Cô dâu mới: “Nhập gia”, làm sao để “tùy tục”

(SKGĐ) Như lạc vào một nền văn minh xa lạ, nàng thốt lên “Làm sao tôi sống nổi ở đây?!”.

15.5888

Osin đã là gì, tù khổ sai cơ!

Vừa cởi váy cưới, nàng đã nghe mẹ chồng nói ở ngoài: “Lo cho từ đầu đến giờ rồi, còn phần cuối là việc của nó”. Chị chồng kêu “Lo đám cưới cậu ấy mệt thật, chị chợp mắt tí”. Nhớ hồi trước mỗi lần đến chơi, thấy cô em chồng rất chịu khó quét dọn, vậy mà giờ cô ấy bảo: “Có chị dâu rồi, tranh phần làm khác nào bảo chị thừa”. Chưa hết sửng sốt, mẹ vẫy tay bảo: “Mẹ già rồi, phải đi thể dục buổi sáng, nên việc đi chợ nhờ con, mẹ cũng tin con đi chợ biết tính toán dinh dưỡng chăm sóc gia đình”.

Ôi những niềm tin cao cả, nàng tự động viên mình: Ký vào giấy kết hôn nghĩa là đã nhận một trọng trách vô cùng to lớn, một ví trí quang trọng mà ai cũng “nhòm” vào. Dâu mới vừa giống người nổi tiếng, phải xây dựng hình ảnh, kẻo bị bình phẩm; vừa giống nhân viên thử việc, mơ gì giảm tải công việc, còn sẵn sàng làm không lương ấy chứ; lại có gì hao hao cán bộ phải xứng đáng nô bộc của nhân dân…

Nhưng tinh thần AQ vừa lóe đã tắt ngóm khi đập vào mắt nàng là một đống quần áo xếp trong nhà tắm. Ở nhà mẹ đẻ, ai cũng bình đẳng như nhau, phải tự lo khoản sinh hoạt riêng, trừ lúc ốm. Nhưng ở đây, ai tắm xong cũng treo đầy trong mắc nhà tắm hoặc vứt vào chậu để tối đến mẹ chồng cho vào giặt. Nàng dâu đâu dám để mẹ làm, mà đã giặt của vợ chồng mình thì phải giặt cả, phơi cả, để lại cái nào chết cái ấy. Chợt nhớ lại lời cô bạn đi trước truyền thụ: Đi làm dâu tức là tù khổ sai, càng nhăn nhó càng bị đập. Càng ngẫm, càng thấy đúng.

Đói ở nhà chồng

Nhiều hôm, tranh thủ giờ trưa, nàng “tạt” qua mẹ đẻ, vào bếp hì hục ăn như chết đói bởi “nhà mẹ chồng con nấu chả giống nhà mình”. Dù nàng không phải người vụng về bếp núc nhưng phải tội nhà chồng mỗi người một chế độ: bố không thích nước mắm, em đau dạ dày không ăn tỏi... nhưng lại giống nhau ở điểm thích ăn mặn, món gì nàng nấu, cũng bị chê nhạt.

Có lúc, bố chồng động viên: “Ăn nhiều muối hại thận, nhà mình tập đi cũng được”. Nhưng em chồng lầm lì lấy lọ muối đặt lên bàn: “Sống hôm nay thì ăn sướng hôm nay, chết có số…”. Từ đó nàng luôn phải nhẩm trong đầu: Vừa lưỡi mình rồi, vậy cho thêm tí muối nữa chắc không bị kêu nhạt.

Những món ăn yêu thích ngày còn son, nàng không bao giờ dám nấu. Vì nàng thích cải xoong nhưng gia đình chồng chê có mùi hôi. Nàng thích ăn canh trứng thì bố chồng chun mũi bảo “tanh lắm”… Ngay kể cả giờ giấc ăn cơm của gia đình chồng cũng không giống ai. Bởi bố chồng thì thích ăn lúc 6h30 để đi họp tổ dân phố, câu lạc bộ thơ của phường… trong khi 5h30, cơ quan cô mới được nghỉ, về nấu cơm thế nào kịp?!

Đông mới vui

Mãi mà nàng vẫn chưa quen những buổi tụ tập, ăn uống của gia đình chồng. Một tháng phải có ít nhất hai buổi, dâu rể, cháu chắt quây quần, chưa kể ngày Rằm, lễ lạt… Theo bố mẹ chồng thì “đó là cách giữ nếp sống truyền thống gia đình xưa, quây quần để anh em con cháu nhớ nhau”. Nhìn cảnh đông đúc, rượu bia vương vãi ra sàn nhà, nàng lại giật mình, ăn chẳng được ngon, dọn càng khổ.

