Cô thợ trang điểm tí hon

0

Bị ảnh hưởng chất độc da cam, chỉ cao 1,15 m, nhưng gần 20 năm qua, Đào Thị Hằng nổi tiếng trong vùng với nghề trang điểm cô dâu.

Hiệu ảnh cưới Thanh Hằng nằm trong ngõ nhỏ xóm 3 xã Xuân Lộc (Triệu Sơn, Thanh Hóa) với hàng chục bộ váy cưới và thiết bị chụp ảnh trị giá hàng trăm triệu đồng. Chủ nhân của gia tài ấy là bà chủ tí hon Đào Thị Hằng.

Ở tuổi 38, di chứng chất độc da cam khiến chị Hằng mang thân hình của đứa trẻ, chỉ cao 1,15 m, đôi chân ngắn tũn. Trẻ con trong xóm không gọi là cô, là bác mà gọi là “chị Hằng”. Chị cười hóm hỉnh, nói mình như vậy vẫn còn trẻ đấy chứ.

Năm 1975, thấy con gái đầu lòng chào đời lành lặn, ông Đào Trọng Đông như bỏ được đá tảng trong lòng. Suốt thời gian vợ mang thai, người đàn ông ấy nơm nớp lo sợ con sẽ mang trong mình di chứng chất độc da cam. Bởi chiến trường Bình Trị Thiên nơi ông chiến đấu năm xưa là vùng ảnh hưởng chất độc này rất nặng nề.

Nhưng Hằng càng lớn thì di chứng da cam càng rõ rệt. Cô bé đau ốm dặt dẹo, đi viện liên tục. Đến tuổi đi học, nhìn những ánh mắt ái ngại dành cho mình, Hằng ngây thơ nghĩ không có gì phải buồn. Rồi đến lúc Hằng thấy buồn thật sự khi chiều cao cứ tỉ lệ nghịch với số tuổi. Trong khi đó, bạn bè cùng lứa thì ngày càng trổ mã, lớn dần lên.

Gần 20 năm trong nghề, cô thợ tí hon không nhớ mình đã làm đẹp cho bao nhiêu cô dâu trong ngày hạnh phúc của họ. Ảnh: Hoàng Phương.

Đôi chân ngắn, sức khỏe yếu khiến chị mệt nhoài mỗi lần tới trường. Cùng với gia cảnh khó khăn, Hằng quyết định nghỉ học khi mới lớp 7. Cô giáo chủ nhiệm ngày ấy tiếc mãi cho lực học của cô học trò khuyết tật. Ước mơ trở thành cô giáo mầm non năm xưa đành dang dở, chị vẫn thầm tiếc khi nhắc lại “Nếu cho chọn lại, tôi sẽ không bỏ cuộc mà cố gắng bằng mọi cách để được đi học”.

Năm 1994, Hằng xin gia đình cho xuống TP Thanh Hóa học trang điểm cô dâu. Nhìn vẻ ngoài, nhiều người không tin chị làm được. Cô gái bé nhỏ không nói gì, cứ lẳng lặng học. Chẳng ngờ chị nhanh nhẹn, học nghề nhanh nhất trong số học viên, thời gian học rút ngắn chỉ bằng nửa người khác.

Về quê mở tiệm áo cưới, chị Hằng đầu tư máy ảnh để vừa trang điểm cô dâu, vừa chụp ảnh. Từng học qua lớp trung cấp sân khấu điện ảnh, ông Đông trở thành thầy chỉ dạy con gái kỹ thuật sử dụng máy ảnh. Dần có vốn, chị mua thêm dàn máy vi tính, sách về tự mày mò cách xử lý ảnh, ép ảnh…

Thân hình bé nhỏ, Hằng phải nhờ bố hoặc em trai chở đi làm. Khi chị trang điểm cho cô dâu thì người kia ở ngoài chụp ảnh. Dần dần, Hằng mua xe đạp điện cho tiện đi lại và tự bấm máy để nâng cao tay nghề. Giữa dòng người, cô thợ tí hon đeo máy ảnh trước ngực, chọn những góc đẹp nhất để lưu giữ khoảnh khắc hạnh phúc nhất của đôi uyên ương.

