Chuyện nhỏ nhà vệ sinh

"Đố ai định nghĩa được tình yêu/ Có nghĩa gì đâu một buổi chiều/ Chàng nàng đợi nhau bên nhà xí/ Nhường nhau đi trước thế là yêu" - có những câu chuyện cười ra nước mắt để châm biếm như thế về một thời người dân phố cổ Hà Nội khổ sở vì... nhà vệ sinh công cộng.

15.5916

Đọc E-paper

Còn nhớ cách đây hơn hai mươi năm đã có một đề án cải tạo những nhà vệ sinhphố cổ và được gọi là "đường cắt vàng" với bao hy vọng và chờ đợi.

Nhưng từ đó đến nay, những hộ dân ở các con ngõ nhỏ khắp thành phố vẫn phải sáng sáng, chiều chiều chờ nhau bên những nhà vệ sinh. Chờ nhau không được, tình yêu thì chưa thấy nhưng đái bậy giăng đầy các gốc cây, cột đèn và bờ tường phố cổ rêu phong.

Sự ám ảnh về những nhà vệ sinh thời... trung cổ vẫn còn nặng nề. Có người ở làng hoa Ngọc Hà bán được miếng đất, có tiền xây nhà lầu, việc đầu tiên hỏi kiến trúc sư là "nhà vệ sinh ở đâu?".

Cũng có lẽ vì một ám ảnh nào đó, có người mở quán bia hoành tráng với một toilet "không giống ai": người đi vệ sinh bên trong có thể vừa "đi" vừa nhìn ra người đang ăn uống ồn ào ngoài kia qua tấm kính một chiều. Không biết vì bia ngon hay nhờ tấm kính độc đáo này mà quán rất đông khách(!)

Có thể ông chủ quán muốn tìm một điểm nhấn thiết kế độc đáo của quán, nhưng cũng có thể ông thức thời thỏa mãn thói quen thích đi toilet... lộ thiên đã ăn sâu vào máu nhiều trai thanh và gái lịch.

Mà biết đâu ông chủ quán cũng là một trong những người muốn "rửa hận" những ngày tháng phải xếp hàng dài chờ đi vệ sinh? Dù thế nào thì cũng có một ngày, người Hà Nội thanh lịch tự tin đi vệ sinh trước mặt người khác mà vẫn không bị mỉa mai là "thừa văn hóa mà thiếu văn minh".

Phẩm chất thường được người Việt Nam đánh giá cao là "sự khiêm tốn" chứ không phải là "sự tự tin". Các nhà văn hóa gọi đây là tính chất thụ động "âm tính", trở thành một thiết chế gây áp lực lên cộng đồng, biết bao dồn nén, biết bao điều cần giải tỏa, như cái vô lý cỏn con ai cũng biết mà chưa bao giờ có câu trả lời: Hôn nhau thì thậm thụt, còn đái bậy thì công khai.

Có lẽ câu trả lời là vì người ta chưa bao giờ nghĩ đến cái gọi là "văn hóa nhà vệ sinh", vệ sinh là chuyện nhỏ, hôn nhau mới là chuyện lớn. Nay ông chủ quán bia giúp nhiều người "tự tin" đi toilet trước mặt người khác, tự tin hiểu rằng đi toilet âm thầm sau tấm kính bên này cũng quan trọng như ăn uống ồn ào trước tấm kính bên kia.

Mới đây, Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 19/11 hằng năm làm ngày "Xây dựng nhà vệ sinh" trên toàn thế giới với lời kêu gọi các cộng đồng dân cư, đặc biệt ở những nơi nghèo khó, lạc hậu, thay đổi thói quen sinh hoạt, nhất là việc đại tiểu tiện bừa bãi, trực tiếp ra môi trường vì thói quen ấy rất có hại cho sức khỏe của cộng đồng.

Ở thành phố Suwon xa xôi của Hàn Quốc có Công viên Restroom Cultural, nơi trưng bày bộ sưu tập khổng lồ các hình thức nhà vệ sinh từ xa xưa đến hiện đại, từ xổm, đứng, ngồi, đến cả nằm. Công viên toilet này có thể làm nhiều người bật cười nhưng thông điệp của chúng lại rất quan trọng: nâng cao nhận thức về nhà vệ sinh ở các nước phát triển.

Qua đó cho thấy, sự phát triển của nhà vệ sinh như thước đo tiến hóa của một nền văn minh. Đâu phải vô lý khi người ta không gọi toilet mà là "rest room", như một nơi thư giãn, nghỉ ngơi. Cũng không phải vô lý mà nhiều nơi có rest room dành cho người tàn tật hoặc giới tính thứ ba.

Trình độ văn minh của một xã hội đôi khi chỉ nhìn qua ô cửa nhỏ của một cái toilet. Chính Thị trưởng Sim của thành phố này cho biết: "Mọi người chỉ tập trung vào việc ăn uống và đôi khi đã bỏ qua tầm quan trọng của nhà vệ sinh.

Mọi người thường ngại nói về điều này, vì thế chúng tôi dành riêng cho nhà vệ sinh một nền văn hóa công khai. Đó không chỉ là nơi chúng ta đi vệ sinh mà đó còn là một không gian văn hóa, quan trọng với sức khỏe và môi trường sống".

Ông Sim còn thành lập World Toilet Association (Hiệp hội Toilet) vào năm 2007 với thông điệp: "Nhà vệ sinh không đơn thuần chỉ là nơi bài tiết, nó còn là nơi giúp ngăn chặn nhiều loại bệnh. Một nơi để thư giãn và thanh lọc cơ thể, nơi để chúng ta tự quan sát. Nhà vệ sinh cũng chính là một thiết chế văn hóa".

ANH THƯ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]