Lại còn mỗi lần nghe ai nói “dâu mới đâu” là nàng giật mình! Hôm trước, khách của bố chồng tới, mẹ gọi nàng ra chào và khen con dâu đủ thứ. Khoảng nửa tiếng, nàng xin phép về phòng làm nốt báo cáo thì bị mẹ chồng lừ mắt. Lúc khách về, bà gọi cả hai vợ chồng ra mắng: “Nhà này không có thói khinh người, khách chưa về chủ đã đứng lên”. Họ hàng mấy đời tận quê rồi, cứ hễ có việc gì thì bố mẹ chồng lại bắt cả gia đình về. Con rể, con gái lỡ có việc bận thì có thể xin “kiếu”, riêng dâu mới dù cơ quan cử đi công tác cũng phải xin nghỉ việc để về. Nàng ức mà chỉ ngửa mặt kêu trời!

Hoảng hồn vì sự thô mộc

Nhiều khi nàng bị chỉ trích là ru rú trong phòng mà không tiện giải thích. Nàng đâu muốn thế nhưng vì ái ngại cái cảnh bố chồng, anh rể, em trai chồng vô tư mặc quần ngắn, cởi trần. Nhớ ngày ra mắt, nàng thấy bố chồng, em trai chồng vội vàng vào phòng mặc quần áo chỉnh tề tiếp đón, giờ “chỉ còn là dư âm”. Anh em trong nhà, đều đến tuổi trưởng thành nhưng toàn xưng hô “mày – tao”.

Ấy vậy mà nàng gọi em chồng rằng “Hà ơi” thì bị mẹ chỉnh: Con là chị dâu phải gọi em nó là Cô Hà!!! Đã thế, thanh quản của ai cũng thuộc dạng Trương Phi nên họp kín gia đình thì người đứng ngoài ngõ có khi vẫn nghe tiếng. Nhiều hôm nàng đi làm về, đứng mua rau ngoài ngõ đã nghe tiếng ầm ầm nói chuyện trong nhà của bố và anh em nhà chồng. Có lần, có người hàng xóm đi qua nghển cổ vào bảo: Hình như trong nhà cháu cãi nhau!

 Làm sao để hòa nhập?

Không ít cô dâu mới phát hoảng với sinh hoạt, nếp sống nhà chồng. Dễ hiểu thôi vì bạn không quen như thế. Như vậy, thì cũng dễ hiểu thôi, gia đình chồng cũng vậy, họ cũng quen nếp nhà từ lâu vốn thế. Bạn ấm ức vì thói quen sinh hoạt chả giống ai (đúng ra là không giống nhà mình), thì có thể các thành viên trong gia đình mới đôi khi cũng khó chịu vì tự dưng có “người lạ” trong nhà. Đừng cố thay đổi, hãy học cách chấp nhận, dung hòa và “đồng hóa” từ từ.

1. Muốn họ ăn theo cách của mình, thì bạn cũng nên học cách ăn của họ. Hãy hỏi ý kiến chồng, mẹ chồng về khẩu vị của các thành viên trong gia đình. Sau đó hãy từ từ điều chỉnh, nấu thêm món bạn thích, lẫn cả món mà gia đình chồng thích. Chuyện sắp xếp nhà cửa có thể bạn thấy chưa hợp lý nhưng đừng vội vã “phủ định sạch trơn”. Hãy chăm chú nghe lời họ rồi dần dần đề xuất: Con thấy như thế cũng hay rồi, nhưng con nghĩ thử thế này xem sao…

2. Việc nàng dâu mới được quan tâm và phải kiêm thêm việc đã là “chuyện thường ngày ở huyện”. Hãy tình nguyện làm để lấy lòng họ trước. Muốn giải thoát thì bạn nên dùng mẹo. Ví dụ hãy rủ cô em chồng vào việc: “Chiều nay chị có vé xem phim, chị rửa nốt chồng bát, em khiêng ra phơi giúp chị, xong việc sớm mình đi”.

3. Về những “thế vận hội” ăn uống của nhà chồng, nếu nhìn ở góc độ khác thì rõ ràng họ cũng vì chữ tình nghĩa. Bạn không nên cau có, phê bình mà hãy từ từ lựa lời. Khi phải ngồi tiếp khách lâu, tốt nhất bạn có thể dặn chồng can thiệp, nhờ anh ấy giải cứu: “Con có chút việc, nhờ vợ con tí…”

4. Chuyện mọi người nói to ư? Đơn giản, một phần là ý thức nhưng phần lớn vì thói quen. Sao bạn không đợi lúc vui vẻ thì kể: “Buồn cười, hôm trước, cô hàng xóm thấy nhà mình trò chuyện vui vẻ thì cứ tưởng nhà mình cãi nhau…”.

Như Bình

loading...
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]