Có nên bỏ trốn với... "người ấy"?

Các cặp đôi tuổi teen mới chớm thích nhau, bị gia đình cấm cản, nên suy sụp, thậm chí còn có ý định bỏ trốn.

15.6154

Em đang quen một anh hơn em 1 tuồi, anh ấy cũng rất yêu em và em cũng thế nhưng gia đình thì cấm cản vì không muốn em quen. Em rất chán nản, em phai nói làm sao cho ba mẹ chấp nhận tình cảm của mình đây? Thậm chí có những lúc tụi em còn bàn tính đến việc bỏ trốn khỏi nhà để không bị ngăn cản nữa. Em không còn tha thiết gì đến chuyện học hành (Giấu tên, 16 tuổi, An Giang)

 

Mới 16, 17 tuổi, chuyện bị gia đình cấm cản tình yêu của tụi em là dễ hiểu. Thông thường, bố mẹ cấm cản tình yêu của con cái vì thấy chúng chưa đủ khả năng tự lập, thấy chưa tin tưởng vào đối phương cũng còn rất nhỏ dại, muốn con cái tập trung lo tương lai, sự nghiệp…

 

Em nên hỏi và lắng nghe lý do vì sao gia đình cấm cản em quen anh ấy để từ đó suy nghĩ xem lý do gia đình đưa ra có đúng, có hợp lý không. Thực ra thì khi quen nhau ở độ tuổi này, thường các em không nên quan trọng chuyện bố mẹ phải chấp nhận, vì đó chưa thực sự là mối quan hệ để tính đên chuyện hôn nhân.

 

Bỏ trốn để chứng tỏ tình yêu đôi lứa với ba mẹ là điều không nên bạn nhé. (ảnh minh họa)
 

Nếu các em vô tư quan tâm nhau một chút, dành cho nhau những tình cảm trong sáng thì bố mẹ có biết cũng không cấm cản đâu. Chỉ khi nào bố mẹ nhận thấy con cái đang bị tình cảm này chi phối, có nguy cơ sẽ dẫn đến những việc không tốt mới quyết liệt phản đối.

 

Tốt nhất, tụi em nên… bình tĩnh, cứ chờ thời gian cho câu trả lời chính xác nhất; trong khi đợi bố mẹ chấp nhận người ấy thì tốt nhất vẫn là giữ một tình cảm đẹp đẽ với nhau. Mới 16, 17 tuổi thì chẳng nghiêm trọng đến mức phải bỏ nhà ra đi phải không, và nếu có “ra đi” thật, tụi em sẽ làm gì tiếp theo, sẽ ăn ở và học hành như thế nào đây?

 

Hãy nghĩ thật kĩ, vì sự ra đi này chỉ sớm mang đến một kết thúc không đẹp: lỡ dở cả tương lai và ảnh hưởng đến tâm lí cả đời của cả hai người. Chúc các em bình tĩnh, tự tin ở bên nhau và dần chứng minh được cho ba mẹ thấy em đang có một tình yêu đẹp. (Chuyên gia Nguyễn Thị Ngọc, phó trưởng khoa tâm lí - ĐH Sài Gòn tư vấn).

 

Từ nhỏ em được một người bà vú nuôi chăm sóc, em yêu quý bà như người thân trong nhà. Tuy nhiên giữa bố mẹ em và bà vú xảy ra mâu thuẫn ngày càng sâu sắc, và hiện tại bố mẹ buộc em phải lựa chọn: hoặc là bà, hoặc là bố mẹ, vì bố mẹ em ko thể chấp nhận sống với bà nữa. Em thực sự rất buồn vì không muốn phải xa ai cả. Xin cho em lời khuyên vì em thực sự rất rất căng thẳng! Em cảm ơn (Rosy Trần, 16 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM)

 

Anh rất đồng cảm với tâm trạng giằng xé của em, một người không thể nào xẻ làm hai để vẹn toàn cả đôi bên được phải không em? Đôi khi trong cuộc sống có những điều không như ý muốn, buộc ta phải chấp nhận mất mát một người mà chúng ta trân quý.

 

Tuy nhiên, em cũng đừng nên bi quan quá, vì nếu không sống cùng một mái nhà, em vẫn hoàn toàn có thể gặp gỡ, trò chuyện, liên lạc với người kia. Giả sử nếu em sống với bố mẹ thì vẫn có thể giữ liên lạc với vú, hai bà cháu vẫn có thể gặp nhau.

 

Điều quan trọng em cần làm bây giờ là an ủi người ra đi, đừng làm cho mọi người thêm khó xử, em nhé. Chúc em sẽ nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới. (Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa tâm lí - ĐH Sư phạm TPHCM tư vấn)

 

Em đã làm mất lòng tin ở bạn bè quá nhiều, làm sao để lấy lại lòng tin của mọi người đây ạ? (Minh Châu)

 

Đầu tiên, em nên truy tìm xem vì đâu em bị đánh mất lòng tin ấy? Do lỗi khách quan hay do lỗi của em? Nếu là do em thì vì sao em lại thường xuyên lặp lại lỗi ấy? Biết được nguyên nhân rồi thì cố gắng đừng tái phạm ở những lần kế tiếp.

 

Song song đó em cũng nên bày tỏ sự hối tiếc về những lỗi lầm của mình, nếu được, hãy thẳng thắn nhận lỗi và xin lỗi những người đã mất niềm tin nơi em. Hãy thể hiện sự cầu thị của mình và quyết tâm sửa đổi.

 

Hãy gây dựng lại lòng tin bằng từng việc làm nhỏ, ban đầu mọi người vẫn còn sẽ e dè, tuy nhiên sự kiên trì của em rồi cũng sẽ được mọi người nhìn nhận. Nếu “một lần thất tín, vạn lần bất tin” thì vạn lần giữ tín, một ngày mọi người rồi cũng sẽ có lại lòng tin. (Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa tâm lí - ĐH Sư phạm TPHCM tư vấn)

 

Làm cách nào để có được “núi đôi” to hơn đối với gen di truyền. Hiện nay núi đôi của em vẫn chưa phát triển dù đã có kinh nguyệt 3 năm.(Ngọc, 16 tuổi)

 

Kích thước nhũ hoa định tại gien thì “bất di bất dịch”, chỉ có thể nghĩ đến việc biến chưa thành có trong trường hợp nhũ hoa hiện hữu chưa đạt trần của gien do chủ nhân bị suy dinh dưỡng nặng hoặc mắc bệnh về nội tiết.

 

Kích thước nhũ hoa cơ bản cấu từ lượng mỡ định sẵn, do vậy, nếu lâm cảnh túng thiếu thì cơ thể chẳng những cắt nguồn cung cấp mà còn trưng dụng bớt lượng mỡ tại “vòng 1” để chi dùng. Suy ra, dạng nhũ hoa mất phần này vẫn còn một cơ hội lấy lại những gì đã mất khi cô chủ ăn uống đầy đủ hơn.

 

Một chủ đầu tư có máu mặt khác là các hormon mà ngay cả khi đã đủ vốn liếng nhưng thiếu sự tham gia của chúng thì nhũ hoa cũng lâm cảnh dở dở ương ương . Đơn cử trường hợp cô chủ đang mắc bệnh nội tiết làm rối loạn hormon thì hiển nhiên nhũ hoa là một “con bệnh” (trong nhiều con bệnh khác không có hoặc rối loạn kinh nguyệt nặng, cơ thể cứng đờ không có đường cong thiếu nữ, thậm chí mọc râu…). Tóm lại, em tham khảo thử hai khả năng trên, nếu không phải thì đành chấp nhận “ý trời” em ạ. (Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn tư vấn)

 

 

Lần đầu tiên quan hệ với bạn trai mà không ra huyết là đã bị " mất" không ạ? Mình nghe nói khi quan hệ lần đầu tiên con gái ai cũng phải ra huyết, nhưng cháu lại không có. Làm thế nào để biết đã bị mất hay chưa? Sau mỗi lần quan hệ kinh nguyệt của mình bị chậm, không đều, dù tụi mình cũng có sử dụng BCS, không biết như vậy có bị làm sao không ạ? (Phương, Hà Nội)

 

Theo lý thuyết, lần đâu tiên quan hệ, ở người phụ nữ thường sẽ có ra huyết. Đó là hệ quả của việc màng trinh bị rách trong lần quan hệ đầu tiên. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn giống nhau với tất cả mọi phụ nữ.

 

Màng trinh là một lớp niêm mạc có lỗ nằm chắn phía ngoài âm đạo. Tuỳ thuộc vào cấu trúc của màng trinh, lỗ do màng trinh tạo ra lớn hay nhỏ, độ dãn của màng trinh, … mà việc quan hệ có làm rách màng trinh hay không và có tổn thương mạch máu gây ra huyết hay không.

 

Cũng có những trường hợp màng trinh đã bị rách trước đó (do chấn thương hoặc một lý do nào đó) mà bản thân người phụ nữ đôi khi không nhận biết được. “Trinh tiết” là một phạm trù rất lớn, không định nghĩa theo việc còn hay không còn màng trinh. Nó nằm ở nhận thức, ấn tượng cảm xúc của người phụ nữ về quan hệ tình dục.

 

Khi em đã “quan hệ” nghĩa là đã… mất, chứ đừng trông chờ và tin rằng có ra chút huyết mới là “mất hẳn”, còn không ra nghĩa là… chưa mất. Lúc này, chuyện mất hay còn của tấm màng mỏng manh này không quan trọng, quan trọng là các bạn gái có đánh mất mình theo luôn hay không khi tuổi còn rất trẻ mà lại quan hệ trước hôn nhân.

 

Còn việc kinh nguyệt không đều có nhiều tác nhân ảnh hưởng trong đó có sự biến đổi về nội tiết tố trong cơ thể, chưa có bằng chứng khoa học cho thấy quan hệ tình dục làm kinh nguyệt chậm lại.

 

Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, nên đến bệnh viện để được thăm khám tốt hơn. Trong trường hợp quan hệ dù có dung bao cao su, sau đó không có kinh, nên nghĩ đến tình trạng có thai và có thể bao cao su bị thủng trong lúc quan hệ. (Bác sĩ Tăng Quang Thái, phòng khám nam khoa - Bệnh viện Hùng Vương tư vấn)

 

Theo Mực Tím

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]