy nhiên mãi đến những năm 90, cây thuốc này mới được các chuyên gia về dược liệu bắt tay nghiên cứu và chứng minh công dụng.

Nhận dạng cây thuốc quý

Trong Y học cổ truyền Việt Nam, từ lâu trinh nữ hoàng cung đã được coi là vị thuốc quý. Tương truyền rằng thời phong kiến, các vua chúa thường thu nạp nhiều mỹ nữ vào chốn hậu cung. Trong số đó, nhiều cô gái trinh trắng cả đời không được vua “dòm ngó” tới mà sinh bệnh phụ khoa... Các ngự y đã dùng một cây thuốc để chữa bệnh cho các trinh nữ này. Về sau, gắn liền với lịch sử chữa bệnh, nó được đặt tên là “Trinh nữ hoàng cung”.

Cây trinh nữ hoàng cung thuộc họ thủy tiên (họ náng), loài thân thảo. Tuy nhiên trong họ náng có tới 7 loại, rất giống nhau về hình dáng thực vật mà nếu nhìn bằng mắt thường sẽ rất khó phân biệt. Vì vậy việc nhận dạng trinh nữ hoàng cung rất quan trọng, bởi uống nhầm cây hay lá từ những cây không rõ nguồn sẽ không có tác dụng hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe như gây ngộ độc, vô sinh… Trinh nữ hoàng cung thân hành, đường kính 10 - 16 cm, bẹ lá úp vào nhau thành thân giả dài khoảng 8 - 15cm, có màu đỏ tía của sắc tố antocyan. Lá cây mỏng hình dải, mép lá nguyên, hơi uốn lượn, dài 70 - 120 cm, rộng 3 - 9 cm, gân lá song song. Khác với lá náng hoa trắng là mặt dưới, giữa sống lá có một gờ sắc nhỏ chạy dọc theo lá. Cán hoa dài 20 - 50 cm, trên đầu mang 10 - 20 hoa hợp thành tán, có bẹ hình tam giác màu xanh ve, dài 5 - 7 cm, cuống hoa ngắn. Hoa dài 10 - 20 cm, đài và cánh hoa như nhau, màu trắng, ở giữa có vệt phớt hồng tạo thành ống dài 7 - 10 cm cong, nhị ngã, dài 5 - 7 cm. Bao phấn hình sợi dài 20 – 25 cm, dính lưng. Bầu hình ống chỉ, vòi nhị mảnh, vượt lên trên nhị.

Cây trinh nữ hoàng cung có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau được trồng phổ biến ở các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Malaysia, Việt Nam và phía Nam Trung Quốc… Ở Việt Nam, cây phát triển tốt với khí hậu miền Nam nước ta. Bộ phận dùng chữa bệnh là lá, dùng tươi hoặc phơi khô, có người thái nhỏ sao khô, hạ thổ để dùng dần. Ở một số nước, người dân dùng cánh hoa, thân hành của cây, thái nhỏ phơi khô. Theo kinh nghiệm dân gian, lá cây trinh nữ hoàng cung chủ yếu để chữa những trường hợp u xơ tử cung, u nang buồng trứng và u xơ tiền liệt tuyến. Ngoài ra, nó còn được sử dụng để điều trị ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư tử cung, ung thư vú và một số loại ung thư khác.

Theo tài liệu của GS Đỗ Tất Lợi thì từ năm 1984 đến năm 1989, nhiều nhà khoa học của Ấn Độ và Nhật Bản đã tìm thấy trong cây trinh nữ hoàng cung một số dẫn chất ancaloit có tác dụng chống ung thư. Cách dùng được nhân dân ta phổ biến như sau: Mỗi ngày uống nước sắc của 3 lá trinh nữ hoàng cung hái tươi, thái nhỏ ngắn 1 – 2 cm, sao khô màu hơi vàng, uống luôn trong 7 ngày rồi nghỉ 7 ngày, uống 7 ngày. Tổng cộng 3 đợt uống 7 x 3 x 3 = 63 lá, xen kẽ giữa 2 đợt nghỉ uống 7 ngày. Một số tài liệu Đông y có lưu ý thêm là uống sau bữa ăn.

Theo y học cổ truyền, trinh nữ hoàng cung có tác dụng chống viêm, phá hòn cục. Dùng trong các trường hợp u xơ tuyến tiền liệt, u xơ cổ tử cung, xơ gan, viêm họng hạt, gan nhiễm mỡ và những khối u lành tính... Theo Vân Nam Tỉnh Dược Tài – cuốn sách của Trung Quốc về các loại thảo dược ở tỉnh Vân Nam, trinh nữ hoàng cung có tên là Tây Nam Văn Thù Lan. Lá của nó có vị cay, tính mát, ít độc, có tác dụng hành huyết tán ứ, tiêu thũng giảm đau, thanh nhiệt giải độc, thông lạc hoạt huyết. Dùng trị mụn nhọt lở độc, đòn ngã, viêm tuyến sữa, lở trĩ và bệnh đậu mùa hay thủy đậu gây nên mụn nước mẩn thành từng mảng hình dải. Có nơi còn dùng trị ung thũng sang độc, đòn ngã gãy xương, đau đầu và đau khớp xương.
 

