Chuyện lạ về gia đình "chân chim", hai đời tứ chi một ngón

(GDVN) - Người làng gọi đại gia đình ấy là “gia đình một ngón”, “gia đình chân chim” vì hai đời nhà ông Nguyễn Văn Tuấn từ lúc sinh ra… tứ chi chỉ có 1 ngón.

15.6065

“Gia đình chân chim

Hai ngôi nhà ở thôn Hoàng Ly, xã Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam ngăn cách nhau chỉ bởi bức tường cao chừng hơn 1m, chủ nhân của mỗi ngôi nhà đều là những “dị nhân một ngón”. Họ là anh em ruột trong gia đình có 6 người con. Ông Nguyễn Văn Tuấn là con út, anh trai thứ 3 là ông Nguyễn Hữu Tiến cũng cùng chung cảnh ngộ.

“Gia đình người ta truyền lại cho nhau những nghề này, nghề kia để mưu sinh nhưng gia đình tôi lại di truyền cho nhau cái hình hài 1 ngón tay. Có hôm đang ăn cơm cũng có người vào xin chụp ảnh. Họ tới vì sự tò mò, cũng có người vì muốn tìm hiểu nguyên căn của câu chuyện này” – ông Tuấn cười.

Người ta gọi đại gia đình ấy là "gia đình chân chim" vì hai đời nhà họ tứ chi chỉ có 1 ngón.

Dùng một ngón tay để rót nước mời khách, ông Tuấn nhớ lại tuổi thơ với những ngày ngã lên ngã xuống khi tập đi. Lên 3, lên 4 ông mới chập chững những bước đi đầu tiên. “Đi học, đường chỉ hơi trơn, tôi cũng phải dò dẫm từng bước vì bạn bè có 5 ngón chân còn có thể bấm đường tránh ngã, mình thì…” – ông Tuấn ngậm ngùi.

Mỗi lần bị bạn bè trêu là ông lại nghỉ chơi với chúng bạn. Lâu dần, bạn bè cũng quen với hình ảnh của cậu học sinh chậm rãi từng bước đi trên sân trường với 1 ngón tay. Bạn bè thôi trêu, ông lại hòa vào cuộc sống của lứa tuổi học trò tinh nghịch.

Ông Tuấn cũng từng làm kế toán cho HTX, thời buổi kinh tế khó khăn ông phải nghỉ làm. Lấy vợ, sinh con, mặc dù trong đầu luôn nghĩ “tương lai con rồi cũng sẽ như mình với bàn chân, bàn tay chỉ có 1 ngón”, nhưng ông Tuấn vẫn không thôi hi vọng sự lành lặn sẽ đến với con mình. Nhưng… ngày anh Thương và anh Mão sinh ra, người ta thấy ông lặng lẽ rời bệnh viện, không nói câu nào. 3 người con thì hai con trai đều mang hình hài 1 ngón như ông, chỉ có con gái là bình thường. Vợ ông, bà Lê Thị Xuân cũng khóc ngất khi hai người con trai sinh ra không lành lặn như những đứa trẻ khác.

Chỉ có 1 ngón tay nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn vẫn bắt con dao, cái bút phải theo sự điều khiển của mình

Mặc dù việc di chuyển gặp nhiều khó khăn hơn người bình thường nhưng ông Tuấn vẫn tậu chiếc xe đạp, tập đi để mình không phải phụ thuộc ai. Công việc chính hiện nay của ông là chăn bò và phụ giúp vợ những bữa cơm gia đình. Một ngón tay đấy nhưng ông vẫn bắt con dao, cái bút, con bò… phải theo sự điều khiển của mình.

Ông Tuấn còn viết chữ rất đẹp. Ngày đi học, ông thường tham gia viết báo tường cho lớp, thỉnh thoảng còn kiêm nghề viết giấy khen, bằng khen cho các cơ quan và người dân địa phương. Mỗi khi nhắc về người chồng của mình, bà Xuân đều nhún vai, cười lớn vì tuy chồng không phải nhân lực chính trong gia đình nhưng lại mang về cho bà hạnh phúc trong một mái ấm rất ít khi có lời qua tiếng lại.

