Chuyện sinh con của người khuyết tật như Nick Vujicic

(Kiến Thức) - Rất nhiều người biết chuyện của chàng trai tài hoa khiếm khuyết Nick Vujicic tò mò về khả năng sinh con của anh nhưng các chuyên gia khẳng định, khuyết tật như Nick vẫn có khả năng sinh sản bình thường.

15.613
Việc xây dựng hạnh phúc gia đình và có đời sống tình dục viên mãn là mong ước của tất cả mọi người. Nhưng hơn cả vậy, nhưng người đang phải chịu thiệt thòi vì cơ thể không được hoàn thiện thì mong ước ấy là cháy bỏng hơn nữa.

Nhưng chính vì những khiếm khuyết đó, mà những người khuyết tật lại luôn tự ti vì bản thân và nhiều người chỉ dám mơ chứ chẳng bao giờ dám nghĩ đó là sự thật. Đó là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Đối với những người khuyết tật, họ hoàn toàn có thể có tình yêu, hôn nhân và sinh con đẻ cái.

 Người khuyết tật vẫn hoàn toàn có thể sinh hoạt vợ chồng, sinh con đẻ cái.

Khuyết tật không có nghĩa mất khả năng sinh sản

Nói về khả năng sinh sản của người khuyết tật, các bác sĩ sản khoa khẳng định rằng: Người khuyết tật hoàn toàn có khả năng sinh sản, mặc dù một số bộ phận trên cơ thể của họ có thể không còn. 

Các bác sĩ giải thích, đối với người khuyết tật là nam giới, bất kể khuyết tật dạng gì, kể cả mất cả chân cả tay như Nick Vujicic chẳng hạn thì khả năng sinh sản hoàn toàn vấn thực hiện được nếu cơ quan sinh dục của họ vẫn phát triển bình thường. Còn đối với những người nữ bị khuyết tật như trên thì khả năng có con vẫn có nhưng trong thời kỳ mang thai họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. 

Một số trường hợp các bác sĩ khuyến cáo là chỉ nên quan hệ tình dục chứ không nên có con gồm: người được chẩn đoán là có HIV, nhiễm chất độc màu da cam và một số bệnh di truyền khác bởi như vậy nhiều khả năng những đứa con ra đời sẽ mắc bệnh di truyền.

Nick hạnh phúc bên vợ và con.

Vẫn sinh hoạt tình dục bình thường

Theo một chuyên gia tâm lý, một vấn đề nhiều người khuyết tật và người thân của họ băn khoăn là khả năng quan hệ tình dục sau khi kết hôn.

Theo các bác sĩ sản khoa, đúng là vấn đề làm “chuyện ấy” của người khuyết tật gặp nhiều vấn đề khó khăn, thậm chí có nhiều gia đình chỉ vì vấn đề không hòa hợp mà đã tan vỡ. Tuy nhiên, thực tế nhiều người khuyết tật vẫn tìm được hạnh phúc trong quan hệ lứa đôi.

 Sự tự tin và tình yêu thương, trái tim đồng cảm là những chất xúc tác mạnh nhất để người khuyết tật có đời sống tình dục viên mãn.

Giáo sư Mathew K.Yau, chuyên gia trị liệu người khuyết tật, Đại học James Cook (Úc), cho rằng đời sống tình dục của người khuyết tật chỉ có thể được thỏa mãn khi có sự hợp tác từ đối tác. Chính thái độ của vợ hoặc chồng sẽ khiến người còn lại tự tin hơn, hoặc mặc cảm hơn. “Sự điều chỉnh về giá trị, thái độ, ước muốn, kỹ thuật và quan trọng nhất là sự hỗ trợ, hiểu biết từ người bên kia luôn giúp người khuyết tật hoàn tất tốt “công việc” của mình”, ông Mathew K.Yau nói.

Ông Mathew K.Yau cho biết thêm, ngoài tầm quan trọng của đối tác, người khuyết tật cần được các bác sĩ chú ý hơn đến chuyện đời sống tình dục của họ để từ đó hướng dẫn cách quan hệ tình dục điều độ, đúng cách, thay vì cứ chăm chăm cho ràng “yêu” là có hại, không tốt cho sức khỏe.

Về điều này, Bà Nguyễn Thu Giang - Viện phó Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng- Light cho biết, hiện nay hầu hết người khuyết tật đều không được tiếp cận với các thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục phù hợp. Một khảo sát tại Hà Nội ở 44 người bị khiếm thị, khiếm thính và khuyết tật vận động vào tháng 2/2013 cho thấy, có 20/44 (chiếm 45%) người khuyết tật chưa lập gia đình đã có quan hệ tình dục, 3 người đã làm mẹ đơn thân...

Qua thực tế đó cho thấy, việc định hướng tình dục, sức khỏe sinh sản cho người khuyết tật, theo các chuyên gia cần phải thực hiện ngay tại các trường nuôi dạy trẻ khuyết tật một cách cụ thể, từ tư thế hợp lý, đến những biện pháp quan hệ an toàn.

