Cơ hội mới cho những người bị bệnh giác mạc

Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương đã ứng dụng thành công kỹ thuật ghép giác mạc lớp cho ba bệnh nhân ghép lớp trước sâu và hai bệnh nhân ghép nội mô.

15.5981

Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương đã ứng dụng thành công kỹ thuật ghép giác mạc lớp cho ba bệnh nhân ghép lớp trước sâu và hai bệnh nhân ghép nội mô.

Cơ may cho những người bị bệnh giác mạc

Bệnh nhân (BN) Phương Công C., 43 tuổi, Ba Vì, Hà Nội bị loạn dưỡng giác mạc dạng Fuch. Đây là một bệnh lý giác mạc bẩm sinh. Mắt anh mỗi năm một mờ. Đã 10 năm nay (từ năm 2001) anh là BN thường xuyên đến khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Tuổi càng nhiều, bệnh càng nặng. Đầu năm 2010, anh C. gần như không còn nhìn thấy gì, thị lực chỉ đếm ngón tay trong vòng 2 mét. Tháng 12/2010, anh là người đầu tiên ở Việt Nam được các bác sĩ Khoa Kết giác mạc phẫu thuật ghép lớp sau (ghép nội mô) mắt phải.

BN Hoàng Thị T., 41 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội bị loạn dưỡng giác mạc dạng lưới, một bệnh giác mạc bẩm sinh di truyền. Cũng như anh C., càng có tuổi, mắt chị T. ngày một mờ và cuối cùng không còn nhìn thấy nữa. Đến khám ở Khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương, chị T. chỉ đếm được ngón tay cách 3 mét. Ngày 14/7/2011, chị T. cũng may mắn là một trong những bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được các bác sĩ Khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương phẫu thuật ghép giác mạc lớp trước sâu cho mắt trái.

 Ca phẫu thuật ghép giác mạc.
Hành trình ghép “mảnh sáng” cho những con mắt tối

TS.BS. Phạm Ngọc Đông -  Quyền Trưởng khoa Kết giác mạc, Giám đốc Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương - người trực tiếp thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc cho hai BN trên cho biết: Những bệnh lý giác mạc như vậy không thể chữa được bằng thuốc, chỉ có ghép giác mạc mới cải thiện được thị lực cho BN. (BN bị coi là mù lòa khi thị lực ở mức không đếm được ngón tay cách xa 3 mét). BN Phương Công C. bị loạn dưỡng giác mạc Fuch, được điều trị ghép nội mô giác mạc, kết hợp với mổ lấy thể thủy tinh bằng phương pháp Phaco, đặt thể thủy tinh nhân tạo ngay trước khi ghép giác mạc. Một trong những thì phẫu thuật khó khăn nhất là đưa mảnh ghép vào trong tiền phòng. Mảnh ghép có thể bị tổn hại ngay trong thì này và phẫu thuật thất bại. Mảnh ghép là giác mạc có các tế bào nội mô và màng Descemet đã được Ngân hàng mắt cắt sẵn, với đường kính 8,5mm, được đưa vào tiền phòng qua đường rạch 5,5mm bằng chỉ 10-0. Mảnh ghép được áp chặt vào nền ghép bởi bóng khí trong tiền phòng, không cần khâu mảnh ghép vào nền ghép. Thị lực sau mổ phục hồi tốt, mảnh ghép trong suốt và chưa có đợt thải loại ghép nào trong thời gian 10 tháng theo dõi. Mảnh ghép áp tốt vào nền ghép. Thị lực không kính sau 10 tháng đạt 20/40 (5/10), khi chỉnh kính đạt 20/25.

Với BN Hoàng Thị T. bị loạn dưỡng giác mạc dạng lưới, được điều trị bằng phẫu thuật ghép giác mạc lớp trước sâu, sử dụng kỹ thuật bóng khí lớn. Phẫu thuật viên bơm 1 bóng khí vào nhu mô giác mạc để tách màng Descemet khỏi nhu mô. Phần nhu mô bệnh lý phía trên được cắt bỏ và thay thế bằng phần nhu mô của giác mạc lành (của người hiến).  Mảnh ghép trong suốt trở lại ngay những ngày đầu sau mổ. Độ dày giác mạc trở nên bình thường sau một tháng. Thị lực được cải thiện đáng kể ngay từ tháng thứ hai sau mổ (đạt 2/10 chưa chỉnh kính). Trong thời gian theo dõi mảnh ghép 2 tháng, chưa thấy dấu hiệu thải ghép.

