Có nên mở rộng cửa lúc này?

Với sức khỏe khá yếu của hệ thống ngân hàng, liệu Việt Nam có thể chống chọi với cú sốc bên ngoài một khi cánh cửa thu hút vốn ngoại được rộng mở?

15.5766

"Việc thu hút vốn nước ngoài sẽ tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế khi vốn trong nước vẫn còn rất hạn chế, kỳ hạn thường ngắn và chi phí vốn thường cao”. Đó là nhận xét của ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, về pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối vừa được Thường vụ Quốc hội thông qua. Pháp lệnh sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau.

Lần sửa đổi này mang nhiều nội dung hướng tới mở cửa rộng hơn đối với việc thu hút dòng vốn quốc tế vào Việt Nam. Ngoài việc các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng và một số tổ chức kinh tế khác có thể vay vốn từ nước ngoài, điều nổi bật trong pháp lệnh sửa đổi là việc cá nhân có thể vay vốn từ bên ngoài với nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ.

Quan điểm của ông Hải phần nào đúng vào lúc này khi Việt Nam đang cần lượng vốn lớn để hỗ trợ tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy vậy, việc nới lỏng các điều kiện vay vốn nước ngoài cũng chứa đựng rủi ro.

Hoàn cảnh Việt Nam hiện nay tương tự như quá trình tự do hóa tài khoản vốn của các nước châu Á trước năm 1997. Lúc đó, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc được xem là những thị trường mới nổi thành công.

Điều này đã kích thích luồng vốn lớn từ bên ngoài chảy vào, tạo ra bong bóng giá cả trên thị trường bất động sản và chứng khoán. Trong khi đó, hệ thống luật pháp và giám sát của các nước trên đã không theo kịp những thách thức mới mẻ này, khiến họ trở nên dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài.

Và điều tồi tệ nhất đã xảy ra: bong bóng tài sản bắt đầu vỡ, khiến nhà đầu tư nước ngoài vội vã rút vốn, đồng nội tệ bị thả nổi và khủng hoảng nhanh chóng lan rộng khắp khu vực. Cuối cùng, phải nhờ đến khoản viện trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì mới cứu vãn được tình hình. Liệu Việt Nam đã rút được kinh nghiệm từ bài học này?

Nợ nước ngoài của Việt Nam tương đương hơn 41% GDP
Một mối lo ngại nữa là nếu dòng vốn vào nhiều, có thể dẫn đến cung tiền bằng nội tệ tăng lên khi Ngân hàng Nhà nước muốn giảm áp lực tăng giá nội tệ. Tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu không có biện pháp trung hòa lượng tiền này. Khi đó, lạm phát cao là điều khó tránh khỏi.

Tác động của dòng vốn ngắn hạn lên nền kinh tế cũng là điều cần cân nhắc, nhất là khi nhìn vào tấm gương của Hy Lạp. Theo tổ chức Oxford Economics, nợ ngắn hạn đối với bên ngoài của Hy Lạp năm 2009 rất lớn, chiếm đến 144 tỉ euro.

Trong đó, các ngân hàng đã gánh khoản nợ ngắn hạn lên tới gần 100 tỉ euro. Điều này gây áp lực trả nợ, góp phần đẩy Hy Lạp lún sâu vào khủng hoảng khi hệ thống chịu áp lực rút vốn từ bên ngoài. Với sức khỏe khá yếu của hệ thống ngân hàng hiện nay, liệu Việt Nam có thể chống chọi với cú sốc như thế?

Một vấn đề khác là hiệu quả sử dụng vốn của Việt Nam vẫn còn thấp. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ phá sản của doanh nghiệp và cá nhân, tác động xấu đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia, khiến chi phí đi vay của khu vực tư và công tăng lên.

Cuối năm ngoái, IMF khuyến nghị việc kiểm soát vốn có thể có ích đối với các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc giảm lãi suất; biện pháp này cũng có thể áp dụng khi hệ thống tài chính đang bị đe dọa bởi dòng vốn từ bên ngoài đi vào. Khuyến nghị này là khá bất ngờ vì lâu nay, tổ chức này luôn khuyến khích dòng vốn di chuyển tự do giữa các nước.

Theo IMF, “dòng vốn có thể mang lại lợi ích cho các quốc gia nhưng kèm theo đó là rủi ro do tính biến động, đặc biệt khi chúng tương đối lớn so với quy mô thị trường nội địa”.

Nguồn: NCĐT
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]