Trinh nữ hoàng cung rất giống với nhiều cây họ náng nên cần phân biệt kỹ.

Chứa chất chống phát triển khối u

Từ những năm 2004, khi công trình nghiên cứu về bài thuốc điều trị u xơ tử cung và phì đại lành tính tuyến tiền liệt của các nhà khoa học trong và ngoài nước chứng minh được tác dụng thực sự của cây trinh nữ hoàng cung thì hàng loạt các sản phẩm gắn mác thảo dược này đua nhau ra đời. Các sản phẩm cả có bao bì thiết kế bắt mắt, dược tính, công dụng, hướng dẫn sử dụng đầy đủ. Tuy nhiên hầu hết các sản phẩm này đều là thực phẩm chức năng, được chiết xuất thành viên nang, nếu không đọc kỹ, người tiêu dùng rất dễ lầm tưởng là thuốc trị bệnh. Theo TS Trâm, hiện nay có rất nhiều sản phẩm đang lưu hành quảng cáo có nguồn gốc từ cây trinh nữ hoàng cung. Tuy nhiên không mấy nhà sản xuất công bố các nghiên cứu, bẳng chứng khoa học liên quan, vùng trồng nguyên liệu ra sao, thu hái, chiết xuất thế nào… Vì vậy không thể khẳng định cứ hễ nói trinh nữ hoàng cung là có khả năng chữa bệnh. Ngoài việc lưu ý người dân về nhận dạng, TS Trâm cho biết, cây trinh nữ hoàng cung trồng trong chậu không giàu hoạt chất điều trị bệnh ung bướu như trồng ngoài ruộng đồng. Dược liệu cũng tuyệt đối không được sử dụng phân bón hoặc thuốc trừ sâu.

Đã có nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước về tác dụng của cây trinh nữ hoàng cung trong việc điều trị ung bướu. Nhưng nói đến loại thảo dược quý này, người ta không thể không nhắc đến những nghiên cứu của Tiến sĩ - Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm. Bà là một trong những người đầu tiên phổ biết và khai phá bí mật của loại thảo dược quý này ở Việt Nam. Từ năm 1990, khi còn là cộng tác viên khoa học của Viện Hàn Lâm khoa học Bulgaria, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã tập trung tìm kiếm cây thuốc quý có chứa các hoạt chất sinh học kích thích miễn dịch, ngăn ngừa sự tạo mạch tế bào ung thư từ kho tàng cây thuốc Việt Nam để tạo ra được những sản phẩm thuốc điều trị bệnh ung bướu. Đây cũng là căn bệnh mà các nhà khoa học trên thế giới đang quan tâm. Công việc này đòi hỏi bà phải đi khắp đất nước để tìm kiếm và nghiên cứu. Tại Huế, TS Trâm đã nhận được những thông tin từ người dân địa phương về một cây thuốc quý. Người dân ở đây thường dùng thảo dược này sắc lá để uống theo kinh nghiệm của ngự y hoàng cung và gọi là cây tỏi lơi, hay có tên khác là trinh nữ hoàng cung.

Sau khi biết về cây trinh nữ hoàng cung, TS Trâm đã kết hợp kinh nghiệm truyền lại của các ngự y để sưu tầm, thu gom củ giống thảo dược này từ Cố đô Huế, Đà Nẵng, Nha Trang đem về gây giống, nuôi trồng ở TP. HCM và tiến hành nghiên cứu. Bà vừa nghiên cứu cơ bản trong nước, đồng thời hợp tác nghiên cứu với TSKH D.Fuchs thuộc Viện Hóa học và Hóa sinh học các hoạt chất chống ung thư và AIDS (Áo) và GS Simeon Popov, E.Zvetkova (Bungaria) thuộc Viện Hàn lâm khoa học Bungaria. Nhờ những thiết bị hiện đại trên 3 đất nước, bà và các đồng nghiệp nước ngoài đã chiết xuất được hợp chất có hoạt tính sinh học từ trinh nữ hoàng cung có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u. Năm 2001, TS Trâm chính thức được nghiệm thu đề tài cấp bộ “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ chiết xuất alcaloid toàn phần từ lá cây trinh nữ hoàng cung dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị bệnh u xơ tiền liệt tuyến, u xơ tử cung” trước Hội đồng Khoa học Công nghệ của Bộ Y tế.

Từ năm 1983 cho đến nay, các công trình nghiên cứu về trinh nữ hoàng cung đã công bố thành phần hóa học của nó có khoảng 32 alcaloids. Trong số đó đáng quan tâm là một số alcaloids có tác dụng kháng u như: crinafolin, crinafolidin, lycorine, và b - epoxyambellin tác dụng trên tế bào T - lymphocyte và còn có tác dụng kháng khuẩn như hamayne (bulbispenmine, flavonoid, demethylcrinamine). Thảo dược này đang tiếp tục được nghiên cứu để chứng minh tác dụng hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân ung thư với cơ chế kích thích hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, ức chế sự phân chia tế bào, chống lại sự sản sinh của tế bào ung thư và di căn sau khi phẫu thuật…
 
Thanh Trần
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]