Ông Tuấn còn viết chữ đẹp từ chính đôi tay chỉ có 1 ngón ấy

Nhiều đoàn khoa học trong và ngoài nước đến tìm hiểu căn bệnh nhưng lâu rồi cũng không thấy kết luận nào.

Kinh tế khó khăn, các con của ông không được học hành tới nơi tới chốn và họ cũng sớm tự “quẳng” mình vào đời để mưu sinh, để chứng minh: dù chỉ có một ngón chân, một ngón tay nhưng mọi người làm được 10 thì các anh cũng phải làm được 8 - 9 phần công việc.

Một ngón tay vẽ nên cuộc đời

6 năm trên đất Hà Nội, từ một chàng trai chỉ học hết văn hóa lớp 9, Nguyễn Tuấn Mão (sinh năm 1987), con trai ông Tuấn, giờ đã trở thành một anh thợ sơn mài cừ khôi tại cửa hàng ở 98 Hàng Gai (Hà Nội).

Những ngày đầu mới ra Hà Nội, Mão và anh trai được học tập dưới ngôi nhà chung của Trung tâm Vì ngày mai (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội). 5 năm trong nghề thì có tới 3 năm ở trung tâm giúp Mão có được những nét vẽ đầu tiên. Mặc dù những nét vẽ với một người thợ như Mão đã trở thành điêu luyện nhưng Mão vẫn nuôi trong mình mơ ước được theo học chuyên ngành về tranh sơn mài để nâng cao tay nghề của mình. Cùng với anh trai cũng đang làm thợ sơn mài tại Hà Nội, Mão hàng ngày gieo ước mơ mở cuộc triển lãm tranh sơn mài mà tác phẩm là những bức tranh kết tinh từ đôi bàn tay 1 ngón của Mão và anh trai.

Con trai ông Tuấn là anh Mão cũng mang hình hài như bố nhưng anh luôn chứng minh mình là người "tàn nhưng không phế"

Tôi gặp Mão trong phòng trọ nằm trên phố Đặng Thai Mai (Tây Hồ, Hà Nội) khi bức tranh về em bé cho chim ăn đang nhích dần tới những công đoạn cuối cùng. Đây là bức tranh sơn dầu được Mão nhận về làm thêm ở nhà và sẽ chuyển tải thành tranh sơn mài với mức giá 5 triệu đồng.

Ngoài bức tranh ấy, trong phòng trọ của Mão và người đồng nghiệp cùng “chia ngọt sẻ bùi” những tháng ngày khó khăn nơi đất Hà Thành, còn treo rất nhiều những tác phẩm khác. Trong đó có cả những bức vẽ đầu tay, những bức vẽ đi từ trí tưởng tượng của Mão hay một vài bức tranh được Mão nhận về làm thêm: tranh cô gái hái quả trong vườn, bộ tranh tứ quý, tranh thủy mặc, hội làng, đầm sen, tắm trâu…

Hiện tại, anh Mão đang là thợ vẽ tranh sơn mài với rất nhiều tác phẩm tạo được niềm tin từ khách hàng.

Hiện tại, vào ngày thứ 7, chủ nhật, Mão đi dạy thêm về vẽ tranh sơn mài cho 1 em sinh viên năm thứ 2 của trường đại học Mỹ thuật. Số tiền làm thêm, Mão gửi về quê để đỡ đần bố mẹ trong những tháng ngày không có con cái bên cạnh.

“Nhiều hôm đi ra đường bằng xe máy, lúc dừng đèn đỏ, người đi đường nhìn sang, ánh mắt ngạc nhiên: Ơ sao giỏi thế, một ngón tay mà cũng điều khiển xe máy được à?. Lúc ấy mình chỉ cười”, vừa quết lớp bạc lên bức tranh sơn mài đang làm dở, Mão vừa tâm sự.

Mão vẫn tiếp tục công việc vẽ tranh sơn mài của mình khi khách ra về. Một ngón tay, một ngón chân nhưng những người trong gia đình ấy đã vẽ vào cuộc đời rất nhiều nốt nhạc vui. “Mọi người làm được 10 thì chúng tôi cũng phải làm được 8 – 9 phần”, như lời Mão từng nói, đó cũng là động lực giúp họ ngày càng sống có ý nghĩa hơn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]