Con nói dối như cuội, bố mẹ phải làm sao?

Theo các chuyên gia tâm lý, bố mẹ cần khuyến khích trẻ nói thật và kể cho bạn nghe những gì con nghĩ trong đầu. Quan trọng hơn, bố mẹ phải là gương sáng cho con noi theo.

15.5701


Bố mẹ tiếp tay

Ngay từ lúc lên hai, trẻ sẽ ghi nhớ và bắt chước mọi câu nói, hành vi, cử chỉ của bố mẹ. Nhiều người nghĩ, có những lời nói dối vô hại, nên hồn nhiên phổ biến cho con.

Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Tiểu học, ĐH Sư phạm cho rằng, nguyên nhân bắt đầu từ bản thân bố mẹ. Nhiều khi, cha mẹ không thật thà.
Bố mẹ chính là "thủ phạm" khuyến khích trẻ nói dối
Chị Mùi (Cầu Giấy, Hà Nội) là trường hợp điển hình. Vốn có vị trí trong một công ty chuyên kinh doanh dược phẩm nên buổi tối nhà chị hay có khách. Mỗi lần có người đến bấm chuông, chị thường nhìn qua camera. 

Nếu là khách không muốn tiếp, chị bảo cậu con trai học lớp 6 chạy ra nói mẹ không có nhà. Hoặc đang ăn cơm, điện thoại của chị đổ chuông, liếc qua không phải người cần nghe, chị liền đưa con trả lời. Trước khi bật máy, chị bảo con nói với người đầu dây bên kia rằng, mẹ cháu đi tập thể dục.

“Một lần, nghe con nói điện thoại với bạn không có sách nâng cao, dù chính quyển sách đó tôi mua, thấy giật mình. Tưởng con quên nên tôi nhắc thì nó bảo, mẹ thường xuyên nói dối khi không thích ai còn gì. Con không thích bạn ấy nên không cho mượn”, chị Mùi kể lại.  

Theo TS Hương, con cái học thói xấu do cha mẹ nói dối khá phổ biến, nhưng cũng có những trường hợp trẻ bị chính bố làm cho sợ... nói thật. Chẳng hạn, việc đứa trẻ lên 5 nói với mẹ làm vỡ bát, chưa dứt lời đã bị ăn tát ngang mặt. Hoặc trường hợp khác mà TS Hương từng chứng kiến khi đón con ở trường, một bà mẹ quát tháo, mắng nhiếc con thậm tệ chỉ vì… dám khai nhận do mải chơi mà ngã rách quần.

Khi nói thật trẻ bị mắng, chửi thì lần sau, chúng sẽ rút kinh nghiệm… tìm cách lấp liếm hành vi được cho là sai trái của mình. Lâu dần sẽ hình thành thói quen nói dối như cuội.

Phải làm sao? 

Để ngăn ngừa tình trạng này, theo các chuyên gia tâm lý, bố mẹ cần khuyến khích trẻ nói thật và kể cho bạn nghe những gì con nghĩ trong đầu. Đó chính là giải pháp đầu tiên. 

Không nên can thiệp vào suy nghĩ của trẻ, mà để bạn và con hiểu nhau hơn. Trong trường hợp phát hiện trẻ nói dối… thành thần thì “bố mẹ phải bắt nọn con trong mọi trường hợp nói dối. Nghĩa là bất kể sự thật nào bố mẹ cũng biết trước khi con khai ra. Và khi con nói dối thì bố mẹ nói ra sự thật. Lần nào cũng bị bắt nọn như vậy, dần dần con sẽ hết nói dối”, TS Hương cho biết. 

Ngoài ra, khi con vô ý đánh vỡ, làm hỏng đồ vật, cha mẹ đừng đánh mắng con, vì như thế không giải quyết được gì, sẽ chỉ làm con nói dối chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, đôi khi bố mẹ cũng cần dạy trẻ những lời nói dối vô hại trong những tình huống cụ thể. 

Chẳng hạn, tình huống con chị Hoa (Ba Đình, Hà Nội) lần đầu tiên gặp bạn mẹ ở chợ, cô bé 8 tuổi thảng thốt hỏi sao bác béo thế? Mà bác mặc ngược quần nữa kìa… Với những tình huống này, bố mẹ có thể dạy không nói gì cả. 

Con có thể giữ bí mật chứ đừng nói ra những điều không tốt về một ai đó mới gặp lần đầu. Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, ngoài những biện pháp trên, quan trọng nhất bố mẹ hãy là tấm gương cho trẻ noi theo bằng cách đừng nói dối.


Nguồn: Infonet
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]