Áo cưới Thanh Hằng dần có thương hiệu ở vùng quê. Mùa cưới, có khi chị chạy sô cả ngày, tối về lại thức đến khuya xử lý ảnh để kịp giao cho khách. Lúc đầu, nhiều người nói chị khuyết tật sẽ không mang may mắn cho gia đình cô dâu, chú rể. Nhưng nhờ làm việc cẩn trọng, chị dần lấy được lòng tin của mọi người. Có gia đình ở xã bên khen chị mát tay, 4 đứa con dựng vợ gả chồng đều tay Hằng vừa trang điểm, vừa chụp ảnh.

Chị tâm sự: “Mọi người tìm đến Hằng vì tay nghề làm đẹp đã đành. Đó cũng là tình thương, sự đùm bọc, cùng chung tay cho mình miếng cơm”. Hằng luôn tự nhủ phải trang điểm cho cô dâu thật xinh đẹp như là một sự tri ân đến những người đã cho chị “miếng cơm”.

Chiếc xe đạp điện là người bạn đồng hành với chị mỗi khi đi làm. Ảnh: Hoàng Phương.

Gần 20 năm trong nghề, chị không nhớ đã trang điểm cho bao nhiêu cô dâu, lưu giữ khoảnh khắc hạnh phúc của bao người. Mỗi lần điểm phấn, tô son cho các cô gái bước lên xe hoa, khát khao được mặc váy cưới, được làm cô dâu lại nhen nhóm dần trong chị.

Và chị cũng yêu một người đàn ông khỏe mạnh, có nghề nghiệp, hết lòng thương yêu chị. Đối với Hằng, người ấy không những chia sẻ nỗi niềm trong cuộc sống mà còn là người đồng hành với chị trong mỗi chuyến đi. Chị muốn trở thành vợ, thành mẹ nhưng rồi lại sợ mình không làm tròn thiên chức cao cả đó. Mối tình đẹp ấy kéo dài ba năm rồi dừng lại. “Suốt cuộc đời này, Hằng luôn trân trọng tình cảm ấy và xem nó như niềm an ủi để sống tốt những ngày sau”, cô thợ trang điểm trải lòng khi nhắc lại kỷ niệm xưa.

Con gái vui vẻ sống, say sưa làm nghề là niềm an ủi, vơi bớt sự day dứt trong tâm trí ông Đông bao năm qua. “Gia đình khấm khá phần lớn nhờ công nó làm lụng vất vả bao năm. Trời không cho cơ thể lành lặn, nhưng tuyệt nhiên không lấy được nghị lực sống của nó”, người đàn ông tóc muối tiêu tự hào nói về con gái.

Số tiền trợ cấp 700 nghìn/tháng dành cho người bị ảnh hưởng chất độc da cam cùng với tiền kiếm được giúp chị không phải lo nhiều về vật chất. Nhưng căn bệnh vôi hóa cột sống khiến Hằng thường xuyên bị đau lưng, có lúc đi lại khó khăn. Chị tâm sự, giờ là lúc nghĩ về cuộc sống sau này nhiều nhất. Nhìn người hàng xóm sống một mình trong căn nhà lạnh lẽo, Hằng soi thấy bóng mình trong đó và sợ.

Niềm vui lớn nhất của chị bây giờ là mỗi ngày đi làm và chăm sóc cho ba đứa cháu nhỏ, con của những người em trai. Sắp xếp lại tập ảnh cưới của một đôi uyên ương, cô thợ trang điểm tí hon trải lòng: “Hằng vẫn còn hạnh phúc vì có một gia đình lớn, có cha mẹ và các em thương yêu. Bản thân Hằng thấy mình vẫn là người có ích khi góp phần vào hạnh phúc của nhiều người, vậy là vui rồi”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Xuân Lộc cho biết, rất khâm phục nghị lực của cô gái da cam Đào Thị Hằng. "Trong xã có một số trường hợp khuyết tật nhưng Hằng là tấm gương nổi bật nhất, tự vượt lên chính mình bằng lòng kiên trì, sức lao động chính đáng. Hằng không những tự tạo được công việc cho mình mà còn giúp cho gia đình thoát nghèo", ông Minh thông tin. 

Hoàng Phương

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]