Quyền kết hôn chính đáng của người khuyết tật

Quay trở lại câu chuyện của Nick Vujicic, trong lần gặp gỡ với cô bé có cơ thể giống mình ở Hà Nội, Nick đã động viên em rằng, anh đã tìm thấy được một người vợ yêu quý và rồi em bé đó sẽ tìm thấy được một người bạn trai. Có thể còn quá sớm để cô bé hiểu thế nào là người bạn đời, song, đối với rất nhiều người khuyết tật Việt Nam trưởng thành, chặng đường lứa đôi hạnh phúc của họ gặp vô vàn rào cản, cho dù họ hoàn toàn khỏe mạnh (trừ bộ phận bị khuyết tật).

Theo nguyên lý chung thì con người có xu hướng lựa chọn bạn đời có bộ gien tốt, do vậy người khuyết tật thường bị cho là lựa chọn "dưới tiêu chuẩn", bằng chứng là 17% người được hỏi ở Thái Bình, 16% ở Quảng Nam - Đà Nẵng và 25% ở Đồng Nai còn có ý nghĩ rằng người khuyết tật chỉ nên kết hôn với người khuyết tật - một quan điểm thể hiện sự phân biệt đối xử hết sức rõ ràng. 

Thứ nữa nếu một người lành lặn yêu người khuyết tật, gia đình - đặc biệt là bố mẹ của người không khuyết tật thường phản đối vì họ sợ rằng nếu lấy con họ sẽ khổ. Ngoài ra là những lo sợ về di truyền, khả năng chăm sóc con cái yếu kém và khó khăn sau này do bệnh nặng thêm, kinh tế khó khăn, xấu hổ với xã hội... 

Ngoài ra, người khuyết tật cũng thường có mặc cảm mình làm khổ người yêu với suy nghĩ sai lầm kiểu như: Đáng ra anh (cô) ấy sẽ hạnh phúc hơn nếu yêu và lấy người lành lặn. Dư luận xã hội nói chung có cách nhìn phiến diện, dư luận cho rằng sẽ là đôi đũa lệch nếu như một cô gái khỏe mạnh lấy một chàng trai khuyết tật (hoặc ngược lại) và nghĩ rằng họ đến với nhau vì một lý do khác chứ không phải tình yêu. Sự thực thì đúng là có những khó khăn nhất định nhưng hạnh phúc gia đình không chỉ phụ thuộc duy nhất vào việc người nào đó có khuyết tật hay không.

Về quyền kết hôn của người khuyết tật, Đại hội đồng Liên hợp Quốc đã có công ước riêng về người khuyết tật. Trong đó, điều 23 chỉ rõ: “Công nhận quyền của mọi người khuyết tật ở độ tuổi kết hôn được kết hôn và xây dựng gia đình trên cơ sở đồng ý tự nguyện và hoàn toàn của người dự định trở thành vợ hoặc chồng người đó”. Như vậy có thể khẳng định rằng người khuyết tật kết hôn là nhu cầu chính đáng và được pháp luật bảo vệ.

 

Thực tế là, rất nhiều trường hợp khuyết tật là do môi trường, tai nạn hay do mẹ mang thai bị nhiễm độc. Theo các bác sĩ, phần lớn những trường hợp như vậy khi sinh con không di truyền khuyết tật. Di truyền chỉ xảy ra khi cơ thể của bố hoặc mẹ bị lỗi gen, hoặc nhiễm chất độc hóa học.

Như vậy, không chỉ người khuyết tật mà cả người có cơ thể bình thường cũng có nguy cơ mang gen khuyết tật. Theo các bác sĩ, cần xét nghiệm gen trước khi kết hôn hoặc trước khi quyết định sinh con mới kết luận chính xác liệu thế hệ sau có khuyết tật hay không.

Vì vậy, không có căn cứ gì để kỳ thị việc kết hôn hoặc sinh con của người khuyết tật sẽ khiến đứa con họ sinh ra cũng khuyết tật như bố mẹ. Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều người khuyết tật sinh ra những đứa con lành lặn, thông minh, như trường hợp của chàng trai Nick Vujicic.

Khuyết tật bẩm sinh có 3 nhóm lớn chính: khuyết tật cấu trúc, khuyết tật di truyền, và các khuyết tật gây ra bởi nhiễm khuẩn hay các yếu tố độc hại từ môi trường. 

Một số khuyết tật mang yếu tố di truyền từ bố mẹ cũng đơn giản như mang tính di truyền về màu mắt hay nhóm máu. Một số bệnh mang tính di truyền điển hình là nhày nhớt, thiếu máu hồng cầu liềm, hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy, loạn dưỡng cơ Duchelle, hay hemophilia. Mẫu máu của bà mẹ hoặc cả 2 bố mẹ được sử dụng cho xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cần được phiên giải bởi bác sĩ chuyên ngành di truyền để có thể chỉ ra khả năng nguy cơ đối với thai nhi khi bố, mẹ, hay cả hai bố mẹ mang gen di truyền này. Nếu thực sự có nguy cơ, các xét nghiệm chẩn đoán sẽ tiếp tục được thực hiện để xác định. (Theo Bệnh viện phụ sản Hà Nội)


TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]