Cố đô Hoa Lư trăn trở cách "giữ chân" du khách

15.6005
Ninh Bình là vùng đất “Sơn thanh thủy tú,” được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và di tích lịch sử văn hóa lâu đời, tạo sức hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, nhiều năm nay, vấn đề cơ sở lưu trú, phòng nghỉ ở Ninh Bình rất bức thiết, vào dịp lễ, tết, hệ thống nhà hàng, khách sạn trên địa bàn đều quá tải. Cùng với đó, đội ngũ làm công tác quản lý, phục vụ kinh doanh du lịch tại các nhà hàng, khách sạn chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chiếm tỷ lệ khá cao, các dịch vụ vui chơi giải trí chưa đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đó là lý do tại sao những năm qua, lượng khách về Ninh Bình vẫn tăng cao (giai đoạn 2001-2008, tăng bình quân 21,4%/năm) song doanh thu trong lĩnh vực này vẫn rất khiêm tốn.

Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 Hoa Lư-Thăng Long-Hà Nội và tháo gỡ những khó khăn cho ngành du lịch, ngay từ năm 2009, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, thực sự đã tạo chuyển biến mạnh mẽ.

Đã có hơn 40 dự án đầu tư vào kinh doanh du lịch với tổng số vốn trên 8 tỷ đồng, các dự án đang gấp rút hoàn thành, nhiều hạng mục công trình đã đưa vào khai thác sử dụng. Dự kiến đến năm 2015, tỉnh sẽ có thêm 20 khách sạn trong đó có 4 khách sạn lớn tiêu chuẩn 4-5 sao...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trường Đại học Hoa Lư đào tạo 300 học viên Trung cấp du lịch, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp cho hàng nghìn người tham gia làm du lịch tại các khu, điểm du lịch, nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Ninh Bình thực hiện các chính sách ưu tiên, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch; coi trọng công các bảo tồn, trùng tu các khu di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh; phát triển các làng nghề truyền thống; quy hoạch các điểm mua sắm, chợ đêm, phố đi bộ.

Tỉnh cũng khai thác các tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể vốn là thế mạnh của địa phương như Lễ hội dân gian, hát chèo, hát xẩm, ca trù; khuyến khích phát triển các món ăn truyền thống, đặc sản của vùng đất Cố đô như thịt dê, cơm cháy, cá rô Tổng Trường, cá tràu tiến Vua...

Năm 2009, Ninh Bình đã đón được gần 2,4 triệu lượt khách trong đó khách quốc tế hơn 600.000 lượt, doanh thu 252 tỷ đồng, nộp ngân sách 25 tỷ đồng. Năm 2010, tỉnh phấn đấu đón 2,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 700.000 lượt, doanh thu 350 tỷ đồng, nộp ngân sách 35 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Ninh Bình đang tiến hành phương châm xã hội hóa du lịch./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]