Theo TS.BS. Phạm Ngọc Đông, ưu điểm vượt trội của kỹ thuật ghép lớp so với ghép xuyên là: nếu thực hiện phương pháp ghép giác mạc xuyên (là phẫu thuật ghép thay thế toàn bộ chiều dày giác mạc) sẽ phải mở nhãn cầu nên có thể có một số biến chứng trong mổ như xuất huyết tống khứ, tăng nhãn áp... Thời gian sống mảnh ghép giảm bị ảnh hưởng bởi phản ứng thải ghép do các dị nguyên ở biểu mô, nhu mô và nội mô. Hậu quả của thải ghép là làm chết tế bào nội mô, giác mạc trở nên mờ đục và gây giảm thị lực. Phương pháp ghép lớp (chỉ thay thế phần giác mạc bị bệnh) sẽ khắc phục được những nhược điểm của phẫu thuật ghép giác mạc xuyên mà vẫn đảm bảo lấy hết phần giác mạc bệnh lý. Thị lực sau mổ sẽ phục hồi nhanh hơn và lâu dài hơn so với phẫu thuật ghép xuyên.

Đem lại hướng điều trị mới trong nhãn khoa

Cũng theo TS.BS. Phạm Ngọc Đông, ghép giác mạc lớp là phẫu thuật khó, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được trong điều kiện nước ta. Việc ứng dụng kỹ thuật ghép giác mạc lớp vào thực tế điều trị sẽ là một bước tiến mới, đem lại ánh sáng cho người mắc các bệnh lý giác mạc. Đây sẽ là một trong những vũ khí mới để các thầy thuốc nhãn khoa đem lại ánh sáng cho những người không may mắn bị mù lòa do bệnh lý giác mạc.

Mong muốn nhân văn

Gặp BN Phương Công C. sau 10 tháng được ghép giác mạc, mắt phải của anh nhìn rất tốt, không đau, không chảy nước mắt. Hằng tháng, anh đến Bệnh viện Mắt Trung ương kiểm tra định kỳ. Anh tâm sự: “Tôi sung sướng khi thấy mỗi ngày mắt mình nhìn một rõ. Nếu mắt phải không được ghép giác mạc thì bây giờ tôi đã mù rồi vì mắt trái hiện nay ngày càng mờ hẳn. Thật không có gì quý giá hơn. Tôi biết ơn các bác sĩ đã cho tôi ánh sáng, biết ơn những người đã hiến tặng giác mạc để người bệnh như chúng tôi lại được nhìn thấy, không trở thành tàn phế. Là người may mắn được nhận giác mạc, tôi cũng sẽ vận động, thuyết phục trong gia đình, người thân nếu chẳng may sau này qua đời… thì cũng để lại được điều gì đấy tốt đẹp cho đời”.

 Ngân hàng Mắt đã đi vào hoạt động được 4 năm. Tuy nhiên, do số người hiến còn ít nên số lượng giác mạc thu nhận được hàng năm còn hạn chế. Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương mong muốn được sự ủng hộ hơn nữa của toàn thể xã hội, của ngành y tế để mỗi năm, Ngân hàng Mắt có thêm nhiều giác mạc từ những người hiến tự nguyện, cung cấp cho các cơ sở nhãn khoa ghép cho người bệnh (hiện có rất nhiều bệnh nhân đang chờ được ghép giác mạc). Được như vậy, chúng ta sẽ có nguồn giác mạc dồi dào trong nước, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của người bệnh Việt Nam, vừa mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc - một đôi mắt khép lại có thể mang đến cơ hội hồi sinh ánh sáng cho những đôi mắt khác. 

Giác mạc là một màng mỏng, trong suốt, không có mạch máu; có 3 lớp giải phẫu chủ yếu đó là biểu mô, nhu mô và nội mô. Là nơi tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, chính vì vậy nên giác mạc rất dễ bị tổn thương. Khi giác mạc bị biến dạng hoặc mờ đục, mắt sẽ bị giảm thị lực, thậm chí bị mù lòa. Với các trường hợp mù lòa do bệnh lý giác mạc, cách điều trị duy nhất để đem lại thị lực cho bệnh nhân là ghép giác mạc nhằm thay thế phần giác mạc bị bệnh bằng giác mạc lành. Nhờ phẫu thuật này mà bệnh nhân có thể nhìn lại được và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

  Mai Linh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]