Cô giáo tâm huyết làm thiện nguyện

Là giáo viên nghỉ hưu nhưng cô Nguyễn Thị Thuận vẫn ngày ngày rong ruổi đạp xe trên khắp các nẻo đường của tỉnh Bắc Ninh, đến với những người có hoàn cảnh khó khăn...

15.5389

Hơn 4 năm qua, không quản ngại vất vả cô cùng Hội đỡ đầu những người mùhoàn cảnh khó khăn tỉnh Bắc Ninh (thành lập năm 2011 do cô làm Chủ nhiệm) đã đi đến khắp các vùng quê trong và ngoài tỉnh để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Hằng tháng cô đều dành một phần lương hưu hạn hẹp của mình cộng với sự đóng góp của các thành viên trong hội để trợ cấp những người khiếm thị.

Cô giáo Nguyễn Thị Thuận

Cơ duyên để ra đời hội đỡ đầu những người mù có hoàn cảnh khó khăn Bắc Ninh xuất phát từ chuyến đi thực tế của cô và một số học trò vào huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) để giúp đỡ những trường hợp trẻ em mồ côi sau trận lũ lịch sử miền Trung năm 2010. "Càng đi, càng gặp được nhiều người tốt ủng hộ công tác từ thiện. Được biết, ở Bắc Ninh vẫn còn rất nhiều người mù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học trò nghèo cần được giúp đỡ. Vì thế, cô đã nảy ý định thành lập hội giúp đỡ người mù để có nhiều Mạnh Thường Quân, quan tâm, giúp đỡ họ hơn nữa", cô Thuận tâm sự.

Để ý nghĩ đó thành hiện thực, cô Thuận đã mạnh dạn đứng lên kêu gọi những học sinh cũ cùng chung tấm lòng từ thiện thành lập hội. Ngay sau khi thành lập, hội tập hợp được gần 30 học trò cũ nay đã trưởng thành hàng tháng ủng hộ tiền để đỡ đầu cho hàng chục người mù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như những bà mẹ bị khiếm thị nuôi con một mình hoặc bố mẹ bị mù nuôi con tàn tật.

Bằng việc tuyên truyền qua bạn bè, người thân, trang facebook của hội, nhiều người đã biết đến hội để cùng giúp đỡ, chia sẻ. Đến nay, hội thu hút được hàng trăm thành viên tham gia. Hằng tháng tùy tâm mỗi thành viên trong hội đều quyên góp tiền để ủng hộ những trường hợp người mù khó khăn trong tỉnh. Năm 2013, hội đã thu được gần 200 triệu đồng từ sự đóng góp của hàng trăm thành viên. Hiện nay, Hội nhận đỡ đầu hơn 60 trường hợp người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn, hằng tháng hỗ trợ 500.000 đồng/1 trường hợp.

Cô Thuận đến thăm và nhận đỡ đầu trường hợp em Vui tại Xuân Ổ A (Võ Cường, TP Bắc Ninh)

Trong hội hiện nay có rất nhiều thành viên từ nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau như: có cụ Trần Thị Kỷ (87 tuổi Đọ Xá, TP Bắc Ninh) là thành viên nhiều tuổi nhất, đều đặn hằng tháng cụ dành dụm chi tiêu ủng hộ quỹ hội 50.000 đồng để giúp những hoàn cảnh khó khăn; chị Nguyễn Thị Hợp, bán rau ngoài chợ Niềm Xá (thành phố Bắc Ninh) hàng tháng cũng dành từ 50.000 – 100.000 đồng ủng hộ quỹ…. Hay các thành viên trong Ban nhạc "Âm vang niềm tin" của Hội người mù tỉnh Bắc Ninh đi tham gia biểu diễn gây quỹ tại nhiều cơ quan, đơn vị như Tỉnh đoàn Bắc Ninh; một số Trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn…

Cùng với các hoạt động giúp đỡ những người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh, hội còn tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo tại các tỉnh miền núi như: Quyên góp quần áo, sách vở để thực hiện chương trình “Tết ấm vùng cao” tại Hà Giang; “Xuân yêu thương”  tại Lào Cai, Sơn La…

Trò chuyện với PV, cô Thuận chia sẻ: “Hồi còn đứng lớp, thấy học sinh của mình có hoàn cảnh khó khăn là tôi lại kêu gọi đồng nghiệp và học sinh trong trường quyên góp giúp đỡ các em. Giờ thông qua hội, tôi được đi và gặp gỡ nhiều trường hợp người mù khiến tôi nhói lòng. Nhiều người khiếm thị sống quá khổ, có người vừa mù lại vừa nuôi con tàn tật, trong gia đình họ không có một vật gì đáng giá. Tôi chỉ mong trong xã hội có thêm nhiều tấm lòng quan tâm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người khiếm thị”.

Không những vậy, cô giáo Nguyễn Thị Thuận còn là người sáng lập và đồng hành cùng Ban nhạc "Âm vang niềm tin" của Hội người mù tỉnh Bắc Ninh. Xuất phát từ tiềm lực sẵn có của các em và lòng yêu ca hát, cô đã quyết định trao tặng ban nhạc một bộ âm ly loa đài trị giá 35 triệu đồng bằng tiền lương của cô và sự đóng góp của gia đình.

Nhờ có bộ âm ly này, ban nhạc được thành lập vào tháng 3/2013 đã có cơ hội cho mọi người thấy tài năng của những nhạc sĩ và ca sĩ khiếm thị. Cô hy vọng mọi người cũng sẽ ủng hộ cho ban nhạc, động viên những con người đã vượt lên số phận để vượt qua những mặc cảm, khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Với những người thường được gọi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như cô Thuận, thời gian dành cho gia đình, bản thân càng hạn hẹp. Nhưng bằng những việc làm thiết thực, hội đỡ đầu những người mù Bắc Ninh do cô làm hội trưởng đã và đang hàng ngày nhân lên những tấm lòng nhân ái để người khiếm thị, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn Bắc Ninh cần được giúp đỡ.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]