Có nên dạy con theo cách “thương cho roi cho vọt”?

GiadinhNet - Nhiều người nghĩ rằng “thương con là cho roi cho vọt, ghét con là cho ngọt cho bùi” nên sẵn sàng đánh con như một cách để giáo dục trẻ vào khuôn phép. Theo các nhà tâm lý, cách làm này lại khiến trẻ dễ nổi giận khi lớn lên.

15.5743

Trẻ dễ nổi giận khi lớn lên

Không ít cha mẹ đã chọn cách đánh đập mỗi khi con trẻ làm trái ý người lớn. Mặc dù đã cận Tết nhưng Trung tâm Tư vấn tâm lý Trẻ em và Gia đình CEPC (Hà Nội) vẫn có những khách hàng gọi điện đến để tham vấn về trường hợp của bản thân vừa đánh con hoặc đã từng dạy trẻ nhiều lần bằng cách đánh đập nhưng không có hiệu quả. Khách hàng Phương Hà (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết, do không kìm chế được, chồng chị đã tát con gái hai cái lằn cả má vì tội cô bé rất hay lấy trộm tiền của bố mẹ để mua quà ở cổng trường học. Lần bị đánh này cũng thế, chồng chị vừa nhận 5 triệu đồng tiền thưởng Tết. Hai vợ chồng đang lo lắng không biết phải xoay xở thế nào để sắm Tết cho gia đình và biếu hai bên nội ngoại thì hôm sau kiểm tiền, hai vợ chồng chị đã phát hiện bị mất 500.000đồng. Chồng hỏi vợ, vợ hỏi chồng và cùng nghĩ đến thủ phạm là cô con gái. Đúng như vợ chồng chị suy đoán, khi hai vợ chồng đến đón con đã thấy cô bé đang rút nắm tiền trong túi ra mua quà tại mấy cửa hàng trước cổng trường. Lần này không kìm được, chồng chị đã tát con gái ngay trước mặt bạn bè khiến cô bé xấu hổ vừa khóc vừa chạy bộ về nhà và đóng kín cửa phòng, bỏ cơm, không chuyện trò với bố mẹ.

Gia đình anh Lâm (ở Đông Anh, Hà Nội) cũng đang bất lực với cậu con trai vì đã dùng đủ mọi cách, thậm chí đã có lần anh dùng cả điếu thuốc lào đang hút dở để đánh con mà cậu bé 7 tuổi vẫn không bỏ được thói quen cứ đi học là bỏ quên đồ. Anh Lâm cho biết, năm lớp 1, vợ chồng anh phải mua vài trăm cái bút chì và bút mực vì gần như mỗi hôm cậu lại làm mất một cái. Lớp 2 thì có bao nhiêu chiếc áo rét, cậu bé làm mất cả vì hễ cởi áo ra là cậu để quên. Có hôm cậu bé còn quên cả cặp sách.

Theo BS Phạm Ngọc Thanh (BV Nhi Đồng 1, TPHCM), không ít các bậc cha mẹ đã sẵn sàng đánh con mỗi khi trẻ làm trái ý như một cách để giáo dục trẻ. Tuy nhiên, hậu quả thì ngược lại bởi cách trừng phạt này không chỉ cho thấy người lớn bất lực, không tự chủ về cảm xúc của mình và trút cơn giận lên trẻ mà còn có thể gây nhiều hậu quả tai hại cho trẻ khi lớn lên như: Trẻ dễ trở nên hung hăng, dễ nổi giận thay vì có ý thức trách nhiệm. Nếu việc đánh trẻ quá đau sẽ gây chấn thương trong cơ thể và gây sang chấn tâm lý cho trẻ. Sau này khi lớn lên, có thể trẻ sẽ trở thành trầm cảm, nghiện rượu, dễ nổi giận.

Thiết lập nội quy ngay khi trẻ 18 tháng tuổi

Cũng theo BS Phạm Ngọc Thanh, để trẻ không trở nên khó bảo khi lớn lên thì phải rèn tính kỷ luật cho trẻ ngay từ lúc trẻ mới 18 tháng tuổi. Nếu để lâu hơn, việc kỷ luật sẽ khó khăn hơn vì trẻ bắt đầu muốn có quyền hạn và thử xem cha mẹ nuông chiều trẻ đến mức nào. Lúc đó cha mẹ cần nhất quán thiết lập nội quy trong gia đình, cho trẻ biết giới hạn và không nên bất hòa trước mặt con cái.

Tương tự, nhà tâm lý Nguyễn Hạc Đạm Thư, giải Nhì giải thưởng Nguyễn Khắc Viện về đề tài nghiên cứu tâm lý trẻ em trong tác phẩm 6 năm đầu đời cũng cho rằng nếu đợi đến lúc trẻ đã biết đi lại vững vàng, sử dụng đôi bàn tay tự do mới đặt giới hạn cái gì được phép, cái gì không được phép là đã quá muộn, mà nên xây dựng thói quen nề nếp và tính kỷ luật ở trẻ trước khi trẻ xuất hiện tính bướng bỉnh. Việc quy định giới hạn đối với trẻ phải được cha mẹ thực hiện một cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết. Vì ở độ tuổi 18 tháng, trẻ đã có thể nhận biết được thái độ của cha mẹ và biết leo thang trong những đòi hỏi. Vì vậy, cha mẹ cần giữ vững kỷ luật bằng việc chặn đứng thói “được đằng chân lân đằng đầu” ở trẻ, bởi chỉ cần một lần lăn ra ăn vạ mà được cha mẹ mủi lòng đáp ứng thì lần sau trẻ sẽ tiếp tục diễn lại trò này.

Để rèn con tính kỉ luật các bậc cha mẹ nên lưu ý:

- Thường xuyên lắng nghe tâm sự, nguyện vọng của con để hiểu và góp ý cho con tiến bộ. Không nên đánh đập, quát mắng trẻ mà nên để trẻ tự giác, nhận thức hành vi của mình là không đúng và hiểu được rằng cha mẹ chỉ không thích hành động của con chứ không phải không thích bản thân con.

- Đừng quá khắt khe hay cứng nhắc. Nếu bạn đề ra những tiêu chuẩn quá cao thì sẽ thật khó cho trẻ. Điều bạn nên làm là thiết lập những giới hạn vừa phải, hợp với con để trẻ cảm thấy được yêu thương và bảo vệ. Tuy nhiên, bạn cũng không nên tỏ ra dễ tính, trẻ sẽ tưởng rằng bạn không quan tâm lắm đến những gì chúng làm.

- Bạn không nên chỉ trích gay gắt về những việc trẻ làm sai. Điều này sẽ khiến chúng xấu hổ, mất tự tin và từ lần sau sẽ không dám mạnh dạn tìm hiểu hay làm một điều gì nữa. Thay vào đó, hãy cho trẻ cơ hội giải thích lý do và bạn chỉ cần khuyên bảo, phân tích, chỉ ra cái sai cho trẻ rút kinh nghiệm.

Minh Châu

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]