Thưa ông, tiến trình các NĐT góp vốn vào Quỹ VFA đến giờ này ra sao?

Hiện nay, tổng số vốn đăng ký tham gia và cam kết mua chứng chỉ quỹ VFA đã vượt qua con số 200 tỷ đồng. Phần lớn NĐT tham gia là các định chế, tổ chức tài chính lớn trong nước và nước ngoài. So với con số dự kiến đóng quỹ ở mức 250 - 300 tỷ đồng, tỷ lệ trên là khá cao. Theo kế hoạch ban đầu, thời gian đóng quỹ là ngày 8/2, là thời điểm tất cả các NĐT cam kết tham gia hoàn tất việc đóng tiền đúng hạn vào tài khoản phong tỏa của ngân hàng giám sát. Tuy nhiên, đây là thời điểm cuối năm và đặc biệt năm nay thời gian nghỉ Tết kéo dài nên một số NĐT tổ chức có yêu cầu hoãn việc đóng tiền để có thể tối ưu hóa nguồn vốn trong thời gian này. Chúng tôi thấy yêu cầu này là chính đáng và hợp lý nên đã đề xuất với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xin gia hạn thời gian đóng quỹ đến sau Tết là ngày 15/3.

Ngoài ra, việc gia hạn này cũng là cơ hội tốt để các NĐT cá nhân có thể tham gia vào Quỹ VFA sau khi có thêm các khoản thu nhập đầu năm. Chúng tôi cũng đã tiếp nhận nhiều phản ánh của NĐT cá nhân về việc tiếp cận thông tin về Quỹ VFA chậm nên yêu cầu gia hạn để có thời gian thu xếp nguồn vốn tham gia. Đầu năm cũng là thời điểm phù hợp cho việc đầu tư, kinh doanh mới theo tập tục của người Á Đông. Hơn nữa, tại thời điểm cuối năm và ngay đầu năm mới cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc của TTCK, tạo sự phấn khởi cho NĐT cá nhân tham gia vào thị trường nói chung và Quỹ nói riêng.

 

Việc kéo dài thời gian góp vốn có làm thay đổi các cam kết của VFA với những NĐT đã góp vốn về thời điểm niêm yết, giải ngân của Quỹ?

Việc kéo dài thời gian đóng quỹ chủ yếu xuất phát từ việc VFM mong muốn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NĐT, vì vậy mọi cam kết với NĐT đều không thay đổi. Ngay khi đóng quỹ VFA, chúng tôi sẽ niêm yết và giải ngân trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào sự cấp phép của UBCK.

 

Các NĐT tổ chức có vẻ rất quan tâm đến VFA. Ông giải thích điều này như thế nào?

Trước năm 2008, có nhiều cảnh báo về các doanh nghiệp niêm yết quá tập trung vào việc đầu tư tài chính, mà xem nhẹ các hoạt động kinh doanh chính. Hậu quả của việc này đã trở thành hiện thực cách đây hơn 1 năm với nhiều doanh nghiệp thua lỗ từ các khoản đầu tư, dù hoạt động kinh doanh chính vẫn có lãi. Từ bài học cũ, xu hướng chuyên môn hóa trong hoạt động đầu tư đang dần được hình thành. Các doanh nghiệp cần dành nguồn lực chính của mình để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, tạo niềm tin cho NĐT và cổ đông. Chính vì vậy, các NĐT tổ chức cần những đơn vị đầu tư chuyên nghiệp để thực hiện đầu tư cho mình, vừa hiệu quả vừa tránh việc phân tán nguồn lực. Về điều này, VFM tự hào là công ty quản lý quỹ đầu tiên và hiện đang quản lý tổng số vốn lớn nhất mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất. Đây là cơ sở để các NĐT quan tâm và tin tưởng vào tính chuyên nghiệp và hiệu quả của chúng tôi.

Đặc biệt là Quỹ VFA cũng nhận được sự hưởng ứng từ khá nhiều CTCK, một phần ở sự đánh giá cao về tính năng động trong việc tiên phong tìm kiếm phương thức đầu tư mới, tiên tiến. Mặt khác, đây là cơ hội để các CTCK và công ty quản lý quỹ tăng cường trao đổi thông tin trên thị trường với nhau.

 

Với các NĐT cá nhân, sức hấp dẫn của VFA ra sao khi chứng chỉ quỹ tại TTCK Việt Nam luôn khó bước qua “lời nguyền chiết khấu” (thị giá luôn thấp hơn nhiều giá trị tài sản ròng)?

Trước hết, Quỹ VFA là sản phẩm quỹ mang nhiều tính ưu việt, đã rút tỉa nhiều kinh nghiệm từ các sản phẩm quỹ hiện có trên thị trường. Hiện tại, VFM tập trung nhiều nguồn lực và cơ sở vật chất tốt nhất để vận hành Quỹ VFA đạt hiệu quả. Quy mô Quỹ VFA nhỏ, khoảng 300 tỷ đồng, cùng với thời gian hoạt động quỹ khá ngắn cho phép Quỹ tiếp cận thị trường năng động như các NĐT cá nhân. Quỹ VFA hoạt động dựa vào các công cụ, chỉ báo hiện đại cho phép Quỹ ra - vào thị trường tại các thời điểm tốt nhất. Tôi cho rằng, khi đi vào hoạt động, tính hiệu quả của Quỹ sẽ thuyết phục được các NĐT cá nhân hoài nghi nhất. Bên cạnh đó, VFA có chiến lược phân chia cổ tức hiệu quả: cho phép phân chia tối thiểu 50% lợi nhuận thực hiện hàng năm cho các NĐT. Đây là ưu điểm phù hợp với tâm lý của các NĐT cá nhân hiện nay.

Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông của Quỹ VFA, các NĐT tổ chức chiếm tỷ lệ khá cao. Hầu hết họ tham gia VFA với mục đích đầu tư và hợp tác nên không có ý định lướt sóng. Những điều này hứa hẹn mang lại phần thưởng xứng đáng cho các NĐT gửi gắm niềm tin vào VFA hiện nay và sau khi chứng chỉ quỹ được niêm yết.

Theo Kinh Kha thực hiện.
Kinh Kha thực hiện.