Coi chừng bệnh mất khứu giác

SKĐS - Khứu giác là một giác quan quan trọng của con người. Khứu giác giúp chúng ta nhận biết các mùi. Để ăn ngon, ngoài cảm nhận của vị giác, khứu giác còn có vai trò kích thích tiêu hóa, giúp món ăn được ngon hơn.

15.5939

Khứu giác là một giác quan quan trọng của con người. Khứu giác giúp chúng ta nhận biết các mùi. Để ăn ngon, ngoài cảm nhận của vị giác, khứu giác còn có vai trò kích thích tiêu hóa, giúp món ăn được ngon hơn. Nếu mũi bị tổn thương sẽ xuất hiện những suy giảm về khứu giác dẫn đến mất chức năng ngửi mùi. Vì sao bị mất khứu giác? Phương pháp nào bảo vệ khứu giác? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

Tìm hiểu về khứu giác

Mũi là một trong năm giác quan của con người có chức năng cảm nhận mùi. Về cấu tạo giải phẫu, vùng ngửi của mũi nằm ở nóc của mỗi ổ mũi, ngay sau khoảng cách giữa hai mắt. Vùng ngửi của mũi có hình chữ nhật nhỏ, gần như con tem gửi thư, màu vàng, ẩm ướt và có nhiều dịch nhờn. Bình thường, mũi người có chừng 100 triệu tế bào thần kinh để ngửi và khoảng 1.000 gen khác nhau nằm trong các tế bào cảm thụ khứu giác này. Mỗi thụ thể thần kinh chỉ phân tích, tiếp nhận một số mùi nhất định. Tín hiệu điện từ thụ thể khứu giác sẽ được chuyển về não bộ để xác định được mùi hương của sự vật. Hoạt động của khứu giác: các phân tử mùi thâm nhập vào mũi nhờ sự vận chuyển của không khí, tại mũi nó sẽ tự phân tán vào dịch nhầy được tiết ra từ màng nhầy của mũi. Tiếp theo, dịch nhầy sẽ tự liên kết với các dây thần kinh khứu giác để chuyển đổi các thông tin trở thành tín hiệu điện, dẫn truyền về não bộ, từ đó não bộ nhận ra mùi.

Vùng ngửi của mũi nằm ở nóc của mỗi ổ mũi, ngay sau khoảng cách giữa hai mắt.

Như vậy, vai trò của khứu giác là nhận biết mùi của thực phẩm, nước uống mà con người ăn uống hàng ngày. Mũi cũng nhận biết các mùi có tính chất độc hại nguy hiểm như mùi của thức ăn bị hư thối, mùi gas, mùi các chất khí độc hại ô nhiễm... Khứu giác còn hỗ trợ sự giao lưu và quan hệ xã hội giữa con người với con người...

Mất khứu giác

Mất khứu giác theo thuật ngữ khoa học là Anosmia, nghĩa là “mất khứu giác” hay “điếc ngửi”. Khi bị mất khứu giác khiến con người không thể cảm nhận được mùi của hương hoa, thực phẩm, các mùi thơm hay thối, trong lành hay độc hại. Có nhiều nguyên nhân gây ra mất khứu giác như: hẹp hốc mũi bẩm sinh; biến dạng vách ngăn mũi; chít hẹp hốc mũi sau chấn thương; do chấn thương ở não; do tổn thương của thần kinh khứu giác ngoại biên hoặc trung ương; do các bệnh cúm, sổ mũi cấp tính, một số bệnh nhiễm khuẩn; viêm mũi phì đại cấp tính hoặc mạn tính kèm theo polip, bịt tắc cửa mũi sau; các bệnh gây ngạt tắc vùng khứu giác; do rối loạn thần kinh chẳng hạn viêm thần kinh khứu giác do độc tố hoặc virut; do các hoá chất, hơi độc, bụi, chất ma tuý...; do sử dụng một số loại thuốc; do sử dụng phương pháp trị liệu như tia X, liệu pháp hoá học, lọc máu; do những thương tổn về thần kinh trong một số bệnh: Alzheimer, đa xơ cứng, bệnh Parkinson, bệnh xơ cứng teo cơ, bệnh đái tháo đường...; do sự lão hoá của cơ thể.

Tìm lại khứu giác, cách gì?

Một khi đã bị mất khứu giác thì việc tìm lại là rất khó khăn. Nói cách khác là rối loạn khứu giác rất khó điều trị và khả năng phục hồi hoàn toàn không cao. Tùy theo nguyên nhân mà có phương pháp điều trị riêng phù hợp đối với từng bệnh nhân. Thông thường có thể chọn một hay nhiều phương pháp điều trị phối hợp như sau: dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn; sử dụng thuốc chống dị ứng chữa viêm mũi xoang; dùng thuốc steroid uống hoặc xịt mũi để chữa bệnh dị ứng mũi; nếu do chấn thương não thì sau khi chấn thương hồi phục, bệnh nhân có thể ngửi trở lại; phẫu thuật cắt bỏ polyp, sửa dị hình vách ngăn trong mũi để khai thông tắc nghẹt.

Phương pháp bảo vệ khứu giác

Tuy rối loạn khứu giác không gây giảm sút nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chẳng hạn có những trường hợp do điếc ngửi mà bệnh nhân mắc phải các tình huống: ăn phải thực phẩm ôi thiu, nhiễm độc, ngồi trong phòng kín bị rò rỉ khí gas nhưng không biết... gây nên những hiểm họa khôn lường. Vì vậy, việc bảo vệ khứu giác rất quan trọng.

Cách tốt nhất để bảo vệ khứu giác là phòng và điều trị các nguyên nhân gây rối loạn khứu giác nói trên, như chữa các bệnh: cảm, cúm, viêm đường hô hấp trên, viêm xoang... một cách triệt để. Trong sinh hoạt mọi người nên đeo khẩu trang bảo vệ tránh khói, bụi, không khí lạnh… mỗi khi ra đường. Nên có thói quen rửa mũi bằng nước muối sinh lý từ 2-3 lần hàng ngày hoặc mỗi khi đi ra ngoài về nhà để làm sạch niêm mạc mũi. Luyện tập khứu giác như ngửi mùi các loại hoa, thức ăn cho quen... để kịp thời phát hiện những thay đổi bất thường của khứu giác và điều trị khi bệnh mới phát triển...

Nếu có điều kiện, trong gia đình nên thay bếp gas bằng bếp điện; gắn thêm thiết bị báo động khói trong nhà. Cần kiểm tra kỹ hạn sử dụng của các loại thực phẩm để tránh ăn phải thức ăn hư thối. Chú ý để keo xịt tóc, thuốc tẩy rửa, thuốc trừ sâu... ở nơi thoáng khí để tránh hít phải hơi hóa chất độc hại.

ThS. Bùi Thị Vân

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]