Có nên cho trẻ chơi với chó mèo không?

Có nên cho trẻ chơi với chó mèo không là mối băn khoăn của nhiều bậc cha mẹ. Xung quanh vấn đề này cũng có rất nhiều quan điểm trái chiều. Cùng tìm hiểu quan điểm của các chuyên gia trong bài viết dưới đây.

15.5967

1. Cho trẻ chơi với chó mèo có nguy hại không?

Trẻ em nói riêng và con người nói chung có khả năng nhiễm ấu trùng, ký sinh trùng từ chó mèo, vật nuôi. Người bệnh nhiễm loài ấu trùng này thường qua đường miệng, hậu môn.


Khi trẻ vuốt ve vật nuôi nếu không được vệ sinh cẩn thận, trứng sán ra ngoài môi trường dính vào tay, trứng đi vào cơ thể trẻ, chúng lớn thành ấu nang có dạng bướu. Bướu tăng trưởng đủ độ có đường kính từ 1-7 cm, chứa trên 2 triệu đầu sán. Chúng phát triển làm cho người lớn, trẻ nhỏ bị đau bụng, tiêu chảy, ngứa ngoài da, dị ứng.

Trong thực tế, chó, mèo có thể gây bệnh cho người qua các con đường sau đây:

Do giun đũa Toxocara sp

Loại giun đũa này ký sinh trong đường tiêu hóa của chó, mèo. Trứng giun được thải ra ngoài theo phân. Sau một thời gian, trứng giun có thể lây nhiễm cho người theo đường miệng. Vào đến ruột người, trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng này theo đường máu xâm nhập tất cả các cơ quan trong cơ thể và gây bệnh tại cơ quan đó.

Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường nhất là ở trẻ em bởi các em hay nghịch đất, cát, bò lê la dưới sàn nhà hoặc do hay ôm ấp, vuốt ve chó, mèo. Trong khi đó, trứng giun đã bám sẵn trên lông của chó, mèo và chó, mèo có sở thích lăn lộn, vùi mình trên cát, đất...

Sau đó các em đưa tay lên miệng mút hoặc cầm nắm thức ăn nên vô tình nuốt phải trứng giun có khả năng lây nhiễm. Ấu trùng của giun có thể vào não gây liệt, vào mắt gây mờ mắt, mù; đến gan gây áp-xe gan; tới da tạo nên các vết bầm mà nhiều phụ huynh chỉ nghĩ rằng do trẻ hiếu động chạy nhảy nên ngã bầm da.

Do giun móc Ancylostoma caninum

Loại giun này có ở chó, mèo, sau đó xâm nhập vào cơ thể người qua da, tạo thành những đường ngoằn ngoèo dưới da gây đỏ ngứa.

Do sán dải Dipylidium caninum

Bình thường loại sán dải này ký sinh trong ruột chó, mèo. Chúng có thể lây truyền cho người qua đường miệng.

Do giun đầu gai Gnathostoma sp

Ký sinh ở chó, mèo, loại giun này muốn lây sang người phải qua các ký chủ trung gian khác như cá, lươn, tôm chưa nấu kỹ.

Một điều hết sức quan trọng cần chú ý là hầu như các loại giun sán này khi vào cơ thể người đều không thể trưởng thành trong đường ruột. Do môi trường bất lợi, chúng không trưởng thành và không thể đẻ trứng.

Vì vậy, không thể phát hiện trứng giun chó, mèo khi xét nghiệm phân người mà việc chẩn đoán phải được thực hiện bằng sự kết hợp các triệu chứng lâm sàng với yếu tố dịch tễ, huyết thanh chẩn đoán miễn dịch, siêu âm, giải phẫu bệnh.

Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh cho trẻ khi tiếp xúc với chó mèo

Để phòng ngừa các bệnh lây truyền từ vật nuôi, hàng năm gia đình cần cho vật nuôi tiêm chủng, uống thuốc diệt sán định kỳ. Thường xuyên giữ vệ sinh, tắm và diệt bọ chét cho vật nuôi. Lưu ý vệ sinh tay chân sạch sẽ sau khi tiếp xúc với vật nuôi.

Cha mẹ cần dạy bé thói quen giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, vì phân và nước tiểu của con vật thải ra làm chăn, giường bị bẩn, trẻ sẽ rất dễ mắc bệnh. Để an toàn, người lớn không nên cho trẻ tiếp xúc với chó, mèo thả rông. Cha mẹ luôn phải để mắt tới trẻ khi trẻ chơi đùa với chó, đặc biệt là những bé đang ở tuổi tập bò, tập đi…

Theo chuyên gia, chó, mèo phải được tắm từ 1-2 lần/ tuần bằng loại dầu tắm riêng để loại bỏ trứng giun bám vào lông; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, tẩy giun sán định kỳ tùy từng loại vật nuôi. Khi vật nuôi có các biểu hiện bị bệnh như rụng lông, ngứa ngáy, bỏ ăn,… mọi người cần đưa ngay chúng đến phòng khám.

Với những bé lớn tuổi hơn, cha mẹ cần phải dặn dò con, dạy con hiểu cách đề phòng vật nuôi: không đùa giỡn, thò tay vào miệng chó, không được đùa nghịch thái quá khiến chúng nổi giận.

Kết luận

Đến nay vẫn có nhiều quan điểm trái chiều xung quanh vấn đề: Có nên cho trẻ chơi với chó mèo không?

Quan điểm ủng hộ cho rằng: nô đùa với chó nuôi ở ngoài trời trong một khoảng thời gian có thể tăng cường hệ miễn dịch của trẻ nhỏ trong những năm đầu đời. Mèo dường như cũng có tác dụng bảo vệ đối với trẻ nhỏ mặc dù hiệu quả quan sát được là thấp hơn so với chó. Mặt khác, chơi đùa với chó mèo giúp tạo tính nhân văn, tình yêu thương động vật từ khi còn nhỏ ở trẻ.


Tuy nhiên, tại Việt Nam môi trường ẩm ướt, phần lớn thời gian trẻ ở trong nhà, nhà ở thành phố diện tích nhỏ, điều kiện chăm sóc cho chó mèo chưa thực sự tốt, cho trẻ chơi với chó mèo tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại.

Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, trong những năm đầu đời, sức đề kháng còn yếu, bạn không nên cho trẻ tiếp xúc với chó mèo.

Phương Thảo

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]