Nhiều doanh nhân có tiếng, doanh số bạc tỉ ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đến nghe. Cũng có những sinh viên và những bạn trẻ nông dân muốn khởi nghiệp từ làng quê đến dự lớp huấn luyện khởi nghiệp, do hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại trường đại học An Giang ngày 6.3.2014.

Doanh nhân thành đạt nói kinh nghiệm khởi nghiệp

Những điểm nhấn mà doanh nhân thành đạt Nguyễn Tuấn Quỳnh, chủ tịch – tổng giám đốc công ty cổ phần nhiên liệu Saigon SFC, muốn chia sẻ: khởi đầu là hãy xác định rõ ý tưởng khởi nghiệp và rèn kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh rồi trả lời những câu hỏi đúc kết kinh nghiệm kinh doanh của ông: dòng vốn và lợi nhuận, cái nào quan trọng hơn? Làm tốt công việc bình thường và làm sao phấn đấu thành người giỏi nhất?

Theo ông, có ba điều kiện để trở thành người giỏi nhất: đam mê, phải có thầy giỏi, phải khổ luyện.

Nhân, con chị Chín Cẩm, nghe và tự đối chiếu chặng đường đã qua của mình, suy nghĩ cách lèo lái lò bánh tét của gia đình cho chuyên nghiệp hơn. Hơn một năm sau khi tốt nghiệp khoa kinh tế – quản trị kinh doanh đại học Cần Thơ, anh về giúp mẹ làm bánh, cung cấp được cho Co.opmart và cũng bán giao hàng tận nhà cho khách mua lẻ. “Chính là phải lên kế hoạch kinh doanh thì mới kiểm tra được tính khả thi và đo lường được khả năng thành công khi đầu tư, ngay cả việc nhỏ như thuê một điểm phân phối mới trong nội ô Ninh Kiều hay đặt những chiếc hộp nhỏ để tờ rơi tại các khách sạn, các điểm thông tin du lịch. Anh cho biết thêm, tôi vừa “loé lên” trong đầu ý tưởng thử làm trang web chào bán nhiều loại đặc sản để mở thêm thị trường…

Những năm tháng làm và tự bán lẻ bánh tét lá cẩm, nỗi lo canh cánh của chị Chín Cẩm là các con không đủ tiền học đến nơi đến chốn. Nay các con tốt nghiệp xong, còn biết tìm cách thay đổi năng suất bằng cách mua máy buộc dây công nghiệp giúp mẹ khâu cuối, và “cơ giới hoá” khâu xào nếp để quyết tâm “giải phóng” cha ra khỏi tình trạng lao lực.

Mạng lưới bạn trẻ nông thôn khởi nghiệp đang hình thành

Nhiều bạn trẻ ở huyện Phong Điền, Cần Thơ đã tham gia mạng lưới kinh doanh đặc sản mới thành lập tháng 10.2013, và nay đang chuẩn bị các lớp huấn luyện ngắn hạn về khởi nghiệp từ làng quê, nhằm nâng cao năng lực hội nhập, đổi mới sáng tạo mà hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và trung tâm BSA sẽ tổ chức dành riêng cho mạng lưới này.

“Những gia đình lưu giữ tinh tuý nghề nghiệp gia truyền bắt đầu chuyển giao thế hệ”, anh Nguyễn Trường Chinh, Chả lụa Năm Thuỵ (Trà Vinh) cho biết gia đình đã giao quyền kinh doanh cho anh; chị Chín giao quyền kinh doanh Bánh tét Chín Cẩm cho Nhân; chị Hai Lý, Bánh tét Trà Cuôn, tập cho con gái làm quen việc mua bán ở cửa hàng và cách kiếm sống “bán chạy theo xe đò”, là một trong những bài học kiếm sống nhớ đời. Mạng lưới này bắt đầu kết nối doanh nhân trẻ ở miền Đông, như Đạt Trương ở Lâm Đồng.

Đội ngũ gắn bó và đủ năng lực

“Tất cả phải bắt đầu từ ý tưởng kinh doanh, nhưng cần đeo đuổi ý tưởng này bằng ý chí quyết tâm, sau đó là hiểu biết sâu về thị trường của ngành và xây dựng đội ngũ gắn bó và đủ năng lực”, bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Israel, mà bà vừa nghiên cứu ở Tel Aviv giữa tháng 1.2014. Theo bà, công thức xây dựng đội ngũ của họ là: Người giỏi kỹ thuật + Người giỏi kinh doanh + Người có nhiều quan hệ thị trường và xã hội, biết tổ chức các mối liên hệ.

Người Israel cho rằng ba yếu tố quan trọng nhất khi khởi nghiệp là ý chí, năng lực và tinh thần không sợ rủi ro.

Nói chuyện xứ mình, nhiều bạn trẻ nông thôn đủ bản lĩnh phát hiện các cơ hội kinh doanh nhưng đa số các bạn còn thiếu khả năng “đọc hiểu” thị trường và tự viết một kế hoạch kinh doanh khả thi, phù hợp. Bởi vậy, các bạn hãy nuôi lớn khát khao bằng cách đi học và tự học các kiến thức cơ bản về kinh doanh – khởi nghiệp. Đừng hoang tưởng “thiên hạ làm được thì tôi làm được”, bà Hạnh khuyên.

Hoàng Lan